+Aa-
    Zalo

    Tòa tuyên hủy 2 văn bản của CITES Việt Nam, phải cấp phép nhập khẩu cá tầm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cho rằng Cơ quan CITES Việt Nam không nêu được lý do cũng như căn cứ hợp lý trong việc thu hồi các giấy phép CITES đã cấp cho Công ty Thanh Tú, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên hủy 2 văn bản của CITES Việt Nam.

    TAND TP.Hà Nội vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính xem xét yêu cầu khởi kiện của của Công ty TNHH XNK thủy hải sản Thanh Tú (Công ty Thanh Tú) yêu cầu Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Cơ quan CITES Việt Nam) thực hiện hành vi hành chính: Cấp giấy phép CITES nhập khẩu mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục CITES của Cơ quan CITES Việt Nam đối với hồ sơ của Công ty Thanh Tú.

    Theo đơn khởi kiện, từ năm từ năm 2016 cho đến trước ngày 19/01/2021, Công ty Thanh Tú được cấp CITES nhập khẩu cá Tầm Xibêri sống (tên khoa học Acipencer baerii) là loại thủy sản được phép kinh doanh ở Việt Nam với mục đích sử dụng: kinh doanh thương phẩm, chế biến làm thực phẩm.

    toa tuyen huy 2 van ban trai luat buoc cites viet nam cap phep nhap khau ca tam
    Tòa tuyên hủy 2 văn bản trái luật, buộc CITES Việt Nam cấp phép nhập khẩu cá tầm (Ảnh minh họa).

    Ngày 19/01/2021, Công ty Thanh Tú nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép CITES cá tầm Xibêri sống dùng làm thực phẩm nhưng Cơ quan CITES Việt Nam không giải quyết hồ sơ.

    Điều 25 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục cấp chứng nhận CITES quy định: “Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết”.

    Quá thời hạn theo quy định nêu trên, Công ty Thanh Tú vẫn không nhận được bất kỳ văn bản nào trả lời của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cũng như phản hồi của doanh nghiệp. Do vậy, ngày 29/3/2021 Công ty này đã gủi đơn khiếu nại đến cơ quan quản lý CITES.

    Đến ngày 12/4/2021 Công ty Thanh Tú nhận được Quyết định của Cơ quan quản lý CITES số 07/QĐ-CTVN về việc thu hồi 42 giấy phép của Công ty Thanh Tú đã được cấp và đã được sử dụng hết, đồng thời từ chối cấp phép mới cho Công ty Thanh Tú. Ngay khi nhận được Quyết định số 07/QĐ-CTVN, Công ty Thanh Tú tiếp tục gửi đơn khiếu nại bổ sung ngày 14/4/2021 về nội dung quyết định nêu trên là trái pháp luật.

    Ngày 07/5/2021, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 27/QĐ-CTVN.

    Công ty Thanh Tú nhận thấy hai quyết định số 07 và 27 là trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công ty. Do đó, Công ty Thanh Tú đã khởi kiện ra TAND TP.Hà Nội đề nghị hủy quyết định số 07/QĐ-CTVN ngày 12/4/2021 và số 27/QĐ-CTVN ngày 07/05/2021.

    Quá trình mở tòa, HĐXX của TAND TP.Hà Nội xét thấy, Cơ quan CITES Việt Nam công nhận ngày 18/1/2021 đã nhận hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thanh Tú. Về trình tự xử lý hồ sơ, CITES khẳng định đã cấp phép đúng thời hạn. 

    Đối với Quyết định số 07 ngày 12/4/2021, tòa cấp sơ thẩm cho rằng, thời hạn trả lời đối với hồ sơ của Công ty Thanh Tú là chưa chính xác, bởi Công ty Thanh Tú được cung cấp quyết định số 07 ban hành ngày 12/4/2021 của Cơ quan CITES Việt Nam trả lời với nội dung từ chối cấp phép cho Công ty Thanh Tú.

    Tòa bác lập luận của Cơ quan CITES Việt Nam khi cho rằng Công ty Thanh Tú có vi phạm về thể tích, bể dùng, lưu trữ, cách ly kiểm dịch, không thực hiện đúng mục đích chế biến làm thực phẩm, thông qua phản ánh của cơ quan báo chí vì cho rằng nội dung này không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn đánh giá của CITES Việt Nam.

    “Nếu các doanh nghiệp có vi phạm này thì việc đánh giá, xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng khác”, HĐXX nhận định.

    Mặt khác, tòa cấp sơ thẩm nhận định, CITES Việt Nam không cung cấp tài liệu nào thể hiện Công ty Thanh Tú bị xử phạt hay xác định các hành vi vi phạm các nội dung như Cơ quan CITES Việt Nam phản ánh ở quyết định số 27.

    Ngoài ra, còn nhiều nội dung CITES Việt Nam đưa ra nhằm lập luận cho việc thu hồi thu hồi 42 giấy phép của Công ty Thanh Tú đã được cấp và đã được sử dụng hết, đồng thời từ chối cấp phép mới cho Công ty Thanh Tú là có căn cứ, song HĐXX nhận định các lập luận, quyết định từ phía CITES là không có cơ sở.

    Căn cứ vào quá trình mở tòa cùng toàn diện tài liệu, phân tích, nhận định đánh giá trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thanh Tú và quyết định hủy quyết định số 07 ngày 12/4/2021 về việc thu hồi giấy phép của Công ty Thanh Tú và quyết định giải quyết khiếu nại số 27 ngày 7/5/2021 về việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan CITES. Buộc CITES Việt Nam phải cấp giấy phép nhập khẩu mẫu vật, động vật, thực vật,... hoang dã thuộc phụ lục của CITES cho Công ty Thanh Tú theo đúng quy định của pháp luật.

    P.V

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toa-tuyen-huy-2-van-ban-cua-cites-viet-nam-phai-cap-phep-nhap-khau-ca-tam-a541270.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan