Nếu không được giới thiệu, có lẽ không mấy người biết tới đặc sản "ếch tiến vua" cực kì độc đáo trên đỉnh núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn. Loại ếch này được biết đến với cái tên ếch hương, hay đôi lúc còn gọi là ếch vương, ếch công nương hay "tồng keng" - theo tiếng của người dân tộc có nghĩa là ếch lớn.
Ếch hương là một trong những loài động vật lưỡng cư quý hiếm, chúng được đặt tên như vậy vì thịt có màu trắng, vị ngọt nhẹ thanh, bùi, thơm, không tanh như những loại ếch khác. Loài ếch này hiếm có đến nỗi, phải đặt hàng trước mùa săn ếch cả tháng trời, và may mắn lắm mới có vài con để thưởng thức.
Theo lời truyền miệng trong cộng đồng người Dao ở Mẫu Sơn, cách đây mấy trăm năm, ếch hương là loại đặc sản chỉ dùng để tiến vua - chỉ có vua chúa mới được ăn loại ếch đặc biệt này. Cụ thể, từ thời xa xưa, mỗi năm 3 lần, người dân phải đi săn ếch để cung tiến cho hoàng cung. Cung tiến cho vua xong, người dân mới được bắt ếch để ăn.
Ếch hương rừng không chỉ là đặc sản trứ danh của Lạng Sơn mà còn là báu vật ẩm thực được người dân tộc Dao đỏ gìn giữ hơn nghìn năm qua tại vùng đất Mẫu Sơn. Loài ếch quý hiếm này mang lại giá trị kinh tế cao và có vị thế đặc biệt trong văn hóa ẩm thực địa phương.
Chia sẻ trên Dân Việt, ông Triệu Văn Đạt ở bản Khuẩy Đeng, xã Mẫu Sơn cho biết: "Hiện nay, mỗi cân ếch hương có giá 500.000 đồng, nếu đem về xuôi giá có thể lên tới trên 1 triệu đồng/kg. Mỗi đêm đi soi ếch tôi bắt được khoảng 2 - 3kg, tương đương 2 - 3 triệu đồng. Nếu đi bắt ếch ban ngày thì chỉ kiếm được 1 - 1,5kg ếch là cùng".
Trên mâm cơm tại Mẫu Sơn, ếch hương rừng luôn chiếm vị trí "độc tôn". Ngay cả những món cao lương mỹ vị khác như cá hồi, gà sáu cựa hay thịt lợn hun khói cũng phải "nhường chỗ" cho đĩa ếch hương chiên giòn thơm phức. Có thể nói, ếch hương xứng đáng là "vua" của ẩm thực Mẫu Sơn.
Ếch hương là loại ếch quý hiếm, có giá trị kinh tế cao gấp 7-12 lần so với ếch đồng miền xuôi. Để nhận biết ếch hương, bạn cần lưu ý những đặc điểm sau: màu sắc nâu đen hoặc đen bóng, trọng lượng khoảng 200-300 gam/con. Con đực có gai ở cổ dưới, trông như vương miện bị lệch, khi chạm vào lớp gai này, ếch sẽ khoanh hai chi trước lại. Cặp đùi lớn hơn hẳn ếch đồng, to như đùi gà ri.
Mùa sinh sản của ếch hương vào khoảng tháng 5-6 hàng năm. Người dân địa phương thường dùng thuổng nhỏ để bắt ếch. Ban ngày, ếch hương trốn trong khe đá hoặc hốc đất, người săn sẽ đào những nơi nghi ngờ có ếch. Ban đêm, họ dùng đèn pin hoặc bó đuốc để soi tìm ếch.
Săn ếch hương hiệu quả nhất là vào ban đêm. Khi đó, ếch rời hang đi kiếm ăn, thường ngồi trên các mỏm đá hoặc mô đất bằng phẳng và kêu ộp oạp. Ánh đèn pin sẽ khiến mắt chúng phát sáng màu đỏ, dễ dàng nhận biết. Ếch hương khá hiền lành, ít khi nhảy khi thấy người nên việc bắt chúng khá dễ dàng, chỉ cần túm lấy và cho vào bao.
Măng nấu ếch là loại măng tre mọc ngay tại Mẫu Sơn, rất tươi và giòn. Chỉ cần 2-3 con ếch hương bắt được tại khe suối, rửa sạch, bỏ ruột cho vào chảo đảo vàng rồi dùng măng chua ủ vài ba tháng cho vào xào cùng thịt ếch, thêm gia vị đảo tới khi thịt ếch mềm, cho thêm bát nước là đã có món ếch nấu măng chua thơm ngon, bổ dưỡng.
Thịt ếch kết hợp măng chua hợp vị vô cùng, dân dã mà hấp dẫn khó cưỡng. Đây cũng là một cách giao hòa âm dương hài hòa trong quy tắc ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và người Việt nói chung.
Là loại ếch có nhiều dưỡng chất đặc biệt, ếch hương được sử dụng kết hợp với món thảo dược được tìm kiếm từ nhiều loại cây rừng trong núi sâu, tạo nên bài thuốc đặc trị kích thích hoóc môn và tăng cường năng lượng, tăng sức dẻo dai cho phái mạnh.
Tất cả sản vật ở Mẫu Sơn đều có thể nuôi trồng, nhân giống và phát triển được để phục vụ khách du lịch, trừ ếch hương. Nhiều dự án, nguồn kinh phí, công sức và trí tuệ đã tập trung để nhân giống, phát triển loài ếch này hàng chục năm qua nhưng đến nay chưa thực hiện được. Hiện việc này chỉ dừng ở việc khoanh vùng bảo vệ và hạn chế săn bắt vào mùa sinh sản của chúng trên vùng núi Mẫu Sơn, theo VnExpress.