(ĐSPL) - Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vừa phát hiện một cơ sở sử dụng khí đá để làm chín chuối và sử dụng thuốc trừ cỏ CO 2,4D hòa với nước làm cứng trái. Chất diệt cỏ thường có lẫn dioxin, cực độc với người tiêu dùng.
Ngày 29/10, Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương cho biết đã tiến hành tiêu hủy 200kg chuối có sử dụng thuốc trừ cỏ CO 2,4D làm cứng trái của vựa chuối do ông Vũ Xuân Tiến làm chủ tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa cung cấp được giấy phép kinh doanh, chưa có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của chuối. Ngoài ra, cơ sở còn sử dụng khí đá để làm chín chuối và sử dụng thuốc trừ cỏ CO 2,4D hòa với nước làm cứng trái. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản xử phạt 6,4 triệu đồng, yêu cầu chủ cơ sở tiêu hủy số chuối đã sử dụng hóa chất cũng như nghiêm cấm việc tái sử dụng các loại hóa chất trên.
Trước đó, Chi cục Bảo vệ thực vật đã thành lập đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất, buôn bán, sử dụng hóa chất bảo quản nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp. Theo đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh và phát hiện cơ sở của ông Tiến vi phạm.
“Trái cây sau khi được nhúng vào dung dịch CO 2,4D các vi sinh vật bám vào sẽ bị chết ngay nên giữ được vẻ tươi đẹp rất lâu. Đây là loại hóa chất độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng”, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương khẳng định.
TS. Nguyễn Văn Khải - Trung tâm Phát triển công nghệ cao - Viện Khoa học vật liệu Việt Nam chia sẻ, nhiều lần tận mắt chứng kiến người dân sử dụng chất 2,4D - chất diệt cỏ để tẩm ướp củ quả cho tươi lâu. TS. Khải cho biết, chất này nếu sử dụng liều lượng thấp sẽ trở thành chất kích thích cực mạnh làm cho củ quả tăng kích thước bất thường, làm chậm quá trình lão hoá, giúp hoa quả tươi lâu, giữ được màu sắc. Và bây giờ lại thấy chuyện người ta dùng Ethre dấm quả chín sau một đêm. TS. Khải quả quyết: "Chỉ cần pha hóa chất với nước rồi phun hoặc ngâm lên trái cây bảo đảm 2 tháng vẫn tươi roi rói..."
Nếu dùng hóa chất diệt cỏ để bảo quản, hoa quả sẽ tươi lâu hơn. Song chất diệt cỏ lại thường có lẫn dioxin, cực độc với người tiêu dùng. |
Bảo quản hoa quả bằng chất diệt cỏ rất nguy hiểm
Thông tin trên báo VnExpress, về nguyên tắc, các chất diệt cỏ như 2,4 D, diuron, 2,4,5-T... có tác dụng ức chế hô hấp của hoa quả, làm chúng chín chậm lại. Vì thế nếu dùng chúng để bảo quản, hoa quả sẽ tươi lâu hơn. Song chất diệt cỏ lại thường có lẫn dioxin, cực độc với người tiêu dùng.
Tất cả các thuốc diệt cỏ đều có chung một tác dụng là ức chế hô hấp, gây rụng lá. Cũng do tác dụng ức chế hô hấp, chất diệt cỏ làm chậm lại quá trình chín của hoa quả, giữ chúng tươi lâu.
Do vậy, một số nơi đã tuỳ tiện sử dụng chúng vào bảo quản hoa quả. Quy trình bảo quản là pha thuốc diệt cỏ vào chậu với một lượng nước nhất định, đổ từng mẻ hoa quả vào, vớt ra để se, rồi bọc vào nilon mang đi bán.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, chuyên gia về dung dịch điện hoá, người từng thực hiện nhiều chương trình bảo quản hoa quả cho nông dân với biệt danh "Ông già ozon", khi các chất diệt cỏ khô đi và kết tinh lại, chúng chui vào các tế bào lục lạp trong quả và đóng chặt ở đó. Nước thông thường không thể hoà tan được. Ngoài ra, việc bọc quả trong nilon khiến cho các chất diệt cỏ không bay hơi, mà ngấm vào vỏ rồi khuyếch tán vào ruột quả. Quả càng mọng nước, vỏ càng mỏng, quá trình khuyếch tán càng nhanh và thời gian để càng lâu, nồng độ trong ruột càng tăng cao (cho đến khi nồng độ ở vỏ và ruột bằng nhau).
Tiến sĩ Nguyễn Bá Trinh, Viện Hoá học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, bản thân các chất diệt cỏ như 2,4 D, diuron, 2,4,5-T cũng gây hại lên người, nhưng không mạnh lắm. Điều đáng nói là quá trình sản xuất chúng đã tạo ra một lượng rất nhỏ sản phẩm phụ dioxin, có hoạt độc cực mạnh, không thể tinh chế sạch được. Theo đường máu hay mồ hôi, chất này đi vào cơ thể và kích thích cơ thể sản sinh ra chất tiếp nhận, giúp đưa dioxin vào trong tế bào. Khi đã vào đến tế bào, dioxin sẽ bị các men đặc biệt chuyển hoá thành một dạng chất thứ cấp có hoạt tính. Chúng tác động lên ADN và làm sai lệch nó, gây ra những dị thường về tính trạng như méo miệng, mù mắt, tật nguyền...
Với những sản phẩm này, không chỉ có người ngâm tẩm và người trực tiếp ăn là nhiễm độc, những người bán trung gian cũng bị ảnh hưởng trực tiếp, do khi đóng mở gói bọc, hơi độc xông lên.
Tiến sĩ Khải đề xuất một giải pháp cho những loại hoa quả bị ngâm tẩm thuốc diệt cỏ hiện nay là rửa bằng nước ozon - một kỹ thuật đã được Pháp đề xuất từ lâu. Ông cho biết, ozon thuộc số những chất ôxi hoá mạnh nhất, có thể phá huỷ nhiều chất hữu cơ, thậm chí với cả những nhóm độc hại như 2,4 D và 2,4,5-T. Điều đáng nói là chất này rất không bền, có khả năng phân huỷ nhanh chóng thành oxi, vì thế không gây độc cho người. Chỉ cần ngâm hoa quả bằng nước ozon ở hàm lượng cực nhỏ (tương đương với 3\% của 5/1.000) trong thời gian nửa tiếng đến một giờ, rồi phơi khô một thời gian là an toàn. Kết quả kiểm định với mẫu hoa quả nhiễm thuốc trừ sâu của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tây đo tại Cục bảo vệ thực vật và cam ngâm thuốc diệt cỏ đo tại Viện cây ăn quả và Viện Công nghệ Sinh học, đã cho thấy, hàm lượng các chất này đều trở lại mức tự nhiên, trong giới hạn cho phép.
Ngoài ra, cũng theo ông Khải, do tác dụng diệt khuẩn, mốc rất mạnh, nên ozon cũng có tác dụng bảo quản hoa quả tươi lâu. Hiện tại, ông đã áp dụng kỹ thuật bảo quản trên cho thanh long, bưởi, mận, vải... tại Hà Giang, Lao Cai, Vĩnh Long, Lục Ngạn, Lâm Đồng, Cà Mau và một số tỉnh khác.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trinh, cần có những kiểm định sâu hơn về phương pháp này, bởi ozon oxi hoá rất mạnh, nên có thể phá huỷ tế bào, và nếu đi vào cơ thể người, nó có thể gây biến đổi ADN.
Phân biệt hoa quả có ngâm tẩm chất diệt cỏ: - Không có cuống hoặc cuống giả (do chất diệt cỏ phá huỷ phần này trước tiên). - Cuống trắng khô cứng (đã để quá lâu ngày). - Bóng đẹp khác thường |
Ngọc Anh (Tổng hợp)