Không gian đậm chất Nhật Bản ngay giữa lòng Hà Nội, vẫn giữ một nhịp bình yên với những “Samurai cầm kéo” tạo ra sự khác biệt. Ở đó những nhà tạo mẫu tóc đến từ xứ sở hoa Anh đào khoác lên tính nghệ thuật trong nghề vốn được xem là bình dị. Đó chính là tính chuyên nghiệp, kỷ cương của người Nhật Bản.
Bất ngờ những cái duyên bén nghề
Ông chủ của salon Tetote, anh Masaki Sakashita (36 tuổi, đến từ Osaka, Nhật Bản) được biết đến là một người đam mê cuồng nhiệt với nhảy múa. Gặp sự cố khi đang theo đuổi con đường trở thành một vũ công chuyên nghiệp, người đàn ông đến từ đất nước Mặt trời mọc ấy đã chuyển hướng sự nghiệp và tìm được đam mê với nghề tạo mẫu tóc.
Ông chủ vui tính Masaki Sakashita đang trực tiếp phục vụ cho khách. |
Trước khi đến Việt Nam, ông chủ của salon này cũng đã học và làm nghề tóc một thời gian khá dài. Tính đến nay, anh đã có 17 năm trong nghề. Nhắc đến cơ duyên bước chân vào nghề tạo mẫu tóc, anh chia sẻ: “Thực ra, ban đầu tôi không thích tạo mẫu tóc, nhưng bố mẹ tôi cũng là người trong nghề, và lý do bất khả kháng khiến tôi theo trường nghề là do tôi quá nghịch ngợm.
Suốt 2 năm học, tôi vẫn chưa tìm được niềm yêu thích thực sự với nghề, ngày nào cũng chỉ mong kết thúc buổi học sớm để về theo đuổi đam mê của mình, đó là trở thành một vũ công chuyên nghiệp. Hồi khoảng năm 2004, nhóm nhảy của tôi đã tham gia một cuộc thi quốc tế diễn ra tại Washington, và cả nhóm đã giành giải vô địch”.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, hôm nay trên phố Triệu Việt Vương có lẽ đã không có salon Tetote. “Một hôm, khi đang nhảy, tôi đã bị ngã gãy xương bả vai, bác sĩ dặn không được đi nhảy nữa, nếu đi nhảy sẽ phải phẫu thuật. Thời điểm đó, tôi và người yêu đã bên nhau được mấy năm, tôi cũng nghĩ đến việc lập gia đình và phải ổn định cuộc sống. Vì vậy, tôi buộc phải suy nghĩ trưởng thành hơn: Số trời đã định, mình phải bỏ đam mê này để theo đuổi nghề tạo mẫu tóc”, anh trải lòng.
Sau một thời gian làm việc trong một salon tại Osaka rồi luân chuyển sang một salon khác cùng chuỗi, anh gặp lại một người bạn từ thời thơ ấu và tìm thấy nhiều cảm hứng hơn với công việc, bắt đầu muốn sáng tạo nhiều hơn. Năm 2010, khi đang làm quản lý chuỗi salon tóc, trong suy nghĩ của chàng trai không thích làm tóc ngày nào bỗng xuất hiện ý tưởng mở một cửa hàng của riêng mình tại nước ngoài.
Masaki Sakashita kể: “Vợ tôi khi đó đang làm việc tại một nhà hàng phục vụ món Việt tại Osaka, thấy món ăn Việt Nam ngon, cô ấy yêu và muốn đến Việt Nam. Vì vậy, tôi đã chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp của mình”.
Vậy là Tetote được “khai sinh” vào năm 2014, khi gia đình anh cùng một người bạn bay sang Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó với Tetote, người bạn đó đã về nước. Hiện tại, Tetote còn có 3 nhà tạo mẫu tóc người Nhật khác đã có thời gian gắn bó và san sẻ công việc với ông chủ vui tính. Trong đó, ấn tượng nhất là một anh chàng Nishikawa Shota, 31 tuổi, đặc biệt mê mẩn những món Việt.
Anh bước chân vào nghề tóc từ năm 20 tuổi, với một suy nghĩ ngây thơ của 1 đứa trẻ. “Hồi nhỏ, tôi gặp một chị chủ salon tóc rất xinh đẹp, lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi, yêu đơn phương và muốn học làm tóc với suy nghĩ ngô nghê: “Nếu mình đi học nghề tóc thì mình sẽ có cơ hội làm việc cùng với chị ấy”. Thế là tôi bắt đầu theo đuổi tình yêu của mình bằng cách tự biến mình thành đồng nghiệp...”, anh nhớ lại.
Trước khi sang Việt Nam, Nishikawa Shota đã có khoảng thời gian làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau và nhận thấy môi trường ở Việt Nam thực sự rất thú vị, anh cảm thấy thoải mái khi sống và làm việc tại đất nước này.
Kỷ niệm đáng nhớ
Phải mất 4 năm, Masaki Sakashita mới hiện thực hóa được ước mơ mở một salon tóc trên thị trường quốc tế để phục vụ cộng đồng người Nhật sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Masaki Sakashita cho biết: “Mỗi tuần, salon đón khoảng 140 lượt khách và thường đông hơn vào cuối tuần. Số lượng khách Việt Nam đến nhiều hơn, nhưng số lượt một người đến thường xuyên hơn thì là khách Nhật Bản”.
Nishikawa Shota đang tạo kiểu tóc cho khách hàng. |
Hơn 17 năm trong nghề, Masaki Sakashita nhớ nhất về một “sự cố” trong salon: “Lần đó, khi nhân viên đang gội đầu cho vài vị khách, dịch vụ ngày hôm đó là nhuộm và uốn, chúng tôi đã bôi thuốc và đến giờ xả tóc, không thể trì hoãn, vì nếu không sẽ bị ngấm thuốc và hỏng tóc. Thật trớ trêu là lại bị mất nước ngay lúc đó. Vì thế, chúng tôi đã phải nhanh chóng đi mua một số lượng lớn nước khoáng đóng chai Lavie về gội đầu cho khách...”.
Hơn một năm làm việc tại salon, Nishikawa Shota cũng có không ít kỷ niệm với những khách hàng ở đây. “Có một khách người Việt Nam xinh như một hotgirl, đến làm tóc xoăn, cô ấy rất hồn nhiên và thoải mái, dường như không thể ngồi yên được. Trong lúc chờ thuốc ngấm, cô ấy “sốt ruột”, gọi ship đồ ăn đến và hồn nhiên ngồi ăn. Cô ấy vô tư ăn, trong khi tôi vẫn làm tóc cho cô ấy. Trong số đồ ăn hôm đó, có cả takoyaki, có lẽ cô ấy sợ tôi đói nên đã bón vào miệng để tôi ăn bằng được, cô ấy cứ luôn miệng hỏi “Are you hungry?” rồi đưa đồ ăn vào miệng tôi và nói “Aaaaaa”. Lúc đó, tôi mới làm việc ở đây được mấy tháng nên vẫn còn ngại, vừa cảm thấy hài hước lại vừa lo lắng...”.
Để có thể làm việc trong một salon tóc, ở Việt Nam, chủ salon có thể mở khóa học và thu nhận học viên, sau khi học xong là có thể mở được cửa hàng. Còn ở Nhật Bản, muốn làm nghề tóc, mỗi người phải đi học tại các trường đào tạo, thực hành từ thợ phụ trở lên và sau khi có bằng mới được phép hành nghề. Thậm chí, bằng cầm kéo riêng và bằng cầm dao riêng. Đó là điểm khác biệt lớn giữa hai quốc gia.
Nhắc đến ẩm thực Việt, Nishikawa Shota như được nhắc tới một thiên đường: “Tôi là một người ấn tượng với khá nhiều món ăn Việt Nam. Hôm đầu tiên được ăn thử phở Thìn, tôi thấy phở ngon quá nên nghĩ từ nay về sau phải ăn phở. Hôm sau, khi được ăn thử bún bò Huế, tôi lại quyết định sẽ gắn bó bún bò Huế vì ngon hơn phở. Nhưng sau khi ăn bún chả, tôi lại thấy bún chả như một chân lý của cuộc đời, tôi bị “nghiện” nên ăn liên tục gần một tháng, mỗi ngày hai bữa. Bạn tôi nói, nhắc đến tên tôi là ngửi thấy mùi thịt cháy”, Nishikawa Shota kể.
Tetote đã hoạt động tại Hà Nội được 5 năm. Tình yêu với nghề tạo mẫu tóc của những chàng trai này ngày một lớn, ngày một thăng hoa trên từng đường kéo.
Không giống Nishikawa Shota, ông chủ của Tetote lại có một niềm đam mê lớn với bim bim Poca, thậm chí ngày nào cũng phải ăn mới được. Biết được món ăn khoái khẩu ấy, vào ngày sinh nhật của ông chủ, các nhân viên đã góp tiền mua hàng trăm gói Poca, đựng vào sọt rồi đưa vào bày kín phòng làm việc.“Hôm đó, anh chủ khá bất ngờ và ngạc nhiên, bởi trước đó không thấy nhân viên đâu nên anh ấy tưởng nhân viên trốn việc đi chơi. Lúc nhận được món quà lớn, anh ấy khá bất ngờ...”, chị Trần Minh Hằng, một nhân viên người Việt tại Tetote cho biết. |
Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 18