+Aa-
    Zalo

    Gần 200 lô cá tầm Trung Quốc thiếu pháp lý vẫn tràn vào Việt Nam

    (ĐS&PL) - Theo Bộ Tài chính, từ tháng 3/2021 đến nay, có 186 lô cá tầm Trung Quốc nhập khẩu qua Lạng Sơn do vướng các thủ tục pháp lý nên chưa được phép thông quan. Tuy nhiên, toàn bộ số cá này đã được đưa vào trong nước.

    186 lô cá tầm Trung Quốc “mắc cạn” do vướng pháp lý

    Bộ Tài chính vừa có văn bản số 5059/BTC-TCHQ ngày 18/5/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong việc nhập khẩu cá tầm, báo Lao động đưa tin.

    gan 200 lo ca tam trung quoc thieu phap ly van tran vao viet nam
    Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng ảnh.

    Theo đó, từ tháng 3/2021 đến nay, để kiểm soát giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng với giấy phép CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã cấp, các lô hàng cá tầm nhập khẩu đều phải được cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa.

    Do hải quan không đủ kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật để xác định chủng loài cá nên đã gửi mẫu sang các cơ quan khoa học thuộc Bộ NNPTNT để thực hiện việc giám định.

    Tuy vậy, kết quả giám định của các đơn vị này lại không kết luận rõ ràng hoặc không tiếp nhận mẫu dẫn đến cơ quan hải quan không đủ cơ sở pháp lý để thông quan hoặc xử lý vi phạm đối với tổng cộng 186 tờ khai nhập khẩu.

    Theo Bộ Tài chính, kết quả kiểm tra việc bảo quản hàng hóa của Cục Hải quan tại Lạng Sơn và Lào Cai, ở thời điểm hiện tại, ghi nhận thì toàn bộ hàng hóa không còn tại nơi bảo quản.

    Giải thích cho tình trạng này, một số doanh nghiệp khai báo do cá bị chết nên đã tiêu hủy nhưng việc tiêu hủy không thông báo cho cơ quan hải quan và không có biên bản tiêu hủy.

    Một số trường hợp khai báo hàng hóa đã được bán trước khi thông quan do trong thời gian bảo quản một số lượng lớn cá tầm đã bị chết, để giảm thiểu thiệt hại các doanh nghiệp đã bán hàng hóa trước khi được cấp phép thông quan.

    Hiện nay, cơ quan hải quan đang rà soát lại toàn bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu cá tầm trong giai đoạn 2021-2022 để xử lý vi phạm.

    Từ thực tế trên, trong văn bản gửi đi, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT trước ngày 1/6/2023, đối với các mẫu cá đã lấy mà chưa kết luận rõ ràng, thì chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải có kết luận rõ ràng để lực lượng hải quan có căn cứ để xử lý.

    Còn đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu chưa được tiếp nhận mẫu để giám định, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NNPTNT khẩn trương chỉ định một đơn vị chuyên môn tiếp nhận mẫu, thực hiện giám định và có kết luận kết quả giám định cụ thể đối với các lô cá tầm nhập khẩu nêu trên trước ngày 1/6/2023.

    Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị với các mẫu cá tầm nhập khẩu đang được lưu tại cửa khẩu từ năm 2021 đến nay đã có hiện tượng phân hủy. Do vậy, trường hợp Bộ NNPTNT không yêu cầu cung cấp mẫu trước ngày 1/6/2023 thì sau thời điểm trên, Bộ Tài chính đề xuất mời Chi cục Thú y phối hợp để tiến hành tiêu hủy các mẫu lưu.

    Nhiều khó khăn

    Thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam, theo Bộ Tài chính, việc nhập khẩu cá tầm hiện nay nổi lên một số khó khăn, vướng mắc.

    Theo đó, khó khăn trong việc xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu. Từ tháng 3/2021 đến nay, để kiểm soát giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng với giấy phép CITES đã cấp theo đề nghị tăng cường kiểm soát của Bộ NN-PTNT, các lô hàng cá tầm nhập khẩu đều được cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, do đặc thù nhóm hàng cơ quan hải quan không đủ kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật để xác định chủng loài theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT.

    Ngoài ra còn khó khăn trong việc bảo quản mẫu cá tầm để thực hiện giám định. Bên cạnh việc gửi mẫu và giám định thì cơ quan hải quan cũng phải lưu giữ, bảo quản các mẫu vật để phục vụ kiểm tra, đối chiếu, tái giám định khi cần thiết (đặc biệt là trường hợp kết luận giám định không rõ ràng).

    Tuy nhiên, do thời gian bảo quản quá dài (từ tháng 3/2021) các tủ đông chi cục đã trang bị không phải là tủ chuyên dụng nên các mẫu lưu đã có hiện tượng phân hủy. Việc lấy mẫu giám định, bảo quản mẫu vật cá tầm phục vụ việc giám định cũng đồng thời gây phát sinh nhiều chi phí cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp

    Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xử lý đối với các tờ khai hải quan cá tầm chưa có kết luận giám định xác định giống loài, chủng loại. Do đặc thù hàng hóa nhập khẩu là cá tầm tươi sống, việc nuôi nhốt phải đáp ứng điều kiện đặc biệt, không thể bảo quản tại cửa khẩu trong thời gian dài để chờ kết quả giám định. Do vậy, khi làm thủ tục hải quan theo chỉ định của cơ quan kiểm dịch về việc đưa hàng về bảo quản phục vụ công tác kiểm dịch, hàng hóa được giao cho doanh nghiệp bảo quản chờ thông quan theo quy định.

    Tuy nhiên, với kết luận giám định không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan hải quan thực hiện thông quan hoặc xử lý vi phạm dẫn đến 186 tờ khai nhập khẩu cá tầm giao cho doanh nghiệp bảo quản gặp nhiều khó khăn và phát sinh các vướng mắc mới.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gan-200-lo-ca-tam-trung-quoc-thieu-phap-ly-van-tran-vao-viet-nam-a576148.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan