+Aa-
    Zalo

    Giải mật những lời khai chết người khiến “các quan lớn” thót tim

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đằng sau vụ gian lận tiền cạo heo rất nổi tiếng thời bấy giờ có bao nhiêu bí mật đã vĩnh viễn bị chôn vùi?

    (ĐSPL) -  Đằng sau vụ gian lận tiền cạo heo rất nổi tiếng thời bấy giờ có bao nhiêu bí mật đã vĩnh viễn bị chôn vùi?
    Thời đó, vụ gian lận tiền cạo heo rất nổi tiếng và được dư luận quan tâm, chú ý từng ngày, từng giờ. Họ đọc tin tức theo kiểu: Báo mới ra lò đây, tin tức mới nhất về vụ Huyện Thung đây, báo nóng đây, vừa đọc vừa thổi. Câu hỏi lớn nhất suốt nhiều thập niên sau, là Huyện Thung đã khai ra những gì?
    Giải mật những lời khai chết người khiến “các quan lớn” thót tim
    Người dân Sài Gòn xưa sửng sốt với vụ "cạo heo" của Huyện Thung.
    Những dích dắc mang hình còng số 8
    Thời ấy, cũng có nhiều vụ đục khoét ngân khố làm chấn động dư luận như phi vụ khổng lồ tại Hạm gạo Ứng Bảo Toàn ở Đà Nẵng, vụ Vũ Đình Đa ở Ngân hàng Quốc gia, vụ đánh cắp xăng Bảo An hay vụ công chức ở Quan Thuế dùng phương tiện hợp pháp để buôn lậu Mỹ kim... Tuy nhiên, các vụ nổi đình, nổi đám này vẫn chưa thể đọ được với vụ của Huyện Thung tại lò heo Chánh Hưng. Bởi vì nó có một tổ chức rất chu đáo với nhiều dây mơ rễ má và hoạt động trong thời gian dài. Về phi vụ này, chẳng biết Huyện Thung khai những gì, nhưng cứ lần lượt lại có thêm người bị bắt. Công an đã đến Tòa Đô Chánh Sài Gòn và bắt thêm một số người nữa chở về đồn.
    Trong đó người ta thấy có ông Nguyễn Văn Nhứt, Trưởng ty Hành chánh của Tòa Đô Chánh; Kim, Thêm là những công chức tại Tòa Đô Chánh. Thêm là người ăn chay trường, lại hiền lành, nhưng có mượn của Huyện Thung 60 ngàn đồng nhưng chưa trả đủ nên bị giữ lại. Rồi Phạm Văn Ngọ, tài xế riêng của Huyện Thung, cô Trương Thị Dung, Nguyễn Thị Soa là những nữ thơ ký Tòa Đô Chánh. Trường hợp của cô Dung có mượn của Huyện Thung 30 ngàn đồng giùm cho người bà con bên chồng nhưng chưa có tiền hoàn lại nên cũng bị lãnh đủ tội liên đới. Còn cô Soa là nữ thơ ký của Giám đốc Cảnh sát Đô Thành được ông Thung cho mượn 400 ngàn đồng làm vốn buôn bán. Đáng chú ý, trong số người bị bắt còn có cả một thợ hớt tóc ở đường Bùi Chu (nay là Tôn Thất Tùng, quận 1), tên Nguyễn Văn Biện để điều tra vì theo lời khai của ông Huyện Thung thì có liên quan ít nhiều. Đến khi bị bắt, ông Biện cũng khai có nhận của Huyện Thung số bạc gần 200 ngàn đồng để mở tiệm hớt tóc làm ăn.
    Chưa dừng lại ở con số đó, theo nguồn thạo tin thời ấy, nhà chức trách sẽ mời thêm khoảng hơn 100 công chức nữa lần lượt đến công an để làm việc. Họ tòng sự tại các ty của Tòa Đô Thành và có mượn tiền của Huyện Thung. Bởi, trước đó nhà chức trách đã tịch thu được một cuốn sổ ghi chép cẩn thận tên tuổi, địa chỉ, ngày tháng của những người mượn tiền của Huyện Thung. Tương tự như những người nói trên, nếu họ chứng minh được chỉ là mượn tiền đơn thuần và có tiền hoàn trả lại thì sẽ được trả tự do, còn nếu không chứng minh được hoặc không có tiền trả thì sẽ bị giữ lại. Trong số những người này, có một nhà thầu khoán cỡ bự ở Sài Gòn có vay của Huyện Thung số tiền lên tới hàng trăm ngàn đồng để làm ăn. Để tăng uy tín, ông này có đưa cho Huyện Thung một tấm bằng khoán đất để thế chấp. Người này cũng sẽ được mời lên làm việc trong nay mai.
    Số người bị tra tay vào còng số 8 trong vụ Huyện Thung  bị bắt ngày càng tăng lên, không chỉ số lượng và có cả những quan to. Cũng theo lời khai của Huyện Thung thì ông Hiền ở Ty Thú y và hai thầu khoán có tiếng ở Sài Gòn chưa được tiết lộ danh tính cũng có dính chút tiền bạc với Huyện Thung. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, nhà chức trách xét thấy có nhiều người chỉ là nạn nhân hoặc vô can cũng đã phóng thích cho về. Riêng chiếc xe hiệu Opel bị tịch thâu trong tổng 10 chiếc xe hơi trước đó, công an xác định là của cô Nguyễn Thị Hiếu, nữ thơ ký Tòa Đô Chánh. Sau khi mời cô này lên làm việc, nhà chức trách xác định cô vô can và trả lại xe cho cô ra về.
    Đến đề xuất một "Ủy ban điều tra độc lập"
    Biết được thông tin trên và sợ liên đới trách nhiệm, nhất là sợ bị bắt giam, thêm 6 công chức tòng sự tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn cũng đã sớm mang bạc đến trả lại cho nhà chức trách. Mỗi người ít nhất cũng từ 10 ngàn đồng, người nhiều cũng đến 200 ngàn đồng. Trong đó có những người như ông Trần Văn Mới, Phạm Văn Can (chủ sự Sở Đồ tác), Nguyễn Văn Dài, Hiền, Nam (nhà thầu khoán). Riêng bà Tham tá Khương muốn cho chồng được tự do nên mang đến đồn công an trả lại 85 ngàn đồng. Bà Khương cho biết, ông nhà có mượn của Huyện Thung 135 ngàn đồng nhưng chỉ đem về cho bà 85 ngàn đồng còn 5 vạn thì ông Khương bỏ túi xài riêng. Riêng ông Hai già, một nhà thầu khoán có mượn của ông Huyện Thung 200 ngàn đồng nhưng không có tiền trả nên bị nhà chức trách giữ lại.
    Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án đục khoét ngân khố nên mọi công tác từ điều tra, truy tố cũng được làm gấp gáp. Đến thời điểm hiện tại, vụ Huyện Thung gian lận tiền cạo heo tại lò heo Chánh Hưng với đại quy mô, có tổ chức, nhiều người tham gia đã bị truy tố. Theo đó, Huyện Thung và đồng lõa bị truy tố về 3 tội: Làm công văn giả mạo, tham lạm công quỹ và làm lũng đoạn nền kinh tế Quốc gia. Riêng về tội thứ ba thì Huyện Thung có thể dính án tử. Xét về cả tính chất và mức độ thì vụ Huyện Thung là rất nguy hiểm, đe dọa an ninh tiền tệ Quốc gia và là một vết nhơ của Tòa Đô Chánh Sài Gòn và cả Việt Nam Cộng hòa. Chính vì thế, mọi thứ liên quan đến vụ án đều được đẩy nhanh tiến độ và phải đảm bảo nguyên tắc không để lọt người, lọt tội, dù đó là ai, bự cỡ nào.
    Càng lật giở phi vụ của Huyện Thung lại càng phát hiện được nhiều tình tiết, nhiều sự bất ngờ. Đặc biệt, càng ngược dòng thời gian, trở lại những việc làm cũ của Huyện Thung thì càng phát hiện ra số tiền ăn gian của Huyện Thung và đồng bọn ngày càng lớn. Trước tình huống này, nhiều người đề xuất phải thành lập một Ủy ban điều tra độc lập, gồm các điện diện của các bộ chánh yếu, như: Kinh tế, Tài chánh, Tư pháp, Nội vụ và đại diện dân chúng, bởi nó liên quan tới Tòa Đô Chánh Sài Gòn và Nha Tổng Giám đốc Thuế vụ. Ủy ban này cần phải lập gấp và đại diện dân chúng cũng không phải là những người cũ như các ông Hội đồng. Vì chưa biết được họ có liên đới trách nhiệm hay không. Đại diện dân chúng ở đây phải là đại diện của các cơ quan báo chí hoặc của các đoàn thể nghề nghiệp  xã hội, chánh sự như: Hội bảo vệ Thuần phong mỹ tục, hội Phật giáo, hội Phụ nữ, Tổng liên đoàn lao công, lao động, lực lượng thợ thuyền hay phong trào cách mạng Quốc gia, các luật sư, tri thức... 
    Tính chất Quốc gia
    Nhiều người đề xuất, vụ Huyện Thung đã trở thành một "án" mang tầm Quốc gia, do vậy cần phải giải quyết bằng đường lối Ủy ban Quốc gia.
    Nguồn "cảm hứng vô tận" của… báo chí
    Lúc này, người ta lại bàn nhiều đến trách nhiệm của những cá nhân, những Ty đứng đầu vì để xảy ra một vụ đục khoét ngân khố lớn và kéo dài trong nhiều năm đến bây giờ mới đổ bể. Trách nhiệm này thuộc về ai? Đầu tiên là vai trò của Hội đồng Đô Thành, tuy nhiên, một đại diện của Tòa Đô Chánh lúc ấy cho biết, trước đó, ông Trần Văn Lắm, Đại biểu Chánh phủ ở Nam Việt đã ký một chỉ thị gởi cho Hồi đồng Đô Thành nói rõ rằng, Hội đồng chỉ có quyền hỏi tin tức, hỏi giải thích việc này việc nọ, chứ không có quyền kiểm soát việc làm của Tòa Đô Chánh. Với cách trả lời qua chuyện kiểu này, dư luận, đặc biệt là báo chí thời điểm ấy chưa thỏa lòng nên đòi những câu trả lời có trách nhiệm hơn từ nhà chức trách. Bởi, thông tin mà dư luận đón nhận được về vụ Huyện Thung ngày một trầm trọng hơn.
    Chí Thanh
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-mat-nhung-loi-khai-chet-nguoi-khien-cac-quan-lon-thot-tim-a26889.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan