(ĐSPL) - Giá dầu thế giới có thể sẽ tiếp tục giảm, và có thể xuống đến 35 USD vào hè này, theo cảnh báo của Chủ tịch hãng tư vấn dầu mỏ FACTS Global Energy. Theo nhận định của ADB, giá dầu thế giới giảm cũng một tác nhân tích cực cho nền kinh tế, khi Việt Nam cũng là nước nhập khẩu ròng các sản phẩm dầu lửa tinh luyện.
Giá dầu có thể xuống 35 USD ngay hè này
Tại Hội thảo Đầu tư châu Á của Credit Suisse hôm qua, Fereidun Fesharaki - Chủ tịch hãng tư vấn dầu mỏ FACTS Global Energy cảnh báo giá có thể xuống 35-40 USD một thùng vào cuối quý sau.
"Thực sự thì không có giá sàn cho dầu đâu. Chi phí để duy trì khai thác dầu đá phiến liên tục hiện ở 20-25 USD một thùng. Vì thế, giá vẫn có thể xuống tới đó nữa", ông cho biết. Trong phiên hôm qua, giá dầu WTI và Brent giao dịch quanh 46 USD và 55 USD một thùng..
Triển vọng có thể còn u ám nữa nếu Iran và Mỹ đạt thỏa thuận hạt nhân. Hai quốc gia này đang đàm phán giảm chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy gỡ bỏ các lệnh cấm vận đang áp lên quốc gia Trung Đông. Là cựu cố vấn năng lượng cho Iran, ông Fesharaki cho rằng cơ hội đạt thỏa thuận trong tháng này là 80\%. Việc này có thể khiến giá dầu giảm thêm 5 USD.
"Sau thỏa thuận, Iran có thể nâng sản xuất dầu thô lên mức trước khi bị trừng phạt, tương đương 1,2 triệu thùng một ngày hoặc hơn. Chỉ trong 3-6 tháng, sản xuất sẽ tăng vọt. Đây là tin xấu với thị trường vốn đang dư cung", ông dự báo.
Giới chuyên gia cho rằng tình hình hỗn loạn trên thị trường dầu hiện nay là do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đặc biệt là các thành viên quyền lực lớn như Ảrập Xêút, vẫn duy trì sản lượng. Fesharaki không hy vọng việc này sẽ thay đổi sớm, bất chấp thực tế là giá dầu hiện tại đang gây ảnh hưởng đến các thành viên nghèo hơn trong OPEC, như Venezuela.
Giá dầu có thể xuống 35 USD ngay hè này. |
|
"Họ (Ảrập Xêút) sẵn sàng cắt giảm, nhưng chỉ khi mọi người đều làm thế, bao gồm cả Nga và các công ty dầu đá phiến", ông cho biết. Ông cũng nhấn mạnh tổng chi phí sản xuất dầu thô của Ảrập Xêút chỉ quanh 3-5 USD một thùng. Trong khi đó, các hãng dầu đá phiến tối thiểu đã là 40 USD.
Fesharaki cũng bác bỏ các lo ngại giá dầu thấp sẽ đánh lên ngân sách các nước sản xuất lớn ở Trung Đông. "Vấn đề ngân sách ở đây không như Mỹ, châu Âu hay châu Á. Nếu họ có ít tiền, họ cũng sẽ chi ít theo, khá là linh hoạt", ông nói.
Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 23/3, giá dầu trên thị trường thế giới tăng, nhờ việc đồng bạc xanh đi lên, phớt lờ thông tin Saudi Arabia thông báo tiếp tục gia tăng sản lượng dầu, động thái càng làm trầm trọng thêm nguồn cung dư thừa trên toàn cầu.
Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Năm tăng 88 xu Mỹ lên 47,45 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng cộng thêm 60 xu, đóng cửa phiên ở mức 55,92 USD/thùng.
Nguyên nhân khiến dầu tăng giá trong phiên này, theo giới chuyên gia, là nhờ đồng USD yếu đi, khiến giá dầu tính bằng USD trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng trên toàn cầu.
Trước đó giá dầu đã giảm nhẹ sau khi hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Ali al-Naimi, ngày 22/3 cho biết nước này sẽ tăng sản lượng dầu khai thác trong thời gian sắp tới – động thái chứng tỏ “anh cả” của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) kiên quyết với chiến lược cạnh tranh thị phần mặc dù giá dầu thế giới trượt sâu.
Theo Bloomberg, Saudi Arabia đang tăng sản lượng khai thác dầu lên khoảng 10 triệu thùng/ngày, so với mức 9,85 triệu thùng/ngày trong tháng Hai.
Theo ông Naimi, OPEC chỉ "đóng góp" 30\% sản lượng dầu mỏ toàn cầu do đó tổ chức này không đơn phương chịu trách nhiệm về tình trạng lao dốc của “vàng đen” thế giới. Ông cho biết các quốc gia sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC cần phải hợp tác để tạo đà đi lên cho giá dầu.
Giá dầu giảm, nợ công Việt Nam có thể đạt 60\% GDP
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,1\% trong năm 2015 và 6,2\% trong năm 2016, trong đó FDI sẽ đóng vai trò là động lực quan trọng.
Tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn – đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – sẽ tạo động lực cho xuất khẩu, song tác động tích cực này sẽ một phần bị ảnh hưởng ngược lại do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, ADB nhận xét.
Thêm vào đó, giá dầu thế giới giảm cũng một tác nhân tích cực cho nền kinh tế, khi Việt Nam cũng là nước nhập khẩu ròng các sản phẩm dầu lửa tinh luyện.
Ngoài ra, giá nhiên liệu giảm góp phần làm tăng thu nhập khả dụng của hộ gia đình, kích thích tiêu dùng, và giảm chi phí cho nhiều doanh nghiệp, giúp cải thiện lợi nhuận và đầu tư.
Tuy nhiên giá dầu giảm có thể gây khó khăn cho chính phủ trong việc đạt chỉ tiêu thu ngân sách khi nó ảnh hưởng tới thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Video: Giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.
"Giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60\% GDP", ADB nhận xét.
Trong cả năm, ADB dự báo lạm phát ở mức 2,5\%, sau đó tăng tốc nhanh lên 4,0\% trong năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới đều tăng.
Trong trung hạn, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn, thiếu minh bạch tài chính sẽ vẫn rủi ro cao trước các cú sốc.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ đối mặt với một số thách thức chủ yếu như việc thực thi những chuẩn mực mới về ngành ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để, việc thu hút các nhà đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, và tác động của việc giá dầu giảm khiến chính phủ khó cân đối ngân sách.
Một thách thức nữa được ADB nêu ra là sự liên kết của các doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.
Sự đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xuất khẩu và trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia. Trên thực tế, chỉ có 36\% doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào mạng lưới sản xuất cho xuất khẩu, so với gần 60\% ở Malaysia và Thái Lan.
Về lâu dài, Việt Nam có đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hay không phụ thuộc vào khả năng quản trị doanh nghiệp và cải cách cơ cấu sâu rộng hơn, cũng như khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, ADB đánh giá.
Vì sao giá dầu giảm mà giá điện Việt Nam vẫn tăng?
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, giá dầu giảm nhưng giá nhiều yếu tố đầu vào khác của sản xuất điện vẫn tăng mạnh.
Theo ông Hải: “Có điều rất đáng tiếc, sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm có 0,55\% sản lượng điện cả nước. Như vậy, gần như có thể nói giá dầu trên thế giới giảm, nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện”.
Trong khi đó, có nhiều mặt hàng, yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện, ví dụ như giá than tăng đến 22\% tính đến 22/7/2014 (so với 1/8/2013), trong khi lượng điện được sản xuất bằng nhiệt điện chiếm tới 32,37\%. Giá khí đốt cũng tăng nhiều lần.
Nhiều yếu tố khác cấu thành giá điện cũng tăng, như thuế tài nguyên nước tăng từ 2\% lên 4\%.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-dau-the-gioi-giam-co-hoi-tich-cuc-cho-kinh-te-viet-nam-a88449.html