Với sự thiếu thốn về nhân sự, tài chính cùng một nền bóng đá đang gặp nhiều khó khăn do chính trị bất ổn, Yemen đã vượt qua mọi nghịch cảnh để đặt chân tại Asian Cup 2019.
Tài xế taxi, shipper với niềm đam mê bóng đá
Giống như nhiều quốc gia khác cùng khu vực, tình hình bất ổn và bạo lực vẫn luôn thường trực đối với cuộc sống của người Yemen. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có tới 21 trong tổng số 27,5 triệu dân Yemen cần hỗ trợ nhân đạo. Nạn đói và dịch bệnh tràn lan, trong khi khắp nơi đều là đống đổ nát.
Mặc dù phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày, nhưng với niềm đam mê bóng đá, khát khao được cống hiến, các cầu thủ Yemen đã có mặt tại Asian Cup 2019. Mặc dù đây là lần đầu tiên đất nước tham dự giải bóng đá lớn nhất tại châu lục, nhưng do hoàn cảnh kinh tế, không có đài truyền hình nào của Yemen mua bản quyền phát sóng Asian Cup 2019.
Đội tuyển bóng đá Yemen. Ảnh: AFC. |
Nếu như các cầu thủ bóng đá khác được thường xuyên tập luyện, được đến phòng tập gym hàng ngày để rèn luyện thể lực, thì đối với các cầu thủ Yemen đó là điều xa sỉ, bởi lẽ họ không được cấp lương mà chỉ nhận một khoản tiền tượng trưng. Nếu muốn tập gym thì các cầu thủ phải tự bỏ tiền túi ra tập. Trong khi đó, hoàn cảnh của các cầu thủ lại rất khó khăn.
Được biết, các cầu thủ đội tuyển Yemen tham dự Asian Cup 2019 chỉ có 11 cầu thủ may mắn chơi bóng ở nước ngoài, còn các cầu thủ khác đều phải bươn chải để kiếm sống. Họ có thể chạy taxi, nhân viên giao hàng hay làm việc tại siêu thị. Ví dụ, một cầu thủ của câu lạc bộ Al Ahli Sanaa phải lái xe buýt 10 tiếng mỗi ngày với mức lương 6 USD
Ông Abraham Mebratu, cựu huấn luyện viên đội tuyển Yemen từng thừa nhận với The National: "Rất khó lựa chọn những cầu thủ sở hữu thể trạng và chiến thuật tốt".
"Bóng dưới chân, tên lửa bay trên đầu"
Do chính trị bất ổn, Yemen rơi vào khủng hoảng trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả thế thao nói chung và bóng đá nói riêng. Nhưng cầu thủ của Yemen không có thể lực và vóc dáng tốt cũng như không có cơ hội tập luyện nhiều.
Chia sẻ với DW News, ông Moctar Ammad Hassan, huấn luyện viên câu lạc bộ Al Tilal cho biết, trong tình cảnh bom đạn tàn phá vô số sân vận động và trung tâm thể thao, các cầu thủ Yemen chỉ tập bóng 3-4 lần mỗi tháng thông qua những trận giao hữu diễn ra trên một mảnh đất trống.
Trong một phóng sự về bóng đá của hãng tin BBC (Anh), các cầu thủ đội tuyển Yemen tham dự Asian Cup 2019 đang hăng say tập luyện khi những quả tên lửa bay ngang sân bóng.
[presscloud]7061[/presscloud]
Mặc dù khó khăn về mọi mặt, nhưng các cầu thủ Yemen đã vượt lên để đặt chân tới Asian Cup 2019. Trước trận đấu với tuyển Việt Nam tối ngày 16/1, huấn luyện viên của tuyển Yemen là Jan Kocian vẫn tỏ ra lạc quan và khẳng định các học trò "rất nhạy bén, tập trung".
"Chúng tôi biết mình là người ngoài cuộc nhưng trong bóng đá, một quốc gia nhỏ vẫn có thể mơ về chiến thắng lớn", huấn luyện viên Kocian nói.
Trong trận đấu tối muộn ngày 16/1, đội tuyển Việt Nam có thể thắng Yemen và có cơ hội bước vào vòng "knock out". Tuy nhiên, có lẽ dù thắng hay thua đối với các cầu thủ Yemen không quan trọng, quan trọng họ đã đến với Asian Cup 2019.
Đến với Asian Cup 2019 để khẳng định, Yemen là một đội bóng có tinh thần và nghị lực rất lớn. Để chứng minh, quốc gia của họ vẫn tồn tại, người dân của đất nước họ vẫn khao khát một cuộc sống hòa bình, tự do theo dõi bóng đá hay những môn thể thao khác.
Hoàng Yên (T/h)