+Aa-
    Zalo

    Gần 10 năm sống sau song sắt vẫn canh cánh những hoài bão tiên phong

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gặp người đàn ông có nét mặt cương nghị đang cải tạo tại trại giam Quảng Ninh vào một ngày cận kề Tết Kỷ Hợi, chúng tôi được nghe những trải lòng của ông.

    Gặp người đàn ông có nét mặt cương nghị đang cải tạo tại trại giam Quảng Ninh (bộ Công an) vào một ngày cận kề Tết Kỷ Hợi, chúng tôi được nghe những trải lòng trăn trở suốt gần 10 năm qua sau cánh cửa buồng giam. Đó là phạm nhân Đàm Quang Tranh (SN 1967, trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh).

    Tự trách mình chưa tròn đạo hiếu

    Khi nhắc đến nguyên nhân vướng vào vòng lao lý, Đàm Quang Tranh lặng lẽ một hồi mới bắt đầu chia sẻ: “Sa chân vào đây cũng là do lỗi của bản thân tôi gây ra, không liên quan đến ai. Một phần cũng chỉ tại không hiểu biết được hết, năng lực, trình độ quản lý tài chính của tôi chưa được cụ thể, minh bạch lắm, một tờ phiếu viết tay tôi cũng chi, thì rõ ràng là tôi sai rồi”.

    Trước khi bị bắt, Tranh đang là Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Tiền An I (HTX Tiền An I), nằm trong khối liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh. Bị kết án 15 năm tù giam với tội Tham ô tài sản, nhờ thái độ ăn năn và tích cực cải tạo, Tranh đã được giảm án xuống còn 13 năm.

    Đàm Quang Tranh là con duy nhất của liệt sĩ Đàm Quang L., năm Tranh ra đời cũng là năm bố hy sinh. Hiện tại, Tranh chỉ còn lại mẹ già 78 tuổi, cũng hay đau ốm. Tranh may mắn có người vợ tảo tần, một lòng chăm sóc gia đình, 2 cô con gái lớn đều đã lập gia đình.

    Tranh giãi bày hoàn cảnh: “Tôi đã chấp hành án được 9 năm, năm nay sẽ đón cái Tết thứ 10 xa gia đình. Tôi vẫn nhớ nhất hai Tết đầu tiên tại trại tạm giam Hà Lầm (Công an tỉnh Quảng Ninh). Thực sự tôi không thể diễn tả nổi nỗi sợ hãi trong cái Tết đầu tiên, bản thân vẫn còn bàng hoàng khi nhìn lại hoàn cảnh của mình, hình dung lại những chuyện đã qua”.

    Nhắc đến mẹ, mắt phạm nhân Tranh ươn ướt. Tranh bộc bạch: “Mẹ tôi năm nay đã 78 tuổi, mỗi năm vẫn cố gắng lên thăm tôi một, hai lần. Đối với tôi, hình ảnh mẹ kiên cường lắm, mỗi lần mẹ khuyên tôi xong liền quay đi chỗ khác, không bao giờ rơi nước mắt trước mặt tôi. Hồi tôi còn ở trại tạm giam Hà Lầm, mẹ lên thăm tôi và dặn “con sai thì con phải chịu, không ai gánh được cái sai cho con, con hãy tự ngẫm xem mình sai ở đâu mà cố gắng cải tạo tốt, sớm về với mẹ”. Lúc đó, tôi không cầm được nước mắt”.

    Cho đến bây giờ, Đàm Quang Tranh vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm: “Chưa năm nào vào chiều 30 Tết mà tôi có thể cầm được nước mắt khi nâng bát cơm lên. Bố tôi là liệt sĩ, tôi là “độc đinh”, vẫn còn trên vai gánh nặng trách nhiệm việc thờ cúng. Vậy mà tôi không thể về nhà thắp một nén hương tâm linh cho bậc sinh thành, mỗi đêm Giao thừa, tôi thương mẹ già còm cõi đang nhớ mong con”.

    Những ý tưởng tiên phong và trăn trở ngày về

    Đã gần 10 năm sống sau cánh cổng sắt “trả giá” cho những lỗi lầm, Đàm Quang Tranh vẫn không quên hoài bão của mình, có nhiều ý tưởng tiên phong trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp và có cái nhìn về kinh tế nông nghiệp khá quy mô.

    Tranh không giấu nổi ánh mắt tự hào khi nhắc đến HTX Tiền An I, là HTX điển hình tiên tiến nhất: “Tôi từng là Chủ nhiệm HTX trẻ nhất tỉnh Quảng Ninh. Khi mới hơn 30 tuổi, tôi đã phụ trách toàn bộ khối nông nghiệp UBND tỉnh Quảng Ninh, từ Cẩm Phả đến Đông Triều về chuyển dịch cơ cấu cây trồng. HTX Tiền An I đi đầu trong việc ra đời rau an toàn. Ngày 1/1/2000, tức là cách đây gần hai chục năm, tôi đã khai trương mô hình rau an toàn đầu tiên tại Quảng Ninh. Sau này, đại diện các địa phương như Lĩnh Nam, Thanh Trì (Hà Nội) còn về học tập mô hình, tìm hiểu kỹ thuật... để áp dụng”.

    Tranh kể lại: “Thời điểm những năm 2000, tôi còn là “cha đẻ của hoa ly tại Quảng Ninh”, tôi là người nhập hoa ly về trồng đầu tiên tại tỉnh, từ lúc tôi đọc các văn bản tài liệu dịch từ tiếng Hà Lan. Chỉ vì kỹ sư Việt Nam dịch sai mấy từ ngữ về kinh nghiệm chăm sóc đã khiến tôi thất bại, hỏng cả cánh đồng hoa, thua lỗ khoảng 14 -15 triệu đồng.

    Sau đó, tôi mới có thể trưởng thành hơn, tôi mang tài liệu lên đại học Nông nghiệp I (nay là học viện Nông nghiệp Việt Nam), nhờ các thầy cô am hiểu dịch lại sang tiếng Việt. Tôi đưa những kinh nghiệm này giao lại cho gia đình anh Phạm Văn Toàn, hiện tại, anh Toàn vẫn là hộ gia đình chủ lực của địa phương về mô hình hoa ly. Tiếp đó, tôi chuyển giao kinh nghiệm sang khu vực huyện Hoành Bồ, giúp đỡ các hộ gia đình trồng hoa ly, sau thêm cả hoa lay ơn”.

    Nam phạm nhân vẫn luôn hướng suy nghĩ của mình về những mô hình rau an toàn còn đang dang dở: “Từ thời tôi chưa bị bắt, một tập đoàn lớn đã về khảo sát tại địa phương để đầu tư phát triển. Bây giờ, về đất Tiền An, chắc chắn sẽ được nhìn thấy những cánh đồng rau an toàn tươi tốt nhất”.

    Tiếp tục với hoài bão

    Trước khi chia tay PV, phạm nhân Tranh quả quyết: “Nếu tôi được về, tôi vẫn mong muốn tiếp tục giúp đỡ địa phương xây dựng bằng được thương hiệu rau an toàn của Tiền An mà tôi vẫn luôn nung nấu. Bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu mối quan hệ trước đây, tôi sẽ tận dụng thật hiệu quả, kể cả phải sử dụng tiền của của gia đình, tôi cũng muốn thực hiện cho bằng được”.

    Chí Công - Thủy Tiên

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gan-10-nam-song-sau-song-sat-van-canh-canh-nhung-hoai-bao-tien-phong-a260609.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan