Trong khi hầu hết báo chí Trung Quốc im lặng trước hành động phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, tờ Hoàn cầu Thời báo tiếp tục đưa ra những luận điệu bóp méo, xuyên tạc sự thật.
|
Tàu Trung Quốc hung hãn đâm tàu Việt Nam. |
Càng che càng lộ
Sau khi lặng lẽ gỡ bài xã luận “Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Hà Nội” hôm 6/5, sáng qua 13/5, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc lại giở giọng đăng bài viết “khẳng định chủ quyền” của nước này ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Bài báo sau khi dẫn một số thông tin về các cuộc biểu tình của người dân Việt Nam phản đối hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, đã kết luận “Những cuộc tuần hành đó không thể chạm tới Trung Quốc, việc Việt Nam khiêu khích cũng sẽ không có kết quả gì” và cho rằng Việt Nam không đạt được mục đích “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông vì Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng chỉ “ám chỉ mơ hồ” đến vấn đề này. Tuy nhiên, tác giả bài báo đã hoàn toàn bóp méo khi khẳng định dư luận quốc tế không quan tâm đến những gì xảy ra ở Biển Đông mấy ngày qua. Bằng chứng là trong cuộc họp báo đầy nhập nhèm mà Bộ ngoại giao Trung Quốc tổ chức chiều 8/5, cuộc họp chỉ được thông báo đến các cơ quan báo chí nước ngoài trước khi khai mạc đúng 1 giờ đồng hồ. Phóng viên Việt Nam không hề hỏi một câu nào mà trái lại, phóng viên nước ngoài đã đưa ra rất nhiều câu hỏi khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc “cứng lưỡi”.
Bài viết “Việt Nam - Trung Quốc bế tắc xung quanh việc hạ đặt giàn khoan” đăng trên tờ The NewYork Times hôm 12/5 cũng cho thấy dư luận quốc tế đang quan tâm sâu sắc đến cách hành xử của Trung Quốc. Bài báo trên dẫn lời ông David Zweig - Giám đốc Trung tâm quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng lập trường cứng rắn của Trung Quốc với Việt Nam có thể sẽ gây nguy hại cho các mục tiêu ngoại giao mà Bắc Kinh đã thiết lập tại khu vực. “Phía Trung Quốc đã không thể hợp tác với Việt Nam, nước mà họ đã ký hiệp định song phương, vậy thì làm sao có thể thuyết phục các nước khác chấp nhận thỏa thuận song phương, chứ đừng nói là quan hệ đa phương, với các quốc gia khác”. Ông David Zweig cũng khẳng định, quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh sẽ phản tác dụng nếu như nó khiến cho các nước Đông Nam Á chấp nhận bước chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ tại châu Á. “Tất cả những hành động đó chỉ làm tăng thêm thái độ hoan nghênh của các nước Đông Nam Á đối với chiến lược chuyển trọng tâm của Mỹ”.
Giấu đầu hở đuôi
Đáng nói là trong khi Trung Quốc vẫn ra sức khẳng định việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) chỉ là hoạt động thăm dò khai thác dầu khí bình thường, thì phân tích trên báo chí nước ngoài đã thẳng thừng bóc mẽ lời nói dối trắng trợn này. Hai tác giả Jane Perlez và Keith Bradsher trong bài báo “Trung Quốc khẳng định bước đi đơn phương ở Biển Đông” đăng trên The NewYork Times hôm 12/5 đã viết: “Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không e ngại trong việc đưa ra yêu sách nhằm kiểm soát phần lớn Biển Đông. Nhưng qua việc đặt một giàn khoan lớn trong vùng biển này dường như cho thấy Trung Quốc muốn hành động trước sau đó mới bàn đến các thỏa thuận ngoại giao. Thực tế là Trung Quốc đã cố tình tạo ra “sự đã rồi” để buộc các quốc gia đối thủ và cuối cùng là Mỹ phải chấp nhận, hoặc là chống lại… Việc triển khai giàn khoan có thể là một bước đi mới trong quyết tâm xưng bá của Trung Quốc ở Biển Đông, vì một giàn khoan lớn như vậy sẽ cần đến lực lượng bảo vệ thường xuyên, mà việc bảo vệ này có nghĩa là Trung Quốc sẽ điều ra đó một số lượng lớn tàu thuyền, bao gồm cả lực lượng hải quân”.
Sau khi nhắc lại vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines 2 năm trước, hai tác giả này cũng đồng thời chỉ ra rằng “Việt Nam đã chứng tỏ họ là một đối thủ khó đối phó hơn”. Bài báo cũng đồng thời vạch trần: “Ít ai tin rằng nguyên nhân chính khiến Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là nhằm thăm dò dầu khí. Những năm qua, các nhà địa chất và các công ty năng lượng lớn đã luôn tranh cãi về câu hỏi: trữ lượng dầu khí dưới đáy Biển Đông có giá trị thương mại hay không? Nhiều người tỏ ra nghi ngờ, nhất là đối với khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc định khoan thăm dò. Một đánh giá năm 2013 của Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ cũng cho rằng trữ lượng dầu hoặc khí thiên nhiên ở khu vực này rất ít”.
Trở lại với bài báo ngày 13/5 trên tờ Hoàn cầu. Tác giả bài viết này “kêu gọi” Việt Nam “đừng tự chuốc lấy sự hổ thẹn”, song ai cũng thấy rành rành một điều rằng, chính người dân Trung Quốc mới đang cảm thấy hổ thẹn vì cách hành xử ngang ngược, vô giá trị và phi lý của chính phủ nước này. Đã để lộ “tim đen” mà vẫn còn “cả vú lấp miệng em”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-vo-mom-trung-quoc-cang-duoi-ly-a32881.html