Dự án nghìn tỷ thành tổ hợp “công trình trái phép”
Theo tìm hiểu của phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện có nhiều dự án “treo”, chậm tiến độ khiến lãng phí đất “vàng”, thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, việc kinh doanh sai phép trên đất dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Một trong các dự án như vậy là dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội nằm trên địa phận quận Cầu Giấy (Hà Nội) do công ty TNHH VNT làm chủ đầu tư.
Được biết, quy mô dự án lên tới 10 ha với nguồn vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015-2016, nhưng đến nay vẫn đang “đắp chiếu”. Hình hài của công viên nghìn tỷ trở nên nhếch nhác, ngổn ngang bởi những lát cắt mang tên bãi tập kết vật liệu xây dựng, bãi xe, sân bóng mini… Đây cũng là những điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Lưu Văn Hân (66 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi – PV), sinh sống gần dự án, không khỏi ngao ngán khi chia sẻ với phóng viên: “Hơn 12 năm trước, nghe chủ trương xây dựng công viên hồ điều hòa được ví như lá phổi xanh của thành phố, người dân chúng tôi mừng lắm vì tuổi nghỉ hưu có một không gian thoáng đãng ngay giữa lòng thành phố để thư giãn, thể dục thể thao. Vậy mà ngày này qua tháng khác, dự án vẫn không hề được triển khai. Nhìn diện tích lớn đất với vị trí đẹp bị “chia lô” làm nhà xưởng, bãi xe tạm bợ mà đáng tiếc lắm”.
Bà Hà Thị Thắm (cũng là người dân sống gần khu vực dự án) bày tỏ lo lắng: “Mấy bãi tập kết vật liệu nhếch nhác, rồi bãi xe ấy mà không may xảy ra cháy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chúng tôi mà bị ảnh hưởng đến tính mạng từ các vụ việc rủi ro do công trình trái phép trên đất dự án thì biết kêu ai?”.
Vi phạm lặp đi lặp lại
Được biết, ngày 3/1/2018, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa ra Quyết định số 02/QĐ-CCPD Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Văn bản có đoạn nội dung thể hiện: “Phá dỡ nhà tạm, lán tạm xây dựng không phép trên diện tích ô đất thuộc dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội, ô đất B14, Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Thời điểm xây dựng trước năm 2015, hiện đang sử dụng làm quán bia, nhà tạm, nhà kho”.
Ngày 11/6/2018, UBND phường Trung Hòa ra Thông báo số 84/TB-UBND, yêu cầu công ty TNHH VNT di dời toàn bộ nhà tạm, sân bóng đá mini và bãi đỗ xe tại ô đất B14.
Được biết, sau việc xử lý này, sự việc tái diễn từ năm 2019 cho đến nay. Vào tháng 3/2021, UBND phường Trung Hòa tiếp tục có Văn bản số 164/TB-UBND về việc yêu cầu đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, quản lý sử dụng đất đúng mục đích tại ô đất dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội.
Văn bản yêu cầu công ty VNT tuyệt đối không được thi công bất cứ hạng mục gì khi chưa được cấp phép xây dựng. Tháo dỡ toàn bộ phần sân bóng, nhà tạm và di chuyển xe ô tô ra khỏi phạm vi ô đất, thời gian thực hiện xong trước ngày 10/3/2021. Đến tháng 10/2021, UBND phường ra thêm văn bản với nội dung tương tự yêu cầu chủ đầu tư khắc phục sai phạm.
Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, kết quả thực hiện rất nhiều văn bản nêu trên của chính quyền phường Trung Hòa là sân bóng mini, bãi rửa xe, bãi tập kết vật liệu xây dựng vẫn tồn tại.
Vì sao chính quyền biết nhưng sai phạm vẫn tồn tại?
Việc các công trình không phép “mọc” trên đất dự án nhiều năm không được xử lý triệt để mang đến những bức xúc trong dư luận nhân dân. Để làm rõ thêm thông tin, nhóm phóng viên đã liên hệ làm việc với chính quyền địa phương.
Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho biết: “Về việc sai phạm liên quan đến sử dụng đất sai mục đích tại dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội do công ty TNHH VNT làm chủ đầu tư, phường đã nắm bắt được.
Trong thời gian qua, UBND phường đã ra rất nhiều thông báo yêu cầu tháo dỡ đối với những sai phạm đó. Tuy nhiên sau nhiều lần thông báo gửi đến công ty TNHH VNT và các cá nhân đang khai thác và sử dụng diện tích đất đó nhưng họ đều không đến làm việc.
Chúng tôi đã họp với các đội liên ngành để thống nhất lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với công ty VNT về hành vi sử dụng đất sai mục đích. Đáng lẽ theo kế hoạch mà không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì chúng tôi đã tiến hành trước Tết rồi”.
Bà Yến cho biết thêm: “Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo quận và tới đây sẽ có phương án kiên quyết xử lý triệt để những sai phạm trên”.
PV đã liên hệ làm việc với ông Dương Đức Cường – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cầu Giấy. Ông Cường nói: “Đã nắm bắt được thông tin và đang phối hợp với các bên liên quan để xử lý. Trong các cuộc họp giao ban, UBND quận cũng nhiều lần yêu cầu UBND phường đặc biệt là phường Trung Hòa xử lý dứt điểm việc này nhưng nay vẫn tồn tại”.
Ông Cường thông tin thêm rằng, UBND thành phố Hà Nội đã tiếp tục gia hạn cho chủ đầu tư thêm thời hạn 24 tháng để thực hiện dự án (đến cuối năm 2023).
Còn các vấn đề trách nhiệm của ngưới đứng đầu chính quyền địa phương trong việc để sai phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không xử lý hoặc xử lý không triệt để, hay nguồn lợi thu từ các công trình sai phạm này về đâu, đơn vị nào đứng ra thu,… ông Cường cho biết đã có đoàn thanh tra liên ngành đi thanh tra nhưng không đưa ra được biên bản nào.
Liên quan đến vấn đề các dự án chậm triển khai, dự án treo gây lãng phí đất đai trên địa bàn, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND TP.Hà Nội. Trong nội dung phản hồi bằng Văn bản số 1182/VP-ĐT ngày 8/2/2022 đến tòa soạn nêu rõ: “Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đã giao sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận Cầu Giấy nghiên cứu nội dung tạp chí Đời sống và Pháp luật quan tâm, tìm hiểu, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố theo quy định”. |
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này
Trọng Nghĩa – Duy Trung