(ĐSPL) - Khi những chiếc lá cuối cùng của cây Trôi ngàn tuổi ở xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) lìa cành, rơi xuống vì quy luật của tự nhiên, nhiều người tỏ ra vô cùng tiếc nuối. Họ cho rằng, cây Trôi ngàn tuổi là hồn thiêng của làng. Xung quanh "sự tích" cây Trôi này là những câu chuyện ly kỳ, nó được gán là "cây thiêng giết người". Thực hư, câu chuyện này như thế nào?
Hơn chục người rủ nhau "ra đi" trong một tháng
Theo các cụ cao niên trong làng, cây Trôi cổ thụ này đã có tuổi đời hàng ngàn năm, là hình ảnh hiếm có, cổ xưa còn sót lại. Trải qua bao vật đổi, sao dời đã chứng kiến bao biến thiên, dâu bể, cây Trôi trở thành cây cổ thụ bậc nhất ở Vĩnh Phúc. Đối với người dân Hợp Thịnh, hình ảnh cây Trôi sừng sững tỏa bóng mát rượi, che phủ cả một không gian lớn của làng đã trở thành hình ảnh quá đỗi gần gũi, thân quen, như là một biểu tượng, nhắc nhở để người xa quê mỗi lần tìm về cố hương. Nó đã chứng kiến sự trưởng thành và lớn lên của bao thế hệ người dân Hợp Thịnh. Cây Trôi đứng ngay đầu đường vào xã, một bên là cánh đồng rộng lớn, một bên là đài tưởng niệm. Cây Trôi cổ thụ vươn mình, lá tỏa bóng mát cho bà con nghỉ khi đi làm đồng, trẻ con đùa nghịch khi đi chăn trâu. Khi xã có người qua đời, đám rước ma thường dừng lại nghỉ giữa chừng dưới gốc cây Trôi trước khi đưa người quá cố về nơi an nghỉ.
Đó là những hình ảnh cuối cùng mà người dân nơi đây còn nhớ về cây Trôi khi nó chưa có biểu hiện chết. Nhiều cụ già trong làng còn cho rằng, nếu tính theo tuổi trời đất, vật nào sống lâu đều có thần cả nên cây Trôi còn tập trung linh khí của dân làng. Còn người dân tứ xứ thì lại cho rằng, đó là "cây giết người" bởi những cái chết nối tiếp nhau trong vòng một tháng khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Và, nhất là khi cây Trôi bị chết một nửa, một người dân có ý định trồng một cây đa bên cạnh, những câu chuyện ly kỳ về "cây giết người" bắt đầu được người dân đồn thổi. Cành cổ thụ chĩa vào làng bị gãy, càng khiến người dân bán tín bán nghi cho "sự nổi giận của thần thánh", vì đưa một cây đa không tên tuổi đứng ngay cạnh là sự phạm thượng (?!) Cũng chính thời điểm cành Trôi bị gãy năm 2007, tại xã Hợp Thịnh có nhiều cái chết bất thường, hơn chục người cứ thế nối tiếp nhau ra đi và xung quanh cây Trôi có một mùi lạ cứ xẩm tối là xuất hiện. Khi hỏi người dân sống gần cây Trôi về những cái chết liên quan, họ luôn tỏ ra e dè.
Người trong làng kể lại rằng: "Khoảng tháng Tư, tháng Năm năm 2007, chưa đầy một tháng mà xã chúng tôi có 12 người chết, có một vài người do tuổi già sức yếu, nhưng cũng có nhiều trường hợp chết đột tử, không tìm được ra nguyên nhân. Có thời điểm, dân làng liên tiếp tiễn bốn người về nơi an nghỉ cuối cùng, hầu hết là những người dưới độ tuổi 50, vẫn khỏe mạnh bình thường và đang là lao động chính trong gia đình". Những câu chuyện ly kỳ không chỉ dừng lại ở việc người trong làng ra đi một cách bất thường mà nhiều sự khác lạ khi cây Trôi dần rụng hết lá cũng xuất hiện.
Người dân nơi đây vẫn nhớ và kể lại câu chuyện anh Nguyễn Văn Định làm nghề bốc thuốc ở xóm Lê Lợi. Một buổi tối, anh đi làm qua gốc cây Trôi cổ thụ thì bị ngã xuống ao. Sau đó, anh đi lang thang vài ngày mới trở về nhà. Định thần lại, anh Định kể: "Hôm ấy, khoảng 12h đêm, tôi đi xe máy từ trong nhà ra ngoài đường. Tôi hoàn toàn tỉnh táo, trong người không hề có rượu. Đi đến ven ao thì tự nhiên tôi ngã vật khỏi xe. Xe vẫn ở trên đường nhưng người thì lao xuống ao, ướt hết quần áo. Lúc đó, tôi không hiểu vì sao mình ngã, cứ như có ai kéo xuống ao vậy". Anh Quyền là một trai đinh, khỏe mạnh trong làng, một buổi sáng người ta thấy anh chết cứng từ bao giờ. Ông Vụ, buổi tối vẫn khỏe mạnh bình thường, bỗng nhiên sùi bọt mép, mắt trợn ngược, đưa lên bệnh viện cấp cứu nhưng không thể qua khỏi.
Đến chuyện quanh khu vực cây Trôi bỗng nhiên có mùi lạ, cứ 18h trở đi, người ta ngửi thấy mùi khét lẹt bay lên, khi thì như ai đó đốt rác, khi thì như nhà ai nấu cơm, mùi vô cùng lạ. Nhiều người cũng tự đặt câu hỏi, liệu cây Trôi có liên quan đến những cái chết bất thường và hiện tượng lạ đó không? Một số ít người dân tin vào tâm linh thì cho rằng, thánh thần nổi giận, nhưng một số người lại nghĩ những cái chết đột tử hay mùi lạ quanh khu vực cây Trôi chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và đều có nguyên nhân của nó.
|
Cây Trôi cổ thụ của làng. |
Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
Câu chuyện về "cây thiêng giết người" khiến người dân nơi đây hoang mang lo sợ. Cứ 23h đêm là trong xóm, ngoài làng vắng lặng, khu vực cây Trôi trở nên hoang vắng, nhuốm đầy nỗi sợ hãi và sự liêu trai.
Để giải mã vấn đề này, phóng viên đã về địa phương tìm hiểu thực hư. Chủ tịch UBND xã Lê Bình Dân giải thích: "Cây Trôi cổ thụ đã sống cả nghìn năm nay, khi chúng tôi còn bé vẫn hay trèo lên cây để chơi. ở giữa thân cây có một hõm rộng, mỗi khi mưa, nước mưa hay đọng ở đó, gây mục ruỗng. Nhiều năm như thế, giờ thân cây đã bị rỗng ở giữa. Theo phân tích khoa học, toàn bộ phần cây ở giữa đã chết. Cây cối cũng giống như con người vậy, phải theo quy luật của thời gian, không thể sống mãi được".
Anh Phùng Văn Tú, người dân xã Hợp Thịnh cho rằng: "Những cái chết năm 2007 chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, một số do rượu chè, một số do huyết áp, ảnh hưởng của cơn bão từ. Cành Trôi bị gãy là do có một cháu bé trong làng trèo lên cây chơi không may làm rơi tàn lửa xuống hõm cây nên bị cháy. Việc trồng cây đa bên cạnh cây Trôi là bình thường, không có chuyện xúc phạm đến thánh thần gì hết, cũng không có chuyện ma mãnh nào kéo người xuống ao cả". Ông Phùng Văn Cấn, Trưởng thôn Hưng Thịnh nói: "Anh Định ngã xe là do khúc cua khá hẹp, đi trời tối nên tay lái không được chuẩn. Còn số người chết năm 2007 thì có ba người vì tuổi già, sáu người vì bệnh nan y, hai người vì xuất huyết não, một người vì đuối nước, một cháu viêm tắc ruột bẩm sinh. Người dân đồn, xung quanh cây Trôi có mùi khét là có thật nhưng đó là mùi của cây phèn đen, người xưa hay dùng để nhuộm quần áo. Loại cây này có quả chín, lá giống lá khế nhưng nhỏ hơn, mọc tự nhiên rất nhiều ở các bờ rào và đặc biệt là toả ra mùi khét khi trời tối. Đây cũng là một loại cây nằm trong danh mục cây thuốc nam mà trạm xá hay trồng".
|
Cây Trôi đổ gãy và chết khô vì lâu năm. |
Theo ông Cấn, cây Trôi đã ngàn năm tuổi là biểu tượng của xã Hợp Thịnh, không có chuyện ma mãnh hay hiện tượng lạ gì, tất cả chỉ do sự mê tín của một số người thêu dệt làm hoang mang lòng dân. Chuyện "cây thiêng giết người" đã được giải mã, người dân nơi đây không còn nghi ngờ hay đổ oan cho cây Trôi nghìn năm tuổi của mình nữa mà rất đỗi tự hào về nó. Khi cây Trôi rụng chiếc lá cuối cùng, người dân Hợp Thịnh vô cùng xót xa như mất đi vật báu của làng.
Cây Trôi cổ thụ có đường kính thân rộng 3m, đường kính tán lá khoảng 30m, cao 30m. Các cành to từng bị gãy có đường kính 60cm - 80cm. Sau khi bị gãy cành lần đầu, sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc đã báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện phương án làm rễ giả, chống đỡ các cành còn lại và bắn thuốc kích thích cho bộ rễ cây phát triển. Tuy nhiên, vì cây quá già cỗi nên không thể sống thêm. Anh Phùng Văn Tú tiếc nuối: "Dân làng tôi không bao giờ có được cây Trôi như thế nữa". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-oan-cho-cay-thieng-giet-nguoi-song-hang-ngan-nam-a32201.html