Reuters dẫn thông tin từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho hay, gần một nửa số trường học và bệnh viện tại các thành phố ở châu Âu nằm trong khu vực “đảo nhiệt đô thị”. Việc này khiến những người vốn dễ bị tổn thương phải tiếp xúc với nhiệt độ cao đe dọa sức khỏe trong khi tác động của biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.
Ngày 14/6, trong một báo cáo phân tích về cách châu Âu thích ứng với biến đổi khí hậu, EEA chia sẻ có khoảng 46% bệnh viện và 43% trường học nằm ở những nơi có nhiệt độ cao hơn ít nhất 2 độ C so với mức trung bình của khu vực, khiến nơi này chịu tác động nắng nóng gay gắt hơn so với các khu vực nông thôn.
Nguyên nhân là do hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”, có nghĩa tình trạng các cụm công trình, cơ sở hạ tầng như đường giao thông dày đặc khiến khu vực đó hấp thụ và giữ nhiệt nhiều hơn các khu vực có cây xanh.
Ông Blaz Kurnik, người phụ trách về thích ứng khí hậu của EEA, cảnh báo: “Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người”.
Biến đổi khí hậu do ngành công nghiệp tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch đang khiến các đợt nắng nóng trở nên dữ dội và thường xuyên hơn. Xu hướng thời tiết cực đoan này kết hợp với hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, bao gồm gia tăng số ca tử vong do sốc nhiệt ở nhóm người dễ bị tổn thương như người cao tuổi.
“Mức độ dễ bị tổn thương ở châu Âu cũng đang tăng lên do dân số gia đình, các thành phố đông đúc hơn. Điều này kết hợp của các đợt nắng nóng sẽ trở thành rủi ro khá lớn đối với xã hội trong tương lai”, ông Kurnik nói.
Hiện tượng này từng xảy ra trong các điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt. Trong đợt nắng nóng hồi tháng 8/2003, tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt tại các thành phố ở West Midlands của Anh cao gấp đôi so với khu vực nông thôn.
Theo Reuters, EEA kêu gọi các chính phủ đưa ra các biện pháp nhằm giảm hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” ở các thành phố, ví dụ như tạo thêm không gian cây xanh và nước mát. Hiện tại, thủ đô Paris của Pháp đang triển khai thí điểm chương trình tạo không gian xanh mát hơn với vòi phun nước và cây chịu hạn ở 10 trường học.
Một biện pháp khác có thể áp dụng là đẩy sớm thời gian bắt đầu kỳ nghỉ học để tránh việc dạy học trong điều kiện nắng nóng gay gắt.
Ông Kurnik nhận định, nhìn chung tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hiện đã có một số chiến lược thích ứng với khí hậu nhưng hầu hết vẫn chưa triển khai hành động cụ thể.
Đinh Kim (Theo Reuters)