Chứng kiến chữa bệnh bằng hỏa liệu pháp, nhiều người sẽ không khỏi giật mình về tính an toàn của phương pháp này.
Tại một số spa, hỏa liệu pháp được sử dụng để chữa...đau lưng, đau đầu cho khách hàng. Nhân viên tại spa sẽ thoa tinh dầu, trải 3 lớp khăn ẩm lên bụng khách, đổ cồn, bật lửa, sau khoảng 20 giây nhân viên spa dùng khăn dập lửa.
Đây là quy trình chữa đau lưng, vai gáy, thậm chí là là quy trình giảm mỡ bằng hỏa liệu pháp đang được quảng cáo rầm rộ tại một số spa. Phương pháp này được giới thiệu có công dụng giảm mỡ bụng hoặc bất cứ phần nào trên cơ thể nếu khách hàng yêu cầu.
Trên Zing, Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mai Mạnh Tuấn (tốt nghiệp Học viện Quân y), cho biết: "Tôi chưa từng nghe nói về phương pháp làm đẹp này trong y học. Mỡ bụng, đùi là những tổ chức khó bị phá vỡ và phân hủy nếu không sử dụng biện pháp can thiệp trực tiếp như hút mỡ, tập luyện hay ăn kiêng. Ngay cả phương pháp làm tan mỡ bằng sóng cũng không có hiệu quả cao".
Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, đốt lửa trong thời gian ngắn không mang lại tác dụng. Hiện chưa có chứng minh nào cho thấy hiệu quả của hỏa liệu pháp. Hơn thế, người thực hiện cũng như khách hàng ẩn chứa nhiều nguy cơ hỏa hoạn, bỏng da nếu không xử lý đúng cách.
Không chỉ ở Việt Nam, tại Trung Quốc, hỏa liệu pháp cũng được áp dụng. Ông Zhang Fenghao, chủ một cở sở hỏa trị liệu cho biết, mỗi giờ chữa bệnh kiểu này ông thu 300 nhân dân tệ (48 USD). Ông giải thích: Cơ thể bị bệnh khi hai yếu tố nóng và lạnh mất cân bằng nên phải đốt lửa bên trên cơ thể để cho cái lạnh bên trong thoát ra ngoài. Ông nói: “Hỏa trị liệu là một cuộc cách mạng thứ 4 của lịch sử loài người, nó vượt qua cả nền y học Trung Quốc và phương Tây”.
Mặc dù chưa có một bằng chứng y học chính thống nào công nhận về hiệu quả của phương pháp này, nhưng điều đó không quan trọng đối với ông Zhang Fenghao, một trong những “hỏa lang” nổi tiếng nhất về hỏa trị liệu ở Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, một số người cho rằng phương pháp này có thể chữa được bách bệnh từ suy nhược thần kinh, tiêu hóa, vô sinh và thậm chí cả ung thư mà không cần phải trải qua các ca phẫu thuật.
Rất nhiều người Trung Quốc không có đủ điều kiện để trang trải chi phí chữa trị đắt đỏ cho những căn bệnh kinh niên. Hơn nữa, không phải ai cũng có bảo hiểm y tế nên tất yếu nảy sinh nhu cầu tìm đến những phương pháp chữa trị rẻ tiền hơn. Ông Zhao Jing, 49 tuổi, bị đau bệnh đau lưng từ nhiều năm cho biết: “Lúc mới nghe đến hỏa trị liệu, tôi thấy rất kinh nhưng sau khi tìm hiểu kỹ tôi không còn chút sợ hãi nào nữa”.
Hỏa trị liệu gần đây đang “đốt nóng” báo chí Trung Quốc khi có nhiều vụ bệnh nhân bị bỏng nặng khi chữa bệnh bằng phương pháp này. Cư dân mạng Trung Quốc cũng mang hỏa trị liệu ra làm trò vui.
Trước thực trạng đó, “hỏa lang” Zhang phân trần: “Có người đã bị thương, bệnh nhân bị bỏng mặt, bỏng cơ thể. Tất cả là do điều trị không đúng chuẩn. Tôi đã dạy nghề cho hàng chục nghìn người nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp tai nạn như vậy”. Ông Zang còn tuyên bố rằng ông đã từng “đốt” cho cả những nhà ngoại giao và các quan chức cấp cao.
Cho đến nay, hỏa trị liệu vẫn chưa được các tạp chí y khoa để ý. Về nguyên lý, phương pháp này cũng giống như chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên áp lực tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh nhưng không phải mắc bệnh gì cũng có thể chữa được.
Giác hơi và hỏa trị liệu đều là các biện pháp y học cổ truyền lâu đời của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, riêng năm 2012, y học cổ truyền đã thu về 516 tỷ NDT (84 tỷ USD).
Theo các chuyên gia, chưa có chứng minh nào cho thấy hiệu quả của hỏa liệu pháp. Hơn thế, người thực hiện cũng như khách hàng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ra hỏa hoạn, bỏng da.
Nam Anh (T/h)