Nắm bắt tâm lý dưỡng da, làm đẹp của chị em hướng tới các nguyên liệu từ thiên nhiên, thị trường quảng cáo nhiều dịch vụ, sản phẩm làm đẹp bằng nọc ong, với đủ loại công dụng “thần kỳ” tốt cho da. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chưa có một công trình nghiên cứu, kiểm nghiệm lâm sàng chính thức nào tuyên bố kết quả về khả năng dưỡng da của nọc ong.
Chưa được chứng minh bằng các nghiên cứu y khoa
Trong thời gian gần đây, thị trường mỹ phẩm từng quảng cáo rầm rộ sản phẩm mỹ phẩm mặt nạ dưỡng da từ nọc ong (bee venom) Newzeeland, mặt nạ nọc ong xuất xứ Hàn Quốc, giá khoảng 10.000đ/miếng đến 16.500đ/miếng.
Tại cơ sở thẩm mỹ B.G trên đường 3/2 (Q.10, TPHCM) còn gửi tin quảng cáo tới nhiều số thuê bao di động “giảm 50% dịch vụ trẻ hóa 5-10 tuổi từ nọc ong manuka…”. Nhân viên tư vấn chăm sóc da của trung tâm này cho hay: “Nọc ong manuka là nọc ong rừng, hàng của Úc, liệu trình chạy tinh chất nọc ong trên da + chiếu đèn + đắp mặt nạ nọc ong, chỉ 3-5 lần là da được trẻ hóa 5-10 tuổi. Chị em mua kèm mỹ phẩm nọc ong dưỡng da, giá 1.989.000đ/50ml”… Hiện loại sản phẩm mỹ phẩm này dần chuyển sang bán dạng nguyên liệu chưa thành phẩm, giới thiệu là hàng nhập tại Hàn Quốc, bán ở một số cơ sở gia công mỹ phẩm và nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm.
PV cũng liên hệ tới công ty TNHH H.L (Q.Tân Bình, TPHCM), nhân viên kinh doanh tên T. chào hàng: “Công ty em bán nọc ong nguyên liệu. Giá bán lẻ 700.000đ/100gam, giá sỉ 5.000.000đ/kg. Riêng thành phẩm nọc ong trong kem trị mụn, dưỡng da, nếu khách có nhu cầu thì đặt hàng, công ty sẽ sản xuất”.
Nhân viên bán hàng tên D. một công ty Hóa mỹ phẩm trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TPHCM) thì quảng cáo: Khách có nhu cầu mua nọc ong thành phẩm đã gia công dạng serum trị mụn, nguyên liệu nọc ong được pha trộn với một số hoạt chất có tác dụng trị mụn khác, giá 2,5 triệu đồng/kg, đựng trong can, mua về khách tự chế sang chai, lọ. Khách có thể mua riêng nguyên liệu nọc ong về tự pha chế để trị mụn, dưỡng da, giá 4,3 triệu đồng/kg…
Một loại mặt nạ nọc ong quảng cáo có tác dụng dưỡng da bán tại thị trường TPHCM |
Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên Đại học Y dược TPHCM, việc đưa nọc ong vào mỹ phẩm chăm sóc da làm đẹp cho chị em chưa được chứng minh bằng các nghiên cứu y khoa.
TS Nguyễn Quang Tấn, bộ môn Sinh học, trường ĐH Nông Lâm, TPHCM cũng cho hay, nọc ong (bee venom) không được công bố trong các nghiên cứu khoa học trên thế giới. Trung Quốc, Hàn Quốc khai thác nọc ong bằng cách cho ong chích trực tiếp lên cơ thể, chữa trị trong một số bệnh như viêm khớp, thấp khớp, tê chân tay… Việt Nam cũng thực hiện, nhưng không được tùy tiện. Ở nhiều nước Âu Mỹ thu hoạch nọc ong còn bằng cách, cho nhiều ong bám lên một dụng cụ (tấm kính) rồi kích thích chúng bởi một dòng điện nhẹ. Theo phản xạ, ong sẽ chích và tiết nọc độc lên tấm kính, sau đó người ta thu hoạch nọc. Việt Nam chưa có cơ sở nào có thể thu nọc ong.
Cơ sở thẩm mỹ B.G trên đường 3/2 (TPHCM) chào mời dưỡng da bằng nọc ong qua tin nhắn trên điện thoại |
Cẩn thận chứa độc chất corticoid!
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, bản chất nọc ong là một chất độc, không thể đem áp dụng một cách đại trà như vậy được. Những mỹ phẩm lạ chào bán không chính quy, cần các tài liệu có ý kiến bác sỹ, chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đặc biệt là có kiểm định lâm sàng cụ thể. Hiện nay, nhiều loại mỹ phẩm trôi nổi chứa thành phần corticoid làm da mọng và trắng nhanh do giữ nước, khiến người tiêu dùng dễ nhầm tưởng mỹ phẩm đó tốt bởi những thành phần như quảng cáo. Tác hại của corticoid làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên da dễ bị nhiễm trùng lan rộng, suy giảm và mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây teo da, mỏng, chảy nhão da….
Các chuyên gia y dược học cho rằng, nọc ong vốn được xem là một loại độc dược, một người không may bị ong đốt có thể sẽ gặp phải các hiện tượng như sưng tấy, đau buốt, nặng hơn có thể là ngộ độc, từ vong… Trong đông y cũng có nghiên cứu cho thấy tác dụng chữa bệnh của nọc ong như dùng làm các dạng cao xoa giảm đau, chữa viêm khớp, cho ong đốt trực tiếp vào các huyệt tương ứng trên cơ thể... nhưng rất hiếm, và tất cả các ứng dụng trên đều phải có sự tư vấn chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, việc sử dụng thành phần nọc ong vào dưỡng da phải có kiểm nghiệm lâm sàng trên từng loại da.
TS Nguyễn Quang Tấn, trường ĐH Nông lâm TPHCM Một con ong thợ chỉ có khoảng 100 – 300 microgam nọc (1microgam = 1/1000 miligam), nên việc chích lấy nọc ong không đơn giản từ kỹ thuật lấy nọc tới khâu bảo quản, vì thế giá của nọc ong rất đắt. Trong các sản phẩm của ong, sữa ong chúa và mật ong mới có tác dụng dưỡng da. |
Hương Nguyên