Liên tiếp những vụ biến chứng nguy hiểm do bệnh nhân ung thư tự ý dùng thuốc nam, gạo lứt, đắp lá... để tự điều trị khiến nhiều người hoảng sợ vì hậu quả khôn lường của việc chữa bệnh không đúng cách.
Ung thư vú thời kì cuối vì uống thuốc nam và kiêng cữ
Ngày 15/11, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, một bệnh nhân nữ tên T.T.H (53 tuổi, quê Bình Định) mới đây phải nhập Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng một bên vú sưng to, chảy dịch và có mùi hôi thối.
Hình ảnh bệnh nhân ung thư vú bị chảy mủ, sưng phồng bên vú do uống thuốc nam - Ảnh: Nông nghiệp. |
Bà cho biết, cách đây 5 tháng khi được bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM chẩn đoán bị ung thư vú và yêu cầu phẫu thuật, nhưng vì nghe người ở quê khuyên, nếu động dao kéo sẽ ngày càng lan ra nên bà sợ bỏ về. Về nhà, nghe ai mách gì bà cũng tìm mua uống mong cải thiện tình hình sức khỏe. Thấy người cùng quê nói bốc thuốc nam ở tỉnh Kiên Giang uống điều trị ung thư sẽ có tiến triển tốt nên vợ chồng bà cũng tìm đến thử vận may.
Tuy nhiên sau 1 tháng chữa bệnh bằng những gói thuốc nam dạng bột kèm chế độ ăn uống kiêng cữ đủ kiểu, bệnh nhân trở nên càng mệt mỏi, người sụt 10kg. Ngừng thuốc thì một bên vú sưng to, chảy mủ ra ngoài, đau nhức gây khó thở.
Theo Đại úy, bác sĩ Phạm Thành Luân, Trung tâm Chẩn đoán và điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175), có nhiều trường hợp giống như bà H. Vì sợ phải phẫu thuật, có người thì nghe theo lời mách bảo của những người xung quanh, cũng có người theo trường phái tâm linh mà không dùng đến thuốc…, tất cả đều dẫn đến sai lầm.
“Trường hợp bà H uống thuốc nam không rõ nguồn gốc và thành phần, đến khi nhập viện thì đã ở giai đoạn cuối, khiến bà không thở được mà phải thở oxy, thiếu máu, suy gan, suy thận nên hiện giờ vẫn chưa thể phẫu thuật. Trước khi uống thuốc nam, bà H chỉ bị 1 bên vú ở giai đoạn nhẹ, nhưng sau 5 tháng phát hiện bệnh, giờ đã lan sang 2 bên vú, chảy dịch, căng tức và hôi thối.
Trước mắt, chúng tôi sẽ kiểm tra tổng thể diễn tiến sức khỏe bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị. Nếu thuận lợi thì sẽ cắt cả 2 bên vú cho bệnh nhân, tuy nhiên khó có thể tiên lượng được thời gian sống của bệnh nhân”, bác sĩ Luân chia sẻ.
Khối u to chiếm hết ổ bụng vì chữa bằng thuốc nam
TS.BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, BV K Trung ương (Hà Nội) từng xót xa cho trường hợp một bé trai 4 tuổi mắc u nguyên bào thần kinh. Lúc đưa sang thăm khám tại BV Nhi Trung ương, khối u mới có kích thước 8 cm và được các bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, chỉ cần tiến hành việc điều trị thì khả năng khỏi là rất lớn. Thế nhưng, bà nội cháu bé lại quyết định cho cháu về chữa theo các bài thuốc nam ở quê vì nghĩ truyền hóa chất sẽ đau đớn.
Nhiều người chữa ung thư theo truyền miệng khiến bệnh tình nặng hơn - Ảnh minh họa. |
Sau 2 tháng, khối u đã to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước. Trẻ suy kiệt, da bọc xương, không thở nổi, tiên lượng tử vong gần. Lúc này người nhà mới vội vàng liên hệ đi chạy chữa tại BV K Trung ương thì bệnh đã trầm trọng. Các bác sĩ chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ, cố gắng cầm cự cho em kéo dài thời gian sống.
Theo các bác sĩ, đối với các bệnh ung thư ở trẻ em hiện nay, tỷ lệ điều trị thành công rất cao nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Còn các trường hợp chữa bệnh theo truyền miệng chỉ khiến bệnh tình ngày một trầm trọng hơn.
Hậu quả đau lòng do đắp lá chữa ung thư
Trường hợp tự chữa bệnh của chị N.T.L.T ở Phú Thọ cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh vì những hiểu biết sai lầm trong quá trình tự chữa bệnh. 3 năm trước, chị T. phát hiện khối u bên vú phải. Nghe theo lời truyền miệng, chị T. tìm mua một loại thuốc lá về nhà đắp. Thời gian sau khối u to lên nhanh chóng, xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường nhưng chị vẫn không chịu đến bệnh viện điều trị mà tiếp tục đắp thuốc nam tại nhà.
Bệnh nhân ung thư vú bị biến chứng nặng do đắp lá tự chữa - Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Mới đây, khối u vú của chị sưng đỏ, lở loét, chảy dịch, đau nhức, chị T. mới chịu đến BVĐK tỉnh Phú Thọ khám. Lúc này, các bác sĩ cho biết, khối u ngực của chị đã vỡ loét, núm vú tụt sâu có kèm theo hạch nách. Kết quả sinh thiết khối u cho thấy bệnh nhân bị ung thư vú. Bệnh nhân phải điều trị truyền hóa chất.
BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu (BVĐK quận Thủ Đức, TPHCM) có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị ung thư khuyến cáo: “Đối với những trường hợp đắp lá để mong khối u bể ra ngoài là không có cơ sở khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Phương pháp đắp lá, cắt lễ khiến khối u nhiễm trùng, lan rộng dữ dội, khiến bệnh diễn tiến nhanh hơn, càng làm cho quá trình điều trị khó khăn hơn. Nhiều loại lá không có tính chất kích thích tế bào ung thư phát triển nhưng cũng không điều trị được ung thư, làm mất thời gian của bệnh nhân, làm chuyển từ giai đoạn sớm thành giai đoạn muộn, từ ung thư chưa di căn chuyển thành di căn."
Ung thư hết cách chữa vì điều trị bằng gạo lức, gạo thảo dược
Theo lời kể của chị Thu Yến (Quảng Ninh), mẹ chị bị mắc ung thư dạ dày được bác sĩ Bệnh viện K chẩn đoán là giai đoạn sớm, chỉ cần phẫu thuật là có thể khỏi hoàn toàn. Nghe nói phải phẫu thuật mẹ chị đã rất sợ và nằng nặc đòi về nhà tự chữa. Thấy bà bạn mách chỉ cần ăn các loại gạo lứt huyết rồng, gạo thảo dược...là có thể trị được ung thư dạ dày.
Các chuyên gia khẳng định gạo lứt không có tác dụng chữa bệnh ung thư. |
Như “chết đuối vớ được cọc” mẹ chị đã chuyển sang ăn cơm gạo lứt, thậm chí uống nước gạo lứt thay cho nước lọc hàng ngày. Khoảng vài tháng sau, mẹ chị Yến sụt cân, người yếu đi rồi đau bụng, nôn ra máu. Chị vội đưa mẹ vào bệnh viện cấp cứu thì không thể tin nổi khi nghe bác sĩ nói bệnh ung thư dạ dày đã di căn và hết cách chữa.
“Tôi đã ân hận vô cùng, nếu thuyết phục mẹ chữa bệnh ngay từ sớm thì đâu đến nỗi sắp mất mẹ thế này...” – chị Yên vừa nói, vừa khóc.
Trường hợp bố của anh Minh Thuận (Hưng Yên) cũng tương tự. Sau khi biết mình có khối u ở đại tràng, bác sĩ khuyên phẫu thuật rồi hóa trị sẽ có thể sống khỏe vì khối u còn nhỏ. Cứ nghĩ bệnh này động dao kéo sẽ chóng chết nên ông không đồng ý chữa chạy.
Về nhà ông bắt đầu mở chiến dịch ăn cơm gạo thảo dược sau khi xem được quảng cáo trên mạng nói rằng loại gạo thảo dược có thể chữa được ung thư, nhất là các bệnh ung thư đường tiêu hóa gạo này có thể “quét” sạch các khối u.
Ăn ròng rã nhiều tháng cơm gạo thảo dược cứ nghĩ bệnh sẽ tan biến ai ngờ thấy việc đại tiện ngày một khó khăn, hàng tuần không đi ngoài, bụng đau liên tục. Con cái vội đưa ông vào viện thì khối u đã to chèn kín ống đại tràng khiến không thể đại tiện, nguy cơ vỡ ruột là rất lớn. Ngay lập tức ông phải lên bàn mổ để cắt bỏ đại tràng, đeo hậu môn nhân tạo và thời gian sống chỉ còn vài tháng.
“Chỉ vì tin theo những quảng cáo vô căn cứ về gạo thảo dược mà cha tôi đã đánh mất mạng sống rồi...” – anh Thuận than thở.
Phương pháp chữa trị ung thư hiệu quả nhất
TS.BS Phạm Cẩm Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai (Hà Nội) đã cảnh báo một thực trạng đáng buồn là không phải bệnh nhân ung thư nào cũng tuân thủ điều trị theo lời khuyên của bác sĩ. Bệnh nhân không tiếp nhận hóa trị, xạ trị mà tin dùng các bài thuốc lá, bài thuốc Đông y không rõ nguồn gốc là sai lầm khá phổ biến, khiến bệnh ung thư càng tăng tốc đến giai đoạn cuối nhanh hơn. Khi chữa trị không thành mới tìm đến bác sĩ, bệnh đã quá muộn.
Không chỉ có vậy, rất nhiều bệnh nhân ung thư còn gặp phải sai lầm khi chữa trị căn bệnh này như nhịn đói, uống nước hoa quả... nhằm mục đích để tế bào ung thư chết đi. Đây là sai lầm trầm trọng khiến bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt, suy mòn do ung thư.
Theo các bác sĩ, khối u vẫn phát triển và lấy các chất của cơ thể bạn dù bạn có ăn hay không. Nhiều bệnh nhân ăn kiêng triền miên, hạn chế ăn uống vì sợ tế bào ung thư phát triển, nên tử vong do suy kiệt sức khỏe trước khi tử vong do ung thư. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân đừng ngộ nhận các phương pháp chữa ung thư không có cơ sở khoa học.
TS. Phương nhấn mạnh hiện nay, các biện pháp điều trị bệnh ung thư bao gồm các phương pháp chính là phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và các liệu pháp miễn dịch. Các biện pháp điều trị khác chỉ mang tính hỗ trợ chứ không nên bỏ qua các phương pháp điều trị chính thống. Đối với bệnh ung thư, bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa ung thư và tư vấn bác sĩ các phương pháp điều trị.
Minh Minh(T/h)