Tỏi có nhiều tác dụng cho cơ thể từ phòng bệnh tới hỗ trợ điều trị. Trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrates, 150g calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho… Tác dụng cơ bản của tỏi chủ yếu đến từ Allicin. Tỏi tươi không có allicin tự do, chỉ có tiền chất của nó là alliin. Khi được băm nhuyễn, enzyme trong tỏi bị kích hoạt sẽ kích thích Allicin.
Tỏi là một phương thuốc tự nhiên để tăng cường hệ miễn dịch. Thường xuyên dùng tỏi giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường tới 63%. Nó cũng rất hữu ích trong điều trị nhiễm trùng tai và nhiễm khuẩn tụ cầu. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây nên hạn chế ăn tỏi để tránh gặp nguy hiểm cho sức khỏe.
Những ai không nên ăn tỏi
Đang uống thuốc chống đông máu
Tỏi có đặc tính chống đông tự nhiên và được coi là tốt nhất để điều trị các vấn đề về lưu thông. Nhưng nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo không nên ăn tỏi khi đang dùng thuốc này vì nó có thể dẫn đến chảy máu nhiều.
Uống thuốc theo toa
Nếu bạn đang uống các loại thuốc theo toa, không nên ăn tỏi mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Có bệnh về mắt
Thành phần của tỏi dễ gây kích thích màng nhầy và mô kết mạc của mắt, do đó người có bệnh về mắt nên hạn chế ăn tỏi.
Có tiền sử bệnh gan
Với người mắc bệnh gan (nhất là trường hợp nóng gan), việc ăn tỏi sẽ càng gây nóng, gây kích thích mạnh đến gan, về lâu dài dẫn tới nhiều tổn thương gan. Vì vậy, nếu ai cho rằng khi đã mắc bệnh gan cần kiên trì ăn tỏi hằng ngày để chống bệnh thì hãy nghĩ lại.
Thường xuyên bị tiêu chảy
Khi đang mắc tả hoặc đang tiêu chảy nhiều, việc ăn nhiều tỏi sẽ khiến chất allicin kích thích thành ruột, có thể dẫn tới tình trạng nghẽn mạch máu, phù nề, hậu quả là bệnh tình trở nặng hoặc xảy ra biến chứng.
Thai phụ
Ăn một ít tỏi khi mang thai thì không sao nhưng không nên xem nó như một phương thuốc chữa bệnh trong khi đang mang thai.
Người huyết áp thấp
Nếu huyết áp ở mức bình thường hoặc thấp, không nên ăn tỏi, vì nó có thể gây ra các biến chứng sức khỏe. Tỏi cũng có thể làm hạ thấp huyết áp.
Những sai lầm khi ăn tỏi
Ăn tỏi sống khi đói
Các bác sĩ khuyên tuyệt đối không ăn tỏi sống khi đang đói bụng vì nó sẽ kích thích dạ dày, có thể gây viêm loét dạ dày, tác động xấu đến hệ tiêu hóa.
Ăn tỏi quá nhiều
Tỏi cay, nóng, nếu ăn quá nhiều có thể làm mất cân bằng trong môi trường dạ dày, dẫn tới chứng chán ăn, mệt mỏi, giảm cân, thậm chí còn ảnh hưởng tới thận. Mỗi ngày chỉ nên dùng không quá 10 gr tỏi.
Những món ăn kỵ với tỏi
Thịt gà
Thịt gà là loại thực phẩm có tính ấm (ôn), tính ngọt (cam), vì vậy khi kết hợp với tỏi là tính đại nhiệt (nóng) sẽ khiến món ăn trở nên nóng, khó tiêu và dễ sinh ra táo bón, kiết lị. Nếu bạn bị táo bón vì đã ăn gà với tỏi, để mau khỏi, bạn có thể nấu nước lá dâu uống.
Cá trắm
Cá trắm cũng là một trong những thực phẩm kỵ với tỏi, vì vậy bạn không nên dùng tỏi kết hợp với cá trắm. Mặc dù cá trắm là thực phẩm bổ dưỡng, rất ngon, thịt chắc song trong quá trình chế biến, bạn chỉ nên ướp cá trắm với thì là và gừng, mà không nên sử dụng tỏi. Vì cá trắm có tính bình, vị ngọt không phù hợp với tỏi, nếu cho tỏi (tính nóng) vào dễ gây chướng bụng và khó tiêu.
Cá diếc
Đây là món ăn rất hấp dẫn khi kho mặn, chiên giòn, nấu canh chua,… Thực phẩm này có tác dụng thông huyết mạch, bổ thể nhược, bổ âm huyết, ích khí tiện tì, thanh nhiệt giải độc, thông mạch hạ sữa, lợi tiểu tiêu sưng, khử phong thấp, tốt cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn không nên nấu cá diếc với tỏi, vì chúng kiêng kỵ lẫn nhau. Nếu ăn chung cá diếc và tỏi có thể làm tăng co giật đường tiêu hóa.
Trứng
Theo Đông y, ăn trứng cùng với tỏi có thể gây khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi. Khi tỏi được chiên quá cháy sém cũng sẽ không tốt.
Ngoài ra, còn một số món sau cũng kỵ với tỏi như: Tỏi ăn với các loại thịt như thịt dê, thịt gà, thịt chó thường sinh nhiệt, gây nóng, chướng bụng, khó tiêu,… Tỏi ăn chung với mật ong dễ dẫn đến tiêu chảy Tỏi không nên kết hợp với các loại thuốc bổ hoặc dùng với hà thủ ô, đan bì (mẫu đơn bì), địa hoàng,…
Như Quỳnh (T/h)