Châu Âu cần thay thế Mỹ đứng đầu thế giới vì Washington không còn phù hợp với vai trò này, Ủy ban EU cho biết sau khi ông Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
"Tại thời điểm này, chúng ta phải thay thế Mỹ - một diễn viên quốc tế đã mất đi sức sống và gây ảnh hưởng lâu dài", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói. Ông cho rằng Washington đã quay lưng lại với các mối quan hệ quốc tế mang tính xây dựng.
Mỹ "phản bội" thế giới vì thỏa thuận hạt nhân Iran
Quan chức hàng đầu châu Âu cáo buộc Mỹ không muốn "hợp tác với các bộ phận khác trên thế giới". Nhận xét của ông Claude Juncker được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, mà ông đã nhiều lần tố cáo là "thỏa thuận tồi tệ nhất từng được thương lượng".
Mặc dù phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các bên khác về thỏa thuận này, cũng như một số thành viên khác của cộng đồng quốc tế, nhà lãnh đạo Mỹ dường như vẫn không thay đổi quyết định.
Tổng thống Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Getty |
Ông Juncker không nói rõ rằng liệu Liên minh châu Âu (EU) thực sự có khả năng vượt qua Mỹ hay không. Trong khi đó, nỗ lực mới nhất từ các nhà lãnh đạo EU để gia tăng ảnh hưởng bằng cách thuyết phục Mỹ duy trì thỏa thuận Iran đã thất bại. Bây giờ, các nhà lãnh đạo Eu khẳng định họ sẽ làm việc cùng nhau và cố gắng hết sức để duy trì thỏa thuận quan trọng này.
Kinh tế và chính trị của châu Âu so với Mỹ thế nào?
Trong khi có thể so sánh với Mỹ về một số chỉ tiêu kinh tế chung như GDP theo tỷ giá hiện tại, EU vẫn còn nhiều bất thường trong cấu trúc vì vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các quốc gia phương Tây thịnh vượng so với các thành viên mới khi nói đến hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, tương lai kinh tế của EU là không chắc chắn, khi khối đã để mất một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất là Vương quốc Anh sau Brexit. Triển vọng này đã buộc EU phải dự thảo một ngân sách mới liên quan đến việc cắt giảm chi tiêu và nhu cầu đóng góp tài chính nhiều hơn từ các nước thành viên.
Những đề xuất này có khả năng gây ra sự phẫn nộ từ các nước Đông Âu, vốn là những quốc gia nhận cái gọi là quỹ gắn kết, được sử dụng để phát triển ở các nước nghèo tại châu Âu.
So với Mỹ, kinh tế và chính trị EU còn nhiều bất ổn. Ảnh: Reuters |
Các vấn đề chính trị cũng làm xói mòn sự đoàn kết của EU. Liên minh vẫn đang nỗ lực để phát triển một chính sách tị nạn chung. Gần đây, châu Âu cũng đã phải đối mặt với một làn sóng chủ nghĩa dân túy cùng với sự gia tăng quyền lực ở nhiều nước.
Pháp và Đức dường như đang thúc đẩy cải cách sâu sắc EU, kêu gọi sự gắn kết hơn nữa trong khối như là một phần quan trọng của tinh thần Liên minh.
Tương quan quân sự
Mỹ có thể đã "mất sức sống", nhưng họ vẫn trả tiền cho phần lớn các hoạt động phòng thủ ở châu Âu thông qua Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tham vọng của ông Juncker về sự lãnh đạo toàn cầu của EU có thể bị ảnh hưởng bởi điều này.
Washington chi tiêu nhiều hơn khoảng 2,5 lần cho NATO so với các đồng minh còn lại, và ông Trump đã liên tục chỉ tích các quốc gia châu Âu vì lý do này. Chỉ có 5 trong số 28 quốc gia của NATO hiện chi ra 2% của GDP cho quân sự, bao gồm Mỹ, Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan.
Kế hoạch quân đội chung của châu Âu lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1950, và cho đến nay vẫn còn cả một chặng đường dài phải đi. Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) là điều gần nhất với một thỏa thuận hợp tác quân sự mà EU có.
Nó bao gồm một số dự án hợp tác hạn chế - như Đội phản ứng nhanh và Đội chỉ huy y tế châu Âu, chỉ mới được đưa ra vào tháng 12/2017 và hiện chưa rõ có đi vào thực tế hay không.
Với rất nhiều vấn đề nội bộ như trên, con đường thay Mỹ đứng đầu thế giới của EU vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và chưa thể thực hiện được trong tương lai gần.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo RT)