Mới đây, trong hội thảo truyền thông về một số loại vắc xin mới sẽ triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018 do bộ Y tế tổ chức tại phía Nam, bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã chia sẻ những kiến thức bà mẹ cần biết khi đưa con đi tiêm chủng.
Các phản ứng sau tiêm chủng thường gặp
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh cho biết, với trẻ nhỏ, tiêm chủng là một điều rất quan trọng, giúp trẻ phòng ngừa được nhiều bệnh về sau. Phụ huynh cần nắm được kiến thức cơ bản về tiêm chủng để đưa trẻ đi tiêm ngừa.
Theo bác sĩ Khanh, tác dụng của vắc xin là kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm chủng để tạo ra miễn dịch phòng bệnh chủ động. Thành phần chính trong vắc xin là kháng nguyên và các thành phần khác như tá dược để tăng cường mức độ hoặc thời gian đáp ứng miễn dịch; khánh sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn... Tất cả có thể gây phản ứng nếu cá thể dị ứng với những thành phần trên.
Sau tiêm chủng, thường xuất hiện 5 loại phản ứng bất lợi. Đó là phản ứng do bản chất vắc xin, phản ứng do chất lượng vắc xin, phản ứng do lỗi tiêm chủng, phản ứng do tâm lý, phản ứng do lỗi ngẫu nhiên. Không chỉ ở Việt Nam, mà các nước trên thế giới đều phải đối đầu với những sự kiện không có lợi liên quan đến tiêm chủng.
Phụ huynh đưa trẻ đi chích ngừa tại Viện Pasteur (Ảnh: Lành Nguyễn).
Phản ứng vắc xin có thể được phân loại thành phản ứng thông thường (các biểu hiện như sốt, sưng, nóng đỏ) hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng (như phản ứng quá mẫn, dị ứng, phản ứng riêng của từng vắc xin). Hầu hết các phản ứng của vắc xin là nhẹ và tự khỏi, trường hợp tai biến nặng hiếm gặp.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, tại Việt Nam tai biến liên quan tiêm chủng do bệnh trùng hợp ngẫu nhiên là chủ yếu, gây khó khăn cho nhà quản lý, nhà tiêm chủng, người thực hành tiêm chủng. Từ đó ảnh hưởng tới sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông đại chúng về tiêm chủng. Bệnh trùng hợp ngẫu nhiên ở trẻ nhỏ như tim bẩm sinh, sặc sữa, nhiễm trùng huyết, đột tử, xuất huyết não…
Bà mẹ cần làm gì trước đưa con đi tiêm?
Theo bác sĩ Khanh, liên quan đến việc tiêm chủng cho trẻ, ông đã nghe nhiều bà mẹ nhờ tư vấn làm sao cho con giảm bớt sốt sau tiêm chủng. “Có bà mẹ hỏi tôi, để giảm bớt sốt cho trẻ sau tiêm, người mẹ có nên uống nước tía tô để mát sữa, từ đó trẻ bú sữa mẹ sẽ bớt sốt. Hoặc có người hỏi sau tiêm thì cho trẻ dán miếng dán hạ sốt, đắp khoai tây… Tuy nhiên những biện pháp đó không có hiệu quả”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Để phòng ngừa cho trẻ trước tiêm chủng, phụ huynh cần chuẩn bị hồ sơ, phiếu tiêm chủng, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Thông báo với cán bộ y tế tiền sử bệnh tật, tiền sử việc sử dụng thuốc của trẻ (nếu có), phản ứng sau tiêm chủng lần thứ nhất.
Sau tiêm chủng bà mẹ cần theo dõi trẻ từ 1-2 ngày. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Bà mẹ cần cho trẻ bú ăn đủ sữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú, ăn khi nằm. Đồng thời thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt vào ban đêm. Cần theo trẻ ở các dấu hiệu như tinh thần, trạng thái ăn ngủ, nhiệt độ, biểu hiện tại chỗ tiêm chủng có sưng đỏ gì không…
Trẻ em chích ngừa tại Viện Pasteur, ảnh Lành Nguyễn
Khi trẻ có dấu hiệu như sốt hơn 39 độ, khó hạ nhiệt, kéo dài hơn 24 giờ, quấy khóc, kích thức, vật vã, lừ đừ, khó thở, da nổi vân tím, chi lạnh, nôn trớ nhiều, co giật, phát ban… phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế.
Đặc biệt, các bà mẹ không tự ý sử dụng thuốc tại nhà, mà dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc lá cây, khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế. Dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Cần được nhân viên y tế tư vấn trước và sau khi xử lý tại nhà.
Lành Nguyễn/Nguoiduatin