Ủy ban châu Âu (EC) vừa mở đợt điều tra sâu về thương vụ thâu tóm hãng sản xuất hạt Syngenta (Thụy Sĩ) trị giá 40 tỉ USD của doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc ChemChina.
Theo Reuters, động thái trên là nhằm xem xét liệu thương vụ này có thể làm tổn thương đối thủ cạnh tranh hay không. Cao ủy Cạnh tranh Magrethe Vestager của Liên minh châu Âu (EU) cho hay: “Chúng tôi cần thận trọng đánh giá xem việc đề xuất sáp nhập có khiến giá cả lên cao hơn hay làm giảm lựa chọn của nông dân hay không”.
Thỏa thuận trên là lớn nhất trong loạt “mua sắm tưng bừng” của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài. ChemChina (hay China National Chemical Corp), hãng kiểm soát Adama - nhà cung cấp số một các sản phẩm bảo vệ thực vật ở châu Âu, sẽ thâu tóm Syngenta, hãng đi đầu thế giới trong mảng bảo vệ hạt giống và cây trồng.
“Thương vụ sẽ diễn ra trong ngành công nghiệp vốn đã tương đối tập trung”, EC cho hay. Trong thông báo chung, ChemChina và Syngenta cho hay họ sẽ “tiếp tục cuộc thảo luận mang tính xây dựng với giới chức EU để kết luận càng sớm càng tốt”. Đợt điều tra của EC sẽ kéo dài đến ngày 15.3.2017.
Tuần này, Syngenta cho biết họ tự tin thương vụ trên sẽ được thông qua sau khi giới chức Mỹ và Nhật Bản đồng ý. Theo EC, kết quả điều tra ban đầu cho thấy doanh nghiệp mới sẽ có “thị phần kết hợp tương đối cao” trong một số mảng, trong khi Adama sẽ bị loại bỏ với tư cách đối thủ cạnh tranh của Syngenta. Vì Syngenta và ChemChina có phạm vi hoạt động toàn cầu, EC sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan cạnh tranh của các nước khác, đặc biệt là Mỹ, Brazil và Canada.
Thương vụ giữa ChemChina và Syngenta chỉ là một trong số nhiều thỏa thuận rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp - hóa học. Hãng Bayer của Đức cũng đang trả 66 tỉ USD để mua lại Monsanto - công ty từng cố gắng thâu tóm Syngenta vào năm 2015 với 46 tỉ USD.
Nếu EC, cơ quan giám sát chính sách cạnh tranh trong khối 28 quốc gia, phát hiện ra lỗi trong quá trình sáp nhập, họ có thể từ chối thỏa thuận. Song thông thường, EC sẽ yêu cầu các doanh nghiệp bán vài phần công ty hoặc cho phép những cái tên mới tham gia để giảm thiểu tác động lên lựa chọn và giá cả dành cho khách hànG.
Thỏa thuận giữa ChemChina và Syngenta được xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang hăng hái mua sắm công ty ngoại, từ nhà sản xuất phim ở Hollywood đến các câu lạc bộ bóng đá châu Âu. Đầu tháng này, Bắc Kinh tuyên bố kế hoạch đưa Syngenta và ChemChina về chung nhà là nỗ lực thay đổi ngành công nghiệp hóa chất của Trung Quốc và của thế giới.
EU và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn của nhau. Những năm qua, Bắc Kinh nổi lên với cương vị nhà đầu tư quan trọng tại châu Âu ở cả tầm chính phủ lẫn doanh nghiệp.
THU THẢO