+Aa-
    Zalo

    "Giải mã" nồng độ cồn nội sinh

    (ĐS&PL) - Nồng độ cồn nội sinh đang là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây. Nội dung dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này và cung cấp thông tin chi tiết về nồng độ cồn nội sinh.

    Nồng độ cồn nội sinh là gì?

    Trả lời trên báo Thanh Niên, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp:

    "Cồn nội sinh là cồn có trong dịch cơ thể, trong đó có máu, không có nguồn gốc từ thức uống có cồn mà do các quá trình hình thành tự động, tự phát của chính cơ thể.

    Cồn (ethanol) được hình thành trong cơ thể người từ acetaldehyde thông qua nhiều quá trình. Lượng cồn này có thể hình thành từ quá trình lên men carbohydrate trong lòng ruột do tác động của hệ vi sinh thường trú ở ruột. Quá trình này còn gọi là hội chứng tự sinh rượu.

    Tùy theo phương pháp đo lường, tuy nhiên nhìn chung cồn nội sinh trong máu được phát hiện ở nồng độ rất thấp, thậm chí dưới ngưỡng phát hiện của thiết bị, và có thể thay đổi theo tình trạng bệnh lý. Nồng độ thấp của ethanol ở mức này được cho là không ảnh hưởng lên chức năng não".

    Những ai có nồng độ cồn nội sinh?

    Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương - chuyên khoa tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho hay, nồng độ cồn trong máu không thể ở mức 0 được. Dù chúng ta không uống rượu bia hay ăn thực phẩm lên men thì trong cơ thể vẫn luôn có nồng độ cồn trong máu ở ngưỡng rất thấp, còn gọi là nồng độ cồn nội sinh.

    “Ở người bình thường, bất kỳ ai xét nghiệm máu cũng có rất ít nồng độ cồn trong máu. Đây là nồng độ cồn nội sinh, có mức rất thấp nên có thể không đánh giá được qua hơi thở, nhưng khi xét nghiệm máu sẽ thấy”, bác sĩ Lưu Phương chia sẻ thêm.

    giai ma nong do con noi sinh dspl 1
    Ảnh minh họa 

    Cùng nói về nồng độ cồn nội sinh, chuyên gia hóa học - PGS Trần Hồng Côn cũng cho biết nồng độ cồn "nội sinh" là chúng có sẵn trong cơ thể chúng ta, nhưng thường ở mức dưới ngưỡng tham chiếu.

    Với những người có hệ tiêu hóa gặp trục trặc như đầy hơi, ợ chua, khó tiêu hay ăn uống các thực phẩm lên men thì nồng độ cồn "nội sinh" sẽ cao hơn người ăn uống thực phẩm bình thường, hệ tiêu hóa tốt.

    “Nồng độ cồn trong máu không bao giờ có số 0 tuyệt đối. Nếu hệ tiêu hóa tốt, nồng độ axit tại dạ dày cao nên không lên men, không tạo ra ethanol được. Nhưng nếu hệ tiêu hóa có 'trục trặc' thì rất dễ tạo ra ethanol do phản ứng lên men”, PGS Hồng Côn giải thích thêm.

    Có thể phân biệt nồng độ cồn nội sinh và nồng độ cồn do bia rượu không?

    Báo VietNamnet dẫn lời tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhưng không uống rượu có thể kiểm tra bằng xét nghiệm máu.

    Hiện nay, kỹ thuật xác định cồn nội sinh cho bệnh nhân là thử định lượng nồng độ cồn trong máu. Bệnh nhân sẽ uống đường glucose khoảng 30 phút/lần. Nếu xét nghiệm có cồn trong máu thì đây là trường hợp có cồn nội sinh do bệnh lý. Xét nghiệm ở người khỏe mạnh sẽ không phát hiện ra cồn.

    Bác sĩ Nguyên cũng nêu quan điểm, theo quy định hiện hành, nồng độ cồn khi tham gia giao thông phải ở mức tuyệt đối 0%. Theo tôi đây là ngưỡng phù hợp vì ở Việt Nam, tỷ lệ uống rượu bia quá nhiều. Nếu bạn uống rượu vì lý do công việc thì không nên tham gia giao thông.

    Ngoài ra, nồng độ cồn trong thuốc siro hay các thuốc khác có ngưỡng nhất định, thường không thể lên nồng độ cồn qua khí thở.

    Thủy Tiên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-nong-do-con-noi-sinh-a613517.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan