Theo hãng tin RT, sau cuộc họp với chính phủ các nước chính phủ Lithuania, Latvia và Estonia diễn ra hôm 6/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tiền lãi thu được từ các tài sản bị Liên minh châu Âu (EU) đóng băng của Nga nên được dùng để mua vũ khí cho Ukraine.
“Điều quan trọng là chúng tôi cũng đồng ý rằng số tiền này có thể được sử dụng để mua vũ khí không chỉ ở EU mà còn trên toàn thế giới”, ông Scholz nói khi bình luận về kế hoạch sử dụng tiền lãi từ khối tài sản bị đóng băng của Nga ở châu Âu.
Ông Scholz bày tỏ sự tán thành với đề xuất về cách phân bổ số tiền này của ủy viên chính sách đối ngoại EU Josep Borrell. Theo đó, khoảng 90% tiền lãi sẽ được chi cho việc trang bị thêm vũ khí của Ukraine thông qua chương trình “Cơ sở Hòa bình Châu Âu”. Trong khi đó, phần còn lại sẽ được phân bổ cho ngân sách EU để hỗ trợ ngành công nghiệp quân sự của Ukraine.
Ông Scholz nói thêm rằng Đức và ba quốc gia vùng Baltic muốn thấy hoạt động sản xuất vũ khí ở EU được đẩy mạnh. EU cũng như Mỹ thời gian gần đây phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầu về vũ khí và đạn dược của Ukraine khi cuộc xung đột với Nga tiếp tục kéo dài và dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao.
Mỹ cùng các đồng minh cũng đã cam kết viện trợ 200 tỷ USD quân sự và tài chính cho Ukraine trong hai năm qua đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc xung đột này phải là một “thất bại chiến lược” đối với Nga.
Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga thành nguồn tài trợ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột. Mỹ và Canada đã ủng hộ lời kêu gọi này nhưng EU vẫn tỏ ra hoài nghi.
Mỹ và các đồng minh đã tịch thu khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga sau khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào tháng 2/2022. Khoảng 70% tổng số tài sản này được nắm giữ bởi Euroclear - cơ quan lưu ký chứng khoán trung tâm EU có trụ sở tại Bỉ.
Những tài sản này đã tạo ra số tiền lãi ước tính lên tới khoảng 4,4 tỷ euro (4,7 tỷ USD) chỉ trong năm 2023. Trong khi đó, Nga tố cáo việc đóng băng tài sản của phương Tây là “hành vi trộm cắp” và cảnh báo sẽ có phản ứng tương ứng đối với tài sản của các cá nhân cũng như công ty có trụ sở tại châu Âu trong phạm vi quyền tài phán của mình.
Theo RT