(ĐSPL) - Gạo giả làm từ nhựa gây chết người, gạo nhiễm thạch tín gây ung thư, gạo ướp hương liệu tạo màu,... khiến người tiêu dùng nhiều nước không khỏi hoang mang.
Gạo nhiễm thạch tín gây ung thư
Theo nghiên cứu, hàm lượng thạch tín có trong gạo lứt cao hơn trong gạo trắng. |
Báo Chất lượng Việt Nam đưa tin, gạo là thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ rộng rãi nhất, chiếm 20\% nguồn cung cấp năng lượng trong khẩu phần ăn trên thế giới. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra hàm lượng cao của asen hay còn gọi là thạch tín có thể gây ung thư có trong cây trồng trong và ngoài nước Mỹ cũng như là các loại thực phẩm có thành phần là gạo. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe, thậm chí đã có một số cảnh báo về việc tránh sử dụng các loại hạt và gạo nhiễm độc.
Thạch tín là một yếu tố không màu, không mùi, không vị thường có trong đất và nước ngầm cũng như thuốc trừ sâu, các chất phụ gia, thức ăn gia súc và các sản phẩm khác. Mức độ ô nhiễm thạch tín cao trong nước ngầm là một vấn đề nghiêm trọng tại Nam Mỹ và Đông Nam Á – nơi cung cấp sản lượng lúa gạo cho hầu khắp thế giới.
Theo nghiên cứu, hàm lượng thạch tín có trong gạo lứt cao hơn trong gạo trắng. Nếu tiếp xúc với thạch tín trong thời gian ngắn có thể gây buồn nôn, tiêu chảy; trong thời gian dài có thể dẫn đến nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng đến gan và thận cũng như các vấn đề sức khỏe khác, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ.
Năm 2012, Consumer Reports đã đưa ra báo cáo cho thấy mức độ “đáng lo ngại” của thạch tín trong gạo đang được bán tại Mỹ. thạch tín cũng đã được tìm thấy trong các sản phẩm làm từ gạo, bao gồm ngũ cốc, mì ống và các loại thực phẩm trẻ em.
Tuy nhiên, Liên đoàn Lúa gạo Mỹ - đại diện cho các nhà sản xuất, nhà máy xay và liên minh doanh nghiệp khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào về nguy cơ nguy hại cho sức khỏe có liên quan đến gạo. "Chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra mối liên hệ giữa gạo được tiêu tụ ở Mỹ có ảnh hưởng xuất đến sức khỏe hay bất cứ tác hại của thạch tín”.
Sau khi phân tích 1.300 mẫu sản phẩm gạo và lúa, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ báo cáo rằng mức độ arsenic "là quá thấp để gây ra bất kỳ tác dụng phụ ngay lập tức hoặc ngắn hạn đến sức khỏe người tiêu dùng."
Cho tới thời điểm hiện tại, liệu hàm lượng thạch tín được tìm thấy trong gạo thực sự có đặt ra mối nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng tại Mỹ hay không vẫn là một chủ đề còn tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và ngành thực phẩm.
Gạo giả Trung Quốc làm từ nhựa gây chết người
Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng cảnh báo, ăn gạo giả có thể dẫn đến tử vong hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng hệ tiêu hóa. |
Thông tin gạo giả làm từ nhựa của Trung Quốctừ 1 tháng trước bắt đầu tràn ngập châu Á khiến người dân lo sợ đặt câu hỏi, liệu loại gạo này đã xuất hiện ở Việt Nam?
Cuối tháng 5 vừa qua, trên mạng xã hội và báo Malaysia đưa thông tin gạo giả làm từ nhựa độc hại của Trung Quốc được làm từ khoai tây, khoai lang với nhựa tổng hợp, ép thành dạng hạt gạo, được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và gần đây là Singapore.
Hiện tại, Malaysia đã tiến hành lấy mẫu điều tra đối với các loại gạo nhập khẩu vào nước này để xác minh thông tin. Phía Singapore cũng cho biết chưa nhận được bất kỳ một báo cáo nào về gạo nhựa.
Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng cảnh báo, ăn gạo giả có thể dẫn đến tử vong hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng hệ tiêu hóa. Có thông tin cho rằng ăn 3 chén cơm nấu từ gạo giả tương đương với việc cho vào bụng một túi nilông.
[mecloud]Pq5Vz4RuRc[/mecloud]
Thông tin về gạo nhựa tràn vào Việt Nam một lần nữa lại khiến người dân hoang mang. Liên quan về việc này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn để xác minh và sẽ công bố thông tin, biện pháp xử lý nghiêm minh nếu phát hiện trường hợp bất thường về gạo đang tiêu thụ trên thị trường. Thông tin gạo giả Trung Quốc có mặt tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là tin đồn và chưa được kiểm chứng.
Đồng thời, Cục cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang trước thông tin gạo giả làm bằng nhựa và đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu người dân phát hiện những nghi ngờ, bất thường cần thông báo ngay công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương…
Phía Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng nước ta không nhập khẩu gạo từ phía Trung Quốc. Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát các mặt hàng gạo, nhất là khu vực cửa khẩu.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện thông tin về “gạo giả”. Vào đầu năm 2012, nghi vấn gạo nhựa cũng đã từng gây xôn xao ở Hà Nội khi nhiều người dân ở quận Hoàng Mai khẳng định đã mua gạo nhựa về nấu cơm và phát hiện cơm không nở như các loại gạo bình thường, các hạt gạo rời rạc bất thường. Thay vì mùi thơm của cơm, cả nồi nồng nặc mùi nilon, xen kẽ mùi nhựa tổng hợp khó ngửi và không thể ăn.
Hay trước đó, một loại gạo lạ mang tên "gạo Thái Lan" xuất hiện tại TP.HCM khiến nhiều người hoang mang. Gạo này có những dấu hiệu khác thường như hình dạng thon dài đến 10mm, đều tăm tắp, không có hạt gãy đôi, sứt mẻ, bụng không bạc. Khi nấu lên, cơm không có mùi thơm, hạt đàn hồi như cao su.
Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhưng vẫn không thể tìm ra được loại gạo này. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có kết quả phân tích năm mẫu gạo cho thấy có các chỉ tiêu (protein, tinh bột, vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), gạo giả làm bằng nhựa là thông tin không có thật. Bởi hiện giá thành của gạo khá rẻ, trong khi đó để sản xuất loại gạo giả này có thể chi phí còn cao hơn giá gạo thật. Không có lợi nhuận họ sẽ không làm. Mà nếu gạo làm bằng nhựa thì cũng không đáng lo ngại vì có thể dễ dàng nhận ra chúng qua mùi khi nấu.
Người tiêu dùng cũng có thể nhận biết gạo thật giả bằng cách thử cho gạo lên chảo rang dưới ngọn lửa to. Nếu là gạo giả thì sẽ nóng chảy ra, còn gạo thật thì sẽ chín thơm. Hoặc lấy 1 chậu nước, cho gạo vào ngâm. Gạo thật sẽ trương nở sau một thời gian ngâm, gạo giả thì không mà nổi lên mặt nước.
Tốt nhất để tránh mua phải những loại gạo bất thường, người tiêu dùng thông minh nên chọn gạo có thương hiệu, đóng gói cẩn thận. Quan sát kỹ trước khi mua, không chọn loại gạo trắng sạch bất thường.
Gạo thơm nhờ hương liệu tạo mùi
Theo báo Pháp luật Việt Nam, để “hô biến” gạo bình dân thành gạo thượng hạng nhằm nâng cao giá thành và kéo dài thời gian bảo quản, một số chủ buôn không ngần ngại trộn vào gạo hương liệu tạo mùi. Nhưng việc nhận biết gạo tẩm hương liệu và gạo không tẩm hương liệu là rất khó, bởi việc trộn tương đối công phu, với tỉ lệ... “khá chuẩn”. Thường những hạt gạo chỉ thơm khi chưa nấu, khi đã nấu thành cơm sẽ mất mùi, hạt cơm gãy nát.
Có rất nhiều hương liệu tạo mùi khác nhau (như: hương cốm, hương gạo nếp, hương thơm…); có nguồn gốc Trung Quốc, Thái Lan. Những loại hóa chất này có thể mua rất dễ dàng ở chợ. Và việc tiểu thương, “lái buôn” đi tìm mua loại thuốc tạo hương gạo diễn ra khá thường xuyên.
Theo các chuyên gia, nếu tiếp xúc nhiều với hương liệu trong thời gian dài có thể dẫn đến nguy cơ ung thư, bệnh đường hô hấp, gạo ướp hương liệu lâu có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao.
Bảo quản gạo bằng thuốc diệt côn trùng
Theo tiết lộ của một chủ cửa hàng bán gạo trên báo Gia đình Xã hội, họ đi buôn phải mua về cả xe ô tô, không có cách bảo quản thì gạo hỏng hết. Tuy nhiên, đa số các cửa hàng đều bảo quản gạo bằng hóa chất.
Theo báo Pháp luật và Xã hội, để bảo quản, cách tốt nhất là dùng các loại thuốc diệt côn trùng. Đầu tiên rắc một lớp thuốc chống côn trùng dạng bột dưới nền kho rồi trải một lớp bạt lên, sau đó xếp gạo thành từng chồng. Có một cách khác không để lại dấu vết là pha các loại thuốc diệt côn trùng với nước, sau đó cho vào bình xịt ngoài bao gạo. Chủ cửa hàng thừa nhận, cách làm này không những chống côn trùng hiệu quả, mà còn kéo dài thời gian bảo quản gạo.
Muốn gạo trắng tinh thì cũng lại nhờ… hóa chất. Báo Sức khỏe Đời sống tiết lộ, cứ 100kg gạo sẽ cho 1kg bột tẩy trắng xuất xứ Trung Quốc vào, sau 5 phút hạt gạo trắng tinh, còn muốn trắng đục thì chỉ cần 500g là được. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì khó có thể nhận biết được đâu là gạo mới và đâu là gạo mốc vừa được “hóa phép”.
Gạo trắng nhờ chất tẩy rửa
Thông tin từ báo Chất lượng Việt Nam, gạo trắng sẽ khiến bát cơm trông hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, việc xát gạo quá trắng là một sai lầm mà nhiều người vẫn mắc phải khi có thói quen ăn gạo trắng, chọn gạo trắng để mua.
Vì hàm lượng lớn vitamin B và các khoáng chất trong cám gạo đã bị mất trong quá trình xay xát quá kỹ. Chưa kể đến việc gạo trắng nhờ được “tẩy” bằng hóa chất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Lượng hóa chất này vào cơ thể sẽ gây hại khôn lường đến sức khỏe của bạn.
“Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện 198) chia sẻ: “Nhiều người nghĩ gạo càng trắng càng sạch mà không nghĩ rằng gạo được xát quá kỹ bản thân nó đã mất đi những dưỡng chất quan trọng của hạt gạo.
Vì vậy người ta mới nói gạo lứt (gạo chưa bị xát mất phần vỏ cám bên ngoài hạt gạo) tốt hơn gạo trắng”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)