Thông tư liên tịch về ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là một bước tiến trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhât chính là nâng cao nghiệp vụ của các điều tra viên. Đó mới là giải pháp tối ưu.
Kể từ ngày 18/3/2018, thông tư liên tịch hướng dẫn ghi âm - ghi hình hoạt động hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ có hiệu lực pháp luật. Đây là thông tư 03 do Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Quốc phòng ban hành theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Có nhiều ý kiến hi vọng việc thực hiện thông tư sẽ giúp giảm oan sai, chống bức cung, nhục hình. Quy định này rất tiến bộ nhưng thực hiện sao cho thật sự có hiệu quả vẫn là một câu hỏi cần quan tâm.
Trong quá trình hỏi cung phải ghi âm, ghi hình có tiếng. (Ảnh minh họa) |
PV báo Đời sống & Pháp luật đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và lắng nghe những ý kiến, quan điểm của ông về vấn đề này.
PV: Theo ông, giải pháp ghi âm, ghi hình trong hỏi cung liệu có khả thi? Và tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình... sẽ bị hạn chế?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Tôi cho rằng, đây là giải pháp tốt để hạn chế bức cung, mớm cung, nhục hình, oan sai. Bởi lẽ, bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai.
Nguyên nhân của các trường hợp bức cung, dùng nhục hình chủ yếu do yếu kém về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, do tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích của một số cán bộ điều tra. Tại các địa phương xảy ra một số vụ nhục hình có phần trách nhiệm của Viện kiểm sát chưa sâu sát trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ.
PV: Theo như ông nói, thì điều quan trọng nhất không phải là thiết bị kỹ thuật tiên tiến ra sao mà là cần chú trọng vào việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho các điều tra viên? "Bộ lọc" con người có chuẩn thì pháp luật mới nghiêm minh?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Tất nhiên, ngoài giải pháp ghi âm, ghi hình thì việc nâng cao nghiệp vụ cho các điều tra viên là rất quan trọng và mới là giải pháp tối ưu nhất.
Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chỉ rõ: “Nguyên nhân của thực trạng ít khởi tố, xử lý hình sự là do trình độ pháp luật, năng lực nghiệp vụ của cán bộ điều tra còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm; trình độ pháp luật, năng lực nghiệp vụ và trách nhiệm công tố của một số Kiểm sát viên còn hạn chế... Trong một số trường hợp, sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng trung ương chưa kịp thời hoặc ý kiến rất khác nhau như giữa có tội và không có tội, giữa tội danh này và tội danh kia… gây khó khăn, lúng túng cho địa phương.
Vì vậy, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao theo chức năng, nhiệm vụ của mình có giải pháp hiệu quả tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm công vụ cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ; xem xét, điều chuyển biên chế phù hợp cho các địa phương xảy ra nhiều án, tránh áp lực quá nhiều công việc dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, việc ghi âm, ghi hình là tốn kém và không cần thiết. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Đành rằng ghi âm, ghi hình là tốn kém nhưng để bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, thực hiện nghiêm Hiến pháp và pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp, chống oai sai, hạn chế bức cung, mớm cung, nhục hình thì dù tốn kém chúng ta cũng phải làm và có thể theo lộ trình thích hợp.
Chính vì vậy, Chính phủ cần đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung, dùng nhục hình; có lộ trình, kế hoạch cụ thể để kịp thời nâng cấp các cơ sở giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc quá tải về giam giữ; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, trước hết tại các nơi vẫn đang phải thuê, mượn trụ sở làm việc.
Theo ông Hà, các vụ oán oan sai trước đây đều do bức cung, nhục hình. Qua đó thấy sự yếu kém đạo đức, nghiệp vụ của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên... |
PV: Cũng có ý kiến cho rằng, ngoài ghi âm, ghi hình thì cần thêm quy định "những lời khai nhận tội của bị can chỉ có giá trị về mặt chứng cứ khi có sự hiện diện của người bào chữa”. Ông có ý kiến gì về việc này?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Việc quy định những lời khai nhận tội của bị can chỉ có giá trị về mặt chứng cứ khi có sự hiện diện của người bào chữacũng là giải pháp tốt phòng, chống oan sai. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ luật sư của chúng ta còn mỏng, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của một số ít luật sư còn có phần hạn chế; tỷ lệ vụ án hình sự hiện nay không có Luật sư tham gia còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa,nên chưa bảo đảm sự tham gia và tranh tụng của luật sư.
Thêm vào đó, sự tham gia tố tụng của người bào chữa có trường hợp gặp khó khăn do người tiến hành tố tụng thực hiện không đúng quy định về cấp Giấy chứng nhận cho người bào chữa; chưa được tham gia tố tụng sớm, một số nơi Luật sư còn gặp khó khăn khi gặp, hỏi người bị tạm giữ, tạm giam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Giang