+Aa-
    Zalo

    Dự án hàng chục tỉ phải tạm ngưng vì dân làng sợ đứt “long mạch"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng vào xây dựng con đường chạy từ huyện xuống xã, song dự án phải dừng hoạt động vì người dân lo sợ giếng cổ bị... lấp long mạch.

    (ĐSPL) - Khi được Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng vào xây dựng con đường chạy từ huyện xuống xã, lãnh đạo xã và người dân đã họp và nhất trí. Nhưng hiện tại, dự án đang phải ngừng thi công vì con đường đi qua chiếc giếng cổ gắn bó với người dân hàng trăm năm nay. Người dân nơi đây đang lo sợ nếu giếng cổ bị lấp sẽ bị đứt long mạch, dân làng sẽ xảy ra nhiều chuyện không hay.

    Giếng cổ nằm giữa đường

    Đó là chiếc giếng cổ Đỗ Uyên nằm ở thôn Yên Liễu, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Theo mấy vị cao niên trong làng, cái giếng này đã có cách đây mấy trăm năm. Nó từng cứu khát và cung cấp nước sinh hoạt cho bốn ngôi làng ở xã Xuân Yên. ông Mai Khắc Thao (82 tuổi) một vị cao niên trong làng cho biết: "Tôi sinh ra đã có cái giếng này rồi. Nghe ông bà kể lại thì nó tồn tại cách đây hơn 200 năm về trước. Tương truyền, mảnh đất xã Xuân Yên trước đây là dải cát trắng.

    Ngày xưa có ông Nguyễn Bật Lạng đến khai phá vùng đất này đã đào giếng trúng vào mạch nước ngọt. Dù đến mùa hạn hán nhưng nước giếng không bao giờ cạn, trở thành nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho cả làng.

    Dự án hàng chục tỉ đồng tạm ngưng vì dân làng sợ đứt “long mạch

    Giếng cổ Đỗ Uyên nằm trong dự án đường liên huyện.

    Để gìn giữ giếng làng, các ngư dân trong làng đã vượt biển ra tận đảo Ngư, đảo Mắt lấy đá về ghép giếng để tránh bị sụt lở. Dịp Tết năm 2014, người dân đã góp 7 triệu đồng tôn tạo giếng cổ. Thời điểm này, cũng là lúc dự án mở rộng đường từ khu di tích Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân xuống xã Xuân Yên được thực hiện. Các cấp chính quyền địa phương vui mừng khi xã được ưu ái con đường nhựa để thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng cao. Thế nhưng, khi thi công đến xóm Yên Liễu thì gặp sự phản đối của người dân bởi họ không muốn động chạm đến giếng cổ. Con đường nhựa được đầu tư hơn 37 tỉ đồng đang thi công buộc phải ngừng để giải quyết việc liên quan đến giếng cổ.

    Dự án tiền tỉ tạm ngưng

    Khi biết dự án đường đi qua giếng cổ, nhiều người tỏ ra tiếc nuối. ông Thao giãi bày: "Cả làng chúng tôi đều xem giếng cổ là một di tích từ thời cổ xưa cần được bảo tồn và giữ gìn. Ngày trước, làng này có mái đình kề gốc đa cổ thụ và giếng làng. Tuy nhiên, về sau cây đa cổ thụ chết đi, mái đình hiện xuống cấp trầm trọng chưa thể tôn tạo được, chỉ còn lại giếng cổ nên chúng tôi muốn giữ lại nét văn hóa, làm nền tảng phục dựng những dấu tích đã mất".

    ông Trần Văn Mạnh, Trưởng xóm Yên Liễu lập luận: Xây dựng nông thôn mới thì cây đa, giếng nước, mái đình phải giữ lại. Cây đa cổ thụ đã chết nay đã được trồng lại, mái đình giờ thành nhà hội quán khang trang, còn giếng thì lại nằm giữa đường. Chúng tôi đã họp chi bộ, họp dân nhiều lần nhưng dân chưa đồng thuận lấp hoặc dời giếng nên hiện tại vẫn để nguyên như vậy.

    Trước vấn đề này, ông Hoàng Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Yên cho biết: "Lúc nhận được dự án làm đường từ cấp trên chúng tôi vỡ òa vì sung sướng bởi đây chính là cơ hội để đời sống của người dân được nâng cao nhưng chúng tôi quên mất giá trị tinh thần của giếng cổ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức họp Đảng ủy để thống nhất phương án giải quyết. Ngoài cuộc họp này ra, chúng tôi cũng sẽ mở một cuộc họp khác và mời các bô lão ở bốn làng Yên Liễu, Yên Ngư, Yên Hải và Yên Lợi (trước đây đều thuộc làng Yên Liễu) đến để trưng cầu ý kiến và có phương án giải quyết hợp lý.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-hang-chuc-ti-phai-tam-ngung-vi-dan-lang-so-dut-long-mach-a51152.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan