+Aa-
    Zalo

    Ghen thì phải... đánh?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ghen tuông giống như bà hỏa, biến hóa khôn lường, bùng lên rồi thì gia đình bình yên hay không, pháp luật sai đúng thế nào cũng mặc, miễn là trút được sự bực tức của

    Ghen tuông giống như bà hỏa, biến hóa khôn lường, bùng lên rồi thì gia đình bình yên hay không, pháp luật sai đúng thế nào cũng mặc, miễn là trút được sự bực tức của mình lên nửa kia. Nhưng, thường thì nửa kia thoát hiểm, còn nửa này và nửa thứ ba hứng đòn.

    Yêu thì phải ghen, ghen thì phải… đánh ghen?

    Nhiều người tâm niệm yêu thì phải ghen, rằng ghen tuông là thứ gia vị làm cho tình thêm nồng thắm, có khi còn thích thú khi được ghen bởi điều đó chứng tỏ nửa kia rất yêu và sợ mất mình. Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm, và sẽ là một sai lầm khó cứu vãn nếu ta nêm gia vị quá tay. Không tình yêu đích thực nào dành chỗ cho sự ghen tuông vô lối, càng nguy hại hơn khi có những hành xử mạo danh tình yêu. Tình yêu đích thực tự thân đã hàm chứa sự hy sinh, tất nhiên người ta có quyền đòi hỏi được đền đáp, nhưng dù thế nào thì cũng không có chỗ cho ghen tuông vô lối.

    Ghen thì phải... đánh?

    Đánh ghen có trăm lối, cũng lớp lang, bày binh bố trận công phu, nhẹ thì nhắn tin hù dọa, lên “phây” chửi bới, thuê thám tử quay clip, chụp hình; nghiêm trọng thì lột phăng quần áo, cắt tóc, hành hung tình địch. Đánh ghen kiểu cho bõ ghét như thế thực sự là hạ sách, không những không cứu được tình yêu và gia đình khỏi nguy cơ đổ vỡ mà còn đẩy các bên vào sự thù hận, lúc tỉnh ra thì chẳng còn gì nữa.

    Chứng cứ ngoại tình quả tang

    Ngoại tình là một trong những lý do ly hôn, nhưng clip, ảnh, ghi âm, tin nhắn, “bút lục” hiện trường nhà nghỉ khách sạn, tất tật những thứ ấy lại chưa đủ bằng cứ để buộc tội “vi phạm chế độ một vợ một chồng” theo quy định tại điều 147 Bộ luật Hình sự. Pháp luật rất nghiêm khắc và rạch ròi.

    Các luật gia và dư luận xã hội vẫn tranh luận không dứt về ngoại tình, nhưng ngoại tình và tội/hành vi “vi phạm chế độ một vợ một chồng” về bản chất, dù có chút tương đồng về mối quan hệ yêu đương bất chính, nhưng nếu không kết hôn trái pháp luật, không chung sống như vợ chồng, không gây hậu quả nghiêm trọng (như nửa kia tự tử chẳng hạn), thì cũng không có cơ sở để buộc tội. Hiếm có ông/bà cuồng ghen nào tự hủy hoại đời để cho tòa lấy cớ buộc tội nửa kia đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

    Quan hệ ngoài luồng, tình một đêm, tình công sở, bắt tận tay day tận mặt đấy, sai rành rành, nhưng Bộ luật Hình sự không quy định là một tội nên không thể xử lý hình sự. Về hành chính, hành vi đánh ghen ồn ào sẽ bị phạt hành chính vì gây mất trật tự công cộng. Đánh ghen kiểu ấy mệt mình, giận quá mất khôn, bản thân có khi còn bị pháp luật “hỏi thăm” nên chẳng ích gì.

    Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

    Ai cũng có thể mạo danh tình yêu hành xử vô lối, vi phạm pháp luật nếu lý trí bị “cái tôi” quá lớn sai khiến, bất chấp và không còn biết phân biệt đúng sai trong hành vi. Ghen tuông khởi đi từ sự ích kỷ, muốn chiếm hữu tuyệt đối nửa kia chứ không khởi đi từ tình yêu. Không một kẻ cuồng ghen nào biết yêu theo đúng ý nghĩa đẹp nhất của từ này.

    Thực tế, chỉ sau khi đã đẩy sự ghen tuông đi quá xa, vi phạm pháp luật, hồi tỉnh, những kẻ kia mới chợt như ngộ ra sự vô lối trong hành xử của mình với nửa đã mất. Giá như biết tự trách thì ghen tuông có chăng sẽ chỉ còn là những cơn gió lao xao, hoặc thậm chí là cơn bão lòng dữ dội, có thể đau, có thể xót xa, nhưng sẽ không có sự day dứt ân hận suốt đời vì hành vi kém cỏi mình gây ra với nửa kia. Không người đàn ông/đàn bà nào vô tâm tới mức đẩy nửa kia cho pháp luật nếu trong lòng còn chút yêu thương, tình nghĩa.

    Lạt mềm buộc chặt

    Một cô bạn có chồng làm giám đốc cấp sở nửa đùa nửa thật bảo, mỗi khi “lão chồng” sắp xa nhà thì dù bận rộn thế nào cô cũng “xõa” để “lão” khỏi tơ tưởng bóng hồng khác. Câu chuyện mười phần thực chín phần hư, nhưng quả thật “lão ta” rất chung tình. Người xưa thường nói hết tình còn nghĩa, “lạt mềm buộc chặt”, “già néo đứt dây”, nửa kia đang như diều gặp gió, nửa này bày ra vài trận ghen thì cái sự "đứt dây" là nhãn tiền.

    Mất niềm tin là mất mát lớn nhất trong tình cảm và rất khó tha thứ. Nói thì dễ nhưng hành động theo lý trí chẳng giản đơn chút nào. Tốt nhất là nên gặp người bạn thân thiết của chồng/vợ để tìm hiểu vì sao nửa kia lại rời xa mình. Hội Phụ nữ cũng là một địa chỉ sẻ chia tin cậy. Đừng quên chăm sóc mình và nửa kia chu đáo. Khi đã làm hết sức rồi thì ly hôn là giải pháp phù hợp nhất. Dù vậy, không ít người chồng/vợ hối hận muốn được về lại mái nhà xưa, cuộc đời dù thế nào thì ta hãy ráng để lý trí dẫn dắt trái tim vì sự bình yên và danh dự.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ghen-thi-phai-danh-a70677.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan