Luật sư nhận định, việc ghép hành khách có trùng hành trình đi chung một chuyến xe nghĩa là ký 2 hợp đồng vận tải cùng một thời điểm cho một chuyến xe vận tải hành khách thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm p, Khoản 3, Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thống nhất với với quan điểm chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tạm thời chưa áp dụng hình thức đi chung xe của Grab và Uber đối với xe hợp đồng trên địa bàn thành phố trong thời gian chờ quy định của Bộ Giao thông Vận tải đối với hình thức vận tải này.
Dịch vụ đi chung xe do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab Taxi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải được viết tắt là GrabShare và UberPOOL.
Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vấn đề, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, hiện nay, ngay từ ngày đầu vào Việt Nam, Uber đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường; còn Grab đăng ký hoạt động kinh doanh 18 lĩnh vực, trong đó có vận tải hành khách đường bộ trong nội, ngoại thành trừ vận tải bằng xe buýt và vận tải hành khách đường bộ khác.
Theo quy định pháp luật, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, vấn đề này được quy định tại: Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội |
Theo đó, để kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì doanh nghiệp phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện: Có đồng hồ tính tiền, phù hiệu, hộp đèn có chữ “Taxi” trên nóc xe, có thiết bị in hóa đơn, niêm yết số điện thoại, logo, bảng giá cước tính tiền, khẩu hiệu, bình chữa cháy…
Tương tự, để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện: Hợp đồng vận tải với khách hàng; có phù hiệu “Xe hợp đồng”; niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh; khẩu hiệu; trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy; số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trên xe,..
“Như vậy, hoạt động của Grab taxi và Uber là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, không trùng khít với bất kỳ loại hình vận tải hành khách nào đang được pháp luật Việt Nam quy định và điều chỉnh. Grab, Uber hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng tại Việt Nam, trong khi Hà Nội lại đưa loại phương tiện này vào quy hoạch để quản lý như xe taxi. Điều này đã gây ra những bất bình đẳng trên thị trường vận tải, phá vỡ các phương án tổ chức, quy hoạch giao thông tại Hà Nội” – luật sư Đặng Văn Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, số lượng xe Grab, Uber vẫn gia tăng không kiểm soát; logo, biểu trưng nhiều xe không có… Điều này gây khó khăn cho công tác tổ chức, điều hành giao thông, gây bất bình đẳng trên thị trường vận tải. Chính vì vậy mà việc kiểm soát số lượng “Hợp đồng”, “Giá trị hợp đồng” giữa hành khách và Uber/Grap khi đặt hành trình trên các thiết bị điện tử để quản lý thuế vô cùng khó khăn, phức tạp.
“Nên chăng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần nhanh chóng xác định, nghiên cứu phương án thích hợp, xây dựng cơ chế để đưa Uber, Grab vào loại hình kinh doanh cụ thể nhằm quản lý loại hình này một cách hiệu quả nhất. Hiện nay các hãng taxi truyền thống trong nước cũng đã ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động vận tải hành khách bằng taxi do đó việc quy định cụ thể hơn về loại hình kinh doanh này là vấn đề rất cần thiết. Bên cạnh đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP cần siết chặt hơn nữa các quy định về quản lý và thu thuế loại hình kinh doanh vận tải này” – luật sư Cường nhấn mạnh.
Mỗi xe chỉ ký 1 hợp đồng vận tải
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay, Grap và Uber đang hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về xe hợp đồng thì mỗi xe chỉ ký một hợp đồng vận tải. Cụ thể điều này đã được quy định tại Khoản 2 Điều 45 Thông tư 63/2014/BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như sau: “..2. Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng vận chuyển khách”.
Dừng dịch vụ đi chung xe của Grab, Uber tại Hà Nội - Ảnh minh họa |
Luật sư Cường phân tích, đối với trường hợp cố tình ghép hành khách có trùng hành trình đi chung một chuyến xe nghĩa là ký 02 hợp đồng vận tải cùng một thời điểm cho một chuyến xe vận tải hành khách thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm p, Khoản 3, Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:
“...3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
p) Sử dụng từ 02 hợp đồng vận chuyển trở lên cho một chuyến xe vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách du lịch;..”
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có) đối với xe vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP nêu trên.
Tiểu Phương (ghi)