Mặc dù đang xin cấp phép lưu hành mới chế phẩm từ Bộ Y tế, nhưng Công ty TNHH Green Cross Việt Nam đã tự “vẽ” thêm công dụng cho sản phẩm Dung dịch rửa tay diệt khuẩn Green Cross rồi “tung” ra thị trường “qua mặt” Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trục lợi từ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Trên thị trường và các website thương mại điện tử như lazada, tiki, shopee,… không khó để bắt gặp những sản phẩm mà ngừời tiêu dùng đang “săn lùng” trong mùa dịch như khẩu trang y tế, gel rửa tay khô, nước rửa tay. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm mập mờ về công dụng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm và đã mua phải sản phẩm không như mong muốn.
Phản ánh tới Tạp chí Đời sống và Pháp luật, nhiều độc giả cho rằng Dung dịch rửa tay diệt khuẩn Green Cross không có tác dụng “diệt khuẩn” như quảng cáo và mong muốn tòa soạn vào cuộc làm rõ tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong vai khách hàng, phóng viên dễ dàng đặt mua mặt hàng này với giá 1.000.000đ và được miễn phí tiền cước vận chuyển. Sản phẩm được nhanh chóng giao đến tận tay khách hàng, đập ngay vào mắt người dùng là một loạt quảng cáo như: Dung dịch rửa tay diệt khuẩn, làm giảm 99,99% vi khuẩn ngay lập tức,...
Sản phẩm được chào bán rộng rãi trên facebook |
Dung dịch rửa tay diệt khuẩn Green Cross được bày bán trên kênh bán hàng điện tử |
Tìm hiểu của phóng viên, tại phiếu công bố mỹ phẩm số 187/19/CBMP-BD do Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Dung dịch rửa tay Green Cross là sản phẩm mỹ phẩm có công dụng là làm sạch tay, kháng khuẩn, khử mùi.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với ông Ngô Tùng Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Theo ông Châu, khi sản phẩm muốn ghi công dụng là “diệt khuẩn” phải đăng ký với Bộ Y tế, còn công bố mỹ phẩm chỉ được ghi làm sạch tay, dưỡng da, sạch khuẩn.
Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm do Sở Y tế tỉnh Bình Dương cấp phép cho Công ty TNHH Green Cross Việt Nam |
Trong khi đó, tại Văn bản số 777/MT-SKHC ngày 14/4/2020 của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế do đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng ký xác nhận: Công ty TNHH Green Cross Việt Nam đang tiến hành thủ tục đăng ký lưu hành mới chế phẩm rửa tay sát khuẩn do công ty sản xuất. Đối với các sản phẩm chưa đăng ký lưu hành, trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện sẽ áp dụng xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 71/2019/NĐ-CP ngày 30/09/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp
Có thể thấy, mặc dù đang xin cấp phép lưu hành mới chế phẩm của Bộ Y tế, nhưng Công ty TNHH Green Cross Việt Nam đã tự “vẽ” thêm công dụng cho sản phẩm Dung dịch rửa tay diệt khuẩn Green Cross rồi “tung” ra thị trường “qua mặt” Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trục lợi từ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế phúc đáp bằng văn bản liên quan đến sản phẩm của Công ty TNHH Green Cross Việt Nam |
Về vấn đề trên, Luật sư Trần Hậu - Công ty Luật FDVN cho biết thêm: “Đối với chế phẩm diệt khuẩn, cơ quan Nhà nước thực hiện khâu kiểm tra ngay từ khi chế phẩm chưa ra lưu thông thị trường và chế phẩm chỉ được phép lưu thông khi đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, số đăng ký lưu hành cho cơ quan có thẩm quyền cấp.Tại Khoản 5 Điều 38 Nghị định 71/2019/NĐ-CP, ngày 30/8/2019 có quy định, đối với các hành vi sản xuất chế phẩm diệt khuẩn chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam sẽ bị xử lý như hoạt động buôn bán hàng giả.”
“Ngoài ra nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì cả người có hành vi phạm tội hoặc pháp nhân thương mại đều có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.”
Như vậy, pháp luật đã có quy định rất rõ về sự khác nhau trong điều kiện lưu thông tin mỹ phẩm có công dụng diệt khuẩn và chế phẩm diệt khuẩn cũng như chế tài xử lý cả về hành chính và truy cứu hình sự cho những hành vi vi phạm trong quá trình công bố sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường. Các quy định này được xây dựng dựa trên mục đích chính, công dụng của mỹ phẩm và chế phẩm diệt khuẩn là khác nhau, do vậy người tiêu dùng, theo nhu cầu của mình cần tỉnh táo lựa chọn các sản phẩm phù hợp đồng thời có hoạt động tự tra cứu tính năng, công dụng sản phẩm để tự bảo vệ mình trước thị trường các sản phẩm còn chưa phân biệt rõ ràng.
Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
Lê Hoàng