Theo thông tin mới nhất từ Tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Đức - Rheinmetall, việc bàn giao máy bay không người lái (UAV) thế hệ mới - Luna NG cho Ukraine dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Gói cung cấp bao gồm một trạm kiểm soát mặt đất, các UAV, máy phóng và các phương tiện quân sự. Hệ thống máy bay không người lái này có thể sử dụng để do thám, thiết lập mạng LTE và thậm chí chặn hoặc làm gián đoạn liên lạc.
Trước đó, Quân đội Ukraine đã từng sử dụng UAV Luna phiên bản cũ. Phiên bản mới được giới thiệu là một hệ thống máy bay không người lái hoàn toàn mới, vượt trội so với phiên bản cũ trong tất cả các khía cạnh hoạt động quan trọng.
Luna NG là phiên bản nâng cấp của UAV Luna X-2000, được phát triển từ những năm 2010 nhằm thay thế các loại UAV đời cũ trong biên chế lục quân Đức. Nó được gọi là “siêu UAV” vì có khả năng “nhìn và nghe”, đồng thời vượt qua các mẫu UAV đời cũ của Đức trên tất cả đặc tính quan trọng.
UAV Luna NG được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra và giám sát trong môi trường đầy thách thức. Điểm nổi bật của UAV này là chất lượng cao và có các thiết bị trên không đáng tin cậy, linh hoạt và hiệu suất cao. Luna NG phù hợp để sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Luna NG có sải cánh 5,3 m, trọng lượng cất cánh tối đa 100 kg, bay với tốc độ 80-150 km/h, tầm hoạt động 150 km, có thể hoạt động 12 tiếng liên tục, đạt trần bay tối đa 5.000 m.
UAV này có cấu trúc thân máy bay siêu nhẹ nhưng có độ ổn định cao, được làm bằng nhựa gia cố sợi carbon. Thiết kế này cho phép máy bay không người lái hoạt động trong mọi điều kiện thời gian và thời tiết.
Điều đáng chú ý là trong quá trình bay, Luna NG phát tín hiệu âm thanh, nhiệt và radar ở mức tối thiểu.
Nhà phát triển đảm bảo rằng những người điều khiển có thể nhanh chóng làm quen với UAV Luna NG thông qua một thời gian đào tạo ngắn. Việc tự động hóa rộng rãi các hoạt động của UAV và phần mềm tích hợp để lập kế hoạch nhiệm vụ và phân tích dữ liệu góp phần tạo nên sự thân thiện với người vận hành.
Luna NG không phải là khí tài duy nhất Rheinmetall sắp giao cho Kiev. Hồi tháng 7, Giám đốc điều hành Rheinmetall - ông Armin Papperger tuyên bố sẽ khánh thành tại Ukraine cơ sở sửa chữa xe tăng Leopard 2 và các khí tài quân sự được Berlin viện trợ cho Kiev vào cuối mùa hè 2023.
Hồi tháng 3/2023, Rheinmetall cũng thông báo sẵn sàng đầu tư 200 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất và sửa chữa trên đất Ukraine.
Sau đó, hàng loạt quan chức Nga, trong đó có Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Dmitry Medvedev và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đã lên tiếng cảnh báo những cơ sở trên sẽ là mục tiêu tấn công chính của Moscow.
Tuy nhiên, ông Papperger vẫn tự tin rằng quân đội Kiev có "đủ khả năng để bảo vệ các mục tiêu nhạy cảm khỏi những cuộc tấn công". Do đó, công ty của ông "sẽ không ngừng giúp đỡ" Ukraine.
Đức hiện là quốc gia viện trợ quân sự nhiều thứ ba cho Ukraine với số tiền hơn 11 tỷ USD. Đức đã chuyển cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, trong đó có xe tăng chủ lực Leopard 2, thiết giáp Marder, tổ hợp phòng không Patriot và Iris-T, pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard cùng nhiều loại đạn dược. |
Mộc Miên (Theo Eurasiantimes)