Ngoài việc phúc tra lại hộ nghèo, hộ cận nghèo để đưa ra khỏi danh sách thì người dân cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm bởi sự việc đã kéo dài nhiều năm nay mới hé lộ.
Người dân cho rằng việc chấm điểm là chưa hợp lý. |
“Thoát nghèo” sau đại dịch Covid-19
Sự việc bắt đầu từ giữa tháng 6/2020, khi UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 cho đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện việc phúc tra lại theo yêu cầu, xã Hương Sơn (Tân Kỳ) đã gây “chấn động” khi báo cáo có tới 700 hộ cận nghèo trên địa bàn có số điểm thoát nghèo.
Theo đó, trước khi phúc tra lại, xã Hương Sơn có 933 hộ cận nghèo, 108 hộ nghèo. Thế nhưng, sau khi phúc tra lại xã chỉ có 233 hộ cận nghèo và 108 hộ nghèo. Như vậy, hàng trăm hộ dân nơi đây đã có trong tay giấy chứng nhận hộ cận nghèo sai quy định của pháp luật khiến cho dư luận vô cùng xôn xao.
Để tìm hiểu sự việc, phóng viên đã có mặt tại xóm Tân Sơn (xã Hương Sơn), nơi có 27 hộ cận nghèo vừa được “thoát nghèo” trong thời gian mới đây.
Nói về việc này, chị Lô Thị Nguyệt (SN 1970) bức xúc cho biết: “Người dân ở đây đều vô cùng khó khăn, chỉ biết làm ruộng và mía để sống; đều phải sống trong ngôi nhà cấp 4 dột nát. Đáng nói hơn, chúng tôi là hộ cận nghèo nhiều năm nay rồi chứ không phải riêng năm nay, bỗng nhiên cán bộ xuống bảo cắt là cắt luôn”.
Ngôi nhà chị Nguyệt không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc xe máy. Chồng thì bị xơ gan nhiều năm nay, một mình chị lao động chính để nuôi 2 người con đang ăn học. Do hoàn cảnh khó khăn, hộ của chị Nguyệt nằm trong hộ cận nghèo liên tục mấy năm nay, cho đến lần phúc tra này thì “được thoát nghèo”.
“Cán bộ nói với chúng tôi là không được hưởng tiền hỗ trợ Covid-19, nhưng giấy chứng nhận hộ cận nghèo vẫn dùng bình thường. Người dân chúng tôi rất phẫn nộ, nếu gia đình chúng tôi khá giả thì ra khỏi hộ cận nghèo là đúng, đằng này ai cũng đang khó khăn cả. Nếu đã thoát nghèo thì làm sao dùng giấy chứng nhận kia nữa”, chị Nguyệt nói.
Theo ông Vi Văn Phú - Trưởng xóm Tân Sơn, đa phần người dân đều là người dân tộc Thái. Trước khi phúc tra, xóm Tân Sơn có 49 hộ nghèo, 129 hộ cận nghèo. Sau khi phúc tra thì 27 hộ trong xóm có số điểm thoát nghèo.
“Thời điểm khi bình xét, mọi người cả nể nên cho vào hộ cận nghèo để hưởng một số chế độ như vay vốn cho con em đi học, đi khám được miễn giảm tiền,... Tuy nhiên, mới đây cán bộ xã đi rà soát, phúc tra lại nên 27 hộ cận nghèo trên đều vượt quá điểm”, ông Phú giải thích.
Tại các xóm Tân Hồng, Tân Trung,... cũng có sự việc tương tự khi hàng trăm hộ cận nghèo cũng được “thoát nghèo” sau việc rà soát lần này. Điều đáng nói, phần lớn các hộ đều nằm trong diện cận nghèo nhiều năm và chỉ “thoát nghèo” sau cuộc rà soát vào tháng 6/2020. Nếu đúng các hộ trên đều đủ điểm thoát nghèo thì lỗi sai cả hệ thống này kéo dài liên tục nhưng đến giờ mới bị hé lộ. Vì vậy, nhiều người dân cho rằng nếu chỉ “kiên quyết đưa ra khỏi danh sách những trường hợp không đúng đối tượng chính sách” là chưa đủ mà cần làm rõ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Nguyễn Đình Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn - xác nhận hiện chính quyền địa phương đang tiến hành phúc tra hộ cận nghèo trên địa bàn để tiến hành chi trả hỗ trợ Covid-19.
“Kết quả sơ bộ đã có nhưng chúng tôi đang rà soát lại thật kỹ rồi mới gửi báo cáo lên UBND huyện Tân Kỳ. Hiện nay, người dân đang có nhiều ý kiến về việc này nên chúng tôi tập trung giải thích với người dân về cách chấm điểm thoát nghèo”, ông Thắng nói.
Vị Bí thư Đảng ủy xã xác nhận, việc sai sót này từ thời điểm đầu năm khi chưa xuất hiện dịch Covid-19 dẫn đến những lùm xùm hiện nay. Nguyên nhân của sai sót xuất phát từ cơ sở khi bình bầu hộ nghèo và cận nghèo. Ngoài ra phía UBND xã cũng có trách nhiệm, tuy nhiên Chủ tịch xã cũ đã nghỉ hưu theo chế độ, vì vậy tân Chủ tịch xã đang cố gắng rà soát lại toàn bộ danh sách.
“Người dân trong làng, trong xã có một số hoàn cảnh đặc biệt nên khi bình bầu mọi người đã thống nhất cho vào hộ cận nghèo để hưởng chế độ Nhà nước. Khi trình danh sách lên UBND xã, phía cán bộ chính sách cũng không thẩm tra kỹ nên dẫn đến nhiều hộ dân đủ điểm thoát nghèo vẫn có giấy chứng nhận hộ nghèo. Sai là phải sửa, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra kỹ để tránh việc chi trả sai đối tượng diễn ra”, ông Thắng khẳng định.
Liên quan đến vụ việc, ông Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ - cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền xã chưa quan tâm vào cuộc; công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, thiếu chặt chẽ, còn có biểu hiện né tránh, ngại va chạm. Kết quả rà soát chưa phản ánh chính xác đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, gây nên một số bức xúc trong người dân.
“Việc sai sót này xuất hiện ở nhiều nơi chứ không riêng gì xã Hương Sơn. Vì vậy chúng tôi đã yêu cầu các xã khác trên địa bàn phải phúc tra, thực hiện nghiêm chỉnh việc chấm điểm hộ nghèo và cận nghèo. Người dân phản ánh, bức xúc là đúng. Nếu cán bộ xóm, xã làm chỉn chu từ đầu thì đã không xảy ra việc này. Vì vậy, cán bộ phải xuống từng nhà để giải thích cho mọi người hiểu, đồng thời phải sửa sai bằng việc phúc tra lại đúng đối tượng xứng đáng được nhận hỗ trợ”, ông Giáp nói.
Anh Ngọc
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (110)