(ĐSPL) - Theo HoREA, nếu vay theo phương thức thương mại thì người thu nhập thấp không có tài sản đảm bảo, cũng không thể chứng minh thu nhập theo điều kiện của ngân hàng thương mại quy định; Giả định được vay thương mại thì với lãi suất khoảng trên dưới 10\%/năm là gánh nặng khó kham nổi. Nếu vay ngoài xã hội, thậm chí vay tín dụng đen thì hệ quả khó lường.
Tin tức trên báo Công lý, Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (không ấn định thời gian) để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở.
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định chấm dứt giải ngân kể từ ngày 01/06/2016 thì cần có cơ chế xử lý chuyển tiếp đối với những người đến thời điểm cuối tháng 05/2016 đã ký hợp đồng tín dụng vay gói 30 nghìn tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới được giải ngân một phần. Theo đó, NHNN cần có hướng dẫn cho phép ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân các trường hợp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới được giải ngân một phần, được giải ngân đến hết hợp đồng.
Theo HoREA, nếu vay theo phương thức thương mại thì người thu nhập thấp không có tài sản đảm bảo, cũng không thể chứng minh thu nhập theo điều kiện của ngân hàng thương mại quy định; Giả định được vay thương mại thì với lãi suất khoảng trên dưới 10\%/năm là gánh nặng khó kham nổi. Nếu vay ngoài xã hội, thậm chí vay tín dụng đen thì hệ quả khó lường.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù gói 30 nghìn tỷ chỉ là giải pháp tạm thời cho thời kỳ bất động sản đóng băng nhưng đối tượng thụ hưởng chính là người thu nhập thấp. Bởi vậy, khi xây dựng chính sách, cơ quan chức năng phải tính đến khả năng khi chính sách kết thúc thì phải có cơ chế chuyển tiếp phù hợp, kịp thời, tránh trường hợp đối tượng thụ hưởng bị hụt hẫng, thậm chí gánh thêm khó khăn. Có như vậy mới lấp được “khoảng trống” chính sách để gói 30.000 tỷ thực sự thể hiện được tính nhân văn như mục tiêu đề ra.
Thông tin trên báo Tri thức Trực tuyến, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, những người đã vay và có dư nợ sau ngày 1/6 cần chấp nhận thực tế và đối mặt rủi ro. Nếu được, người vay cần yêu cầu ngân hàng giải ngân hết gói vay này để tính toán với chủ đầu tư. Sau đó hy vọng vào việc chủ đầu tư triển khai làm nhà đúng tiến độ để sử dụng nguồn vốn này an toàn.
"Để thực hiện được điều này, tôi hy vọng ngân hàng đồng cảm với người dân để chấp nhận rủi ro giải ngân toàn bộ phần tiền còn lại. Đây cũng là động thái để thực hiện chính sách vào đúng đối tượng và mục đích. Rõ ràng khi quyết định tung ra gói tín dụng này, mục đích của nó cũng là hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà. Vậy nên khi thực hiện chính sách cũng cần nhìn vào đối tượng hỗ trợ trước sau đó mới nhìn đến thị trường.
Yếu tố để tin tưởng điều này chính là sự tiến bộ của văn hóa kinh doanh, khi chủ đầu tư kiểm soát được dòng tiền đổ vào dự án của mình một cách chắc chắn. Thêm vào đó, luật đã quy định đối với các dự án nhà ở thương mại thì phải ký kết với ngân hàng bảo lãnh. Khi đã có ngân hàng giám sát nguồn vốn thì người mua nhà cũng phần nào yên tâm với quyết định của mình.", ông Châu nêu quan điểm.
Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng được triển khai từ năm 2013, đến nay các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng đạt 96,28\% và đã giải ngân lên tới hơn 20.000 tỷ đồng đạt 66,6\%, với gần 43.000 hộ gia đình đã tạo lập được nhà ở mới, trong đó khoảng 70\% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng, chỉ có khoảng 30\% mua nhà ở xã hội. |