(ĐSPL) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trước trụ sở Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh |
Chỉ xây tượng đài theo quy hoạch, không tràn lan
Theo dự thảo, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được xây dựng ở vị trí trang trọng, trung tâm, có chất lượng cao về kỹ thuật và mỹ thuật, thuận lợi cho nhân dân đến thưởng ngoạn và tưởng niệm.
Không xây dựng tràn lan, mỗi công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là điểm nhấn văn hóa, có ý nghĩa và giá trị sâu sắc với địa phương, vùng, miền và toàn quốc.
Dự thảo nêu rõ, chỉ xây dựng những công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có trong Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Trường hợp các dự án không có trong quy hoạch, dự án công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng ở nước ngoài phải được sự đồng ý của Ban bí thư Trung ương Đảng.
Mẫu phác thảo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được thực hiện theo đúng trình tự các bước quy định của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, phải được Hội đồng nghệ thuật thẩm định và thông qua các bước và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mẫu tượng đài trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp giấy phép xây dựng và triển khai thi công.
4 tiêu chí xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Về tiêu chí xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, dự thảo nêu rõ 4 tiêu chí cụ thể:
1- Tiêu chí về nội dung: Tôn vinh, ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác; thể hiện tình cảm của Bác với nhân dân và nhân dân đối với Bác.
2- Tiêu chí xác định địa phương xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chi Minh: Địa phương gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác; có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; địa phương là quê hương, nơi Bác đã sống, học tập, địa phương Bác đến thăm và làm việc.
3- Tiêu chí về nghệ thuật: Có giá trị thẩm mỹ cao, ngôn ngữ điêu khắc sáng tạo, kết hợp dân tộc và hiện đại, khắc hoạ được tâm hồn, tình cảm, tư tưởng của Người; có sự gắn kết hài hoà giữa nghệ thuật điêu khắc và không gian cảnh quan kiến trúc; có không gian, quảng trường trang trọng hài hòa với cảnh quan xung quanh, tạo điểm nhấn, gây ấn tượng thẩm mỹ cao.
4- Tiêu chí về chất liệu: Chất liệu bền vững, công nghệ thể hiện đạt chất lượng cao, phù hợp với không gian kiến trúc.
Theo dự thảo, các công trình tượng đài trong Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 được chia làm 2 nhóm:
Một là, công trình thuộc nhóm A, gồm các công trình tượng đài A1 và A2, có quy mô lớn, căn cứ vào vị trí, không gian, cảnh quan và môi trường kiến trúc cụ thể nơi xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để điều chỉnh kích thước tượng cho phù hợp, bảo đảm sự hài hòa, tính văn hóa và giá trị thẩm mỹ cao.
Hai là, công trình thuộc nhóm B, gồm các công trình tượng đài B1 và B2. Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc các nhóm B được xây dựng trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học.
14 địa phương được ưu tiên xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến năm 2014, có 31 công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng tại trung tâm chính trị, hành chính các địa phương có quy mô lớn; 101 công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên, cơ quan, đơn vị, trường học. |
Huy động vốn xây dựng từ nhiều nguồn
Về nguồn vốn đầu tư, dự thảo nêu rõ, có thể huy động xây dựng tượng đài từ nhiều nguồn vốn: Vốn ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương; vốn tự có của các Ngành và các tổ chức xã hội; các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Theo Chinhphu.vn
Video đang được quan tâm:
[mecloud]sXRmaFyHse[/mecloud]