Cầu Thăng Long sẽ được sửa chữa tổng thể bắt đầu từ tháng 7/2020, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020.
Theo thông tin trên TTXVN, ngày 4/5, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết cầu Thăng Long sẽ được sửa chữa tổng thể bắt đầu từ tháng 7/2020, hoàn thành trong quý IV/2020. Trong thời gian sửa chữa sẽ cấm hoàn toàn các phương tiện qua cầu.
Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, sau 35 năm khai thác, hiện cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện qua cầu.
Bên cạnh lý do thời gian khai thác, sử dụng đã hàng chục năm, ngày đêm phải "oằn mình" chịu tải hàng nghìn phương tiện qua cầu, trong đó hầu hết là xe quá tải trọng..., khiến mặt cầu Thăng Long xuống cấp nghiêm trọng. Ông Huyện cho biết, nguyên nhân làm mặt cầu bị kéo giãn cả hai phương dọc và ngang thời gian gần đây còn là chiều dày lớp bản thép mặt cầu mỏng so với yêu cầu. Vì vậy, việc sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long hiện nay là vấn đề cấp thiết.
Dừng hoạt động cầu Thăng Long trong tháng 7 để sửa chữa. Ảnh: VnExpress |
Cũng theo Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng mức đầu tư dự án gần 270 tỉ đồng. Hiện đơn vị đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu chọn nhà thầu. Dự kiến dự án khởi công trong tháng 7, hoàn thành vào cuối năm 2020.
Quá trình thi công sẽ thực hiện 24/24 giờ, cuốn chiếu dưới mái che và có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia tư vấn, thiết kế, giám sát thi công hàng dầu quốc tế.
Theo VOV, cầu Thăng Long cao 2 tầng, dài khoảng 3,1 km, gồm phần cầu chính dài 1,6 km với 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Mặt cầu bằng thép tấm thảm bê tông nhựa.
Tầng trên có bề rộng 20 m chia 4 làn xe cơ giới, còn lại hai bên là đường bộ công vụ, mỗi bên rộng 2 m. Tầng dưới ở giữa là tuyến đường sắt khổ ray 1.435m, hai bên là đường xe thô sơ, xe máy 3,5 m.
Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ Việt Nam xây dựng.
Năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 bằng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do dính bám giữa bê tông nhựa mới sửa và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu.
Sau đó, cầu Thăng Long còn được “đại tu” thêm vào các năm 2013, 2016 với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng mặt cầu vẫn hư hỏng.
Vũ Đậu(T/h)