Nhiều chuyên gia cho rằng, phim ảnh bạo lực khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân... đã tác động đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở cả trẻ em và người lớn. Hơn nữa, các bậc cha mẹ chưa quan tâm đúng mức đến con cái, chưa phân loại đối tượng để phòng ngừa nên “yêu râu xanh” dễ dàng lợi dụng... Đó là một trong những nguyên nhân khiến con trẻ phải mang “vết sẹo" tâm hồn suốt phần đời còn lại.
Ẩn họa từ những người tưởng như vô hại
Có lẽ, không phải đến bây giờ các chuyên gia mới lên tiếng cảnh báo về việc lạm dụng tình dục trẻ em ngày một gia tăng. Cách đây vài tháng, dư luận đang vô cùng phẫn nộ, bức xúc trước nghi án 2 chị em ruột bị 2 người đàn ông thân thiết với gia đình hiếp dâm tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội. Sự việc đã diễn ra trong thời gian khá lâu và một cháu bé đã có thai 5 tháng. Hay mới đây, vụ án hiếp dâm tại Chương Mỹ đã có hồi kết khi kẻ cưỡng bức bé gái 10 tuổi bị phạt tù chung thân.
Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa của những vụ hiếp dâm này ít người nhắc đến và cha mẹ dường như không đề phòng. Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, TS Xã hội học Thân Trung Dũng – Giám đốc trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức (ITCD) cho rằng, sau mỗi vụ hiếp dâm trẻ em chúng ta đều rút ra được những nguyên nhân sâu xa. Đầu tiên là nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng xã hội nói chung về vấn đề này còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em vẫn tồn tại những điểm hạn chế. Tiếp đến là kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em chưa được rộng rãi, thường xuyên; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được kiện toàn một bước về tổ chức tuy nhiên còn chưa ổn định và thực sự yên tâm công tác do chế độ đãi ngộ chưa hợp lý.
TS Xã hội học Thân Trung Dũng. |
Bên cạnh đó, những rạn vỡ trong mối quan hệ gia đình và sự xói mòn những giá trị truyền thống trong xã hội; ảnh hưởng của lối sống thực dụng và những văn hóa phẩm đồi trụy. Tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự du nhập của lối sống thực dụng từ các nước phương Tây, cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ xâm hại trẻ em.
Cũng theo TS Xã hội học Thân Trung Dũng, hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu cụ thể, thiếu văn bản hướng dẫn gây khó khăn cho viện điều tra, xét xử. Luật pháp Việt Nam chưa định nghĩa khái niệm “xâm hại tình dục trẻ em” và khái niệm này do đó được sử dụng không thống nhất trong các luật và quy định khác nhau. Chính sự không rõ ràng, thống nhất cho nên một số trường hợp tội phạm xâm hại tình dục đã lợi dụng để giảm nhẹ tội của mình bằng việc lựa chọn những thuật ngữ có tính chất giảm nhẹ như “nựng”.
Hơn nữa, việc nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ ngày càng dễ bị lạm dụng tình dục. Đặc biệt hơn nữa, cha mẹ thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính, tình dục, các kiến thức, kỹ năng phòng chống lạm dụng tình dục với trẻ em. Từ đó, dẫn tới trẻ em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý, giới tính lứa tuổi, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.
Cùng chia sẻ với PV, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: “Từ những vụ xâm hại tình dục chúng ta cũng phải đặt ra dấu hỏi lớn: Phải chăng, chính sự tin tưởng, lơ là của người lớn khiến con trẻ phải chịu tủi nhục? Tại sao họ không nghĩ rằng “yêu râu xanh” lại là hàng xóm thân thiết? Theo như số liệu tổng kết gần đây nhất thì 70% người hiếp dâm trẻ em đều là những người thân quen. Có thể là hàng xóm, anh em, bạn bè... thường xuyên qua lại gia đình chơi hoặc có mối thâm tình với bố mẹ các cháu. Chúng ta thử đặt tình huống đối với những “yêu râu xanh” lần đầu gặp mặt liệu đứa bé có để đụng vào người dễ dàng không? Chắc chắn là không”.
Cha mẹ là người chữa lành “vết sẹo” cho con
Từ những sự việc đau lòng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, bà Ninh Thị Hồng cho hay, khi phát hiện con trẻ bị xâm hại tình dục thì gia đình hoặc người thân quen cần trình báo cơ quan chức năng để xử lý thì nên có những biện pháp tâm lý để giúp em bé ổn định lại và bắt đầu có cuộc sống mới. Bởi, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập được với xã hội. Thậm chí, nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý. Nhiều em sau này lớn lên sẽ mất niềm tin vào tương lai, xấu hổ khi bị hỏi về quá khứ.
Khi đặt câu hỏi cha mẹ nên làm gì khi con bị xâm hại tình dục để chữa lành “vết sẹo” cho con? TS Xã hội học Thân Trung Dũng bày tỏ: “Khi con bị xâm hại tình dục, lời khuyên cho các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và xử trí và thực hiện những việc làm cụ thể. Người lớn phải kiềm chế cảm xúc đau đớn, giận dữ của mình để trấn an trẻ, tuyệt đối không đánh mắng trẻ vì bị xâm hại không bao giờ là lỗi của trẻ. Hãy chia sẻ cảm xúc, công nhận con đã trải qua tình cảnh khó khăn và cho con biết cha mẹ luôn ở bên con giúp đỡ con, chăm sóc con. Hãy lắng nghe những ngôn ngữ bằng lời và không lời của trẻ. Đặc biệt trẻ khó nói ra trẻ đang cảm thấy như thế nào mà trẻ sẽ bộc lộ những cảm xúc của mình qua hành vi. Phụ huynh cần cách ly trẻ với kẻ lạm dụng trẻ, sự an toàn cho con cần được quan tâm hàng đầu. Hỗ trợ tâm lý cho con là việc quan trọng cần làm ngay. Nếu cần, gia đình hãy tìm đến các chuyên viên tham vấn tâm lý để cả trẻ và cha mẹ được hỗ trợ tâm lý.
Lưu giữ những vật chứng liên quan vụ xâm hại tình dục như quần áo, ga trải giường, quà tặng, thư tay, tin nhắn,... khi phát hiện ra sự việc. Trò chuyện với trẻ, ghi nhận lại những tâm sự ban đầu của trẻ, phụ huynh cần ghi âm lại để sau này có tư liệu làm việc với các cơ quan chức năng, tránh cho con phải kể đi kể lại nhiều lần gây tổn thương cho trẻ. Cần đưa con đến cơ quan công an nơi gần nhất để tố cáo và yêu cầu thực hiện các quy trình giám định pháp y. Phụ huynh cần kiểm tra sức khỏe cho con càng sớm càng tốt nhằm phát hiện và điều trị các chấn thương về thể chất.
Nếu trẻ có các dấu hiệu tâm lý bất ổn, cha mẹ cần đưa con đến các trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý dành cho trẻ em; liên hệ với giáo viên, nhà trường giúp con tiếp tục đi học và ngăn sự chế nhạo từ bạn bè hay ai đó ở trường (nếu vụ việc bị nhiều người biết). Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích, động viên, thể hiện sự yêu thương và dành nhiều thời gian riêng cho trẻ. Cha mẹ tạo những dịp vui chơi để trẻ chơi cùng cả gia đình, chia sẻ niềm vui giúp cả cha mẹ và trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong suốt hành trình tiến hành các biện pháp xử lý nói trên, cha mẹ hạn chế tối đa việc chia sẻ thông tin chuyện trẻ bị xâm hại cho những người không liên quan.