4h sáng, lực lượng cảnh sát bí mật đột kích bãi vàng Bồng Miêu. Giữa ngổn ngang lán trại, công cụ khai thác là hàng trăm vàng tặc đang say giấc. Phía sau việc đẩy đuổi vàng tặc, công tác quản lý khoáng sản ở "thủ phủ vàng" đang vấp phải nhiều khó khăn.
Xuất kích thần tốc xóa sổ vàng tặc
Nguồn tin từ phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cho hay, đơn vị này vừa tổ chức truy quét đẩy đuổi hàng trăm đối tượng vàng tặc ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.
Theo đó, thực hiện kế hoạch tổ chức truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép tại thủ phủ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, 4h ngày 12/9, phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Nam bí mật đột kích kiểm tra tại khu vực mỏ vàng này.
Tại đây, cảnh sát phát hiện có 20 lán trại, hơn 100 công nhân đang say giấc nồng. Số người này là các đối tượng vàng tặc, thực hiện các hoạt động khai thác vàng trái phép. Đấu tranh tại hiện trường các công nhân khai nhận được các chủ khai thác thuê vào khu vực Lò 10, ngách gió Lò 10, bãi Thầu Đâu, khu vực mỏ vàng Bông Miêu dựng lán trại, sử dụng các công cụ, phương tiện hoạt động khai thác vàng trái phép từ đầu tháng 8/2019 cho đến nay.
Kiểm tra tại hầm khai thác vàng, cơ quan chức năng phát hiện bên trong hầm có nhiều công cụ, phương tiện phục vụ khai thác trái phép. Bao gồm: 21 máy nổ, máy xay các loại, 6 máy nén khí, 6 súng đục đá, 6 củ điện, 10.000m dây dẫn nước, 1.000m dây điện, 300 lít dầu Diezen, 30m3 đá có chứa trữ lượng vàng và nhiều công cụ phương tiện thô sơ khác. Kiểm tra tại khu vực lán trại của công nhân phát hiện trên 150 bao quặng.
Lực lượng cảnh sát bí mật đột kích bãi vàng Bồng Miêu. |
Tổ công tác đã phá hủy làm mất tác dụng các công cụ, phương tiện phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép, hoàn thổ khối lượng đá, quặng xuống lại khu vực khai thác, đồng thời đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực khai thác, lập lại tình hình an ninh trật tự. Bên cạnh đó, phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cũng tiếp tục mời các đối tượng có liên quan làm việc, đấu tranh làm rõ các chủ khai thác vàng trái phép để củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo cơ quan chức năng, mặc dù lực lượng thường xuyên truy quét, nhưng do nơi này có địa hình phức tạp nên nhiều đối tượng đã lợi dụng đồi núi để lẩn trốn, bám trụ trong các hầm vàng. Trước vụ việc này, cảnh sát từng xuất quân truy quét hàng trăm vàng tặc, bàn giao lại mặt bằng sạch cho chính quyền địa phương quản lý. Nhưng rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy. Công tác quản lý khoáng sản, đặc biệt là ở "thủ phủ vàng" Bồng Miêu thực sự còn nhiều bất cập, khó khăn.
Doanh nghiệp "đào tẩu", chính quyền nói gì?
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, "thủ phủ vàng" Bồng Miêu với hơn 20 cửa hầm trải dài trên hàng trăm héc – ta. Mỏ vàng này hoạt động từ năm 1997 do tập đoàn Besra thực hiện khai thác. Đây cũng là mỏ có trữ lượng lớn thuộc hàng bậc nhất ở Việt Nam, công suất 500 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 88%. Thời điểm trước năm 2014 tại mỏ vàng này sản xuất đạt trung bình từ 60.000 đến 70.000 ounce/năm (1ounce tương đương khoảng 0,83 lượng vàng).
Nhưng rồi, sau hơn 20 năm khai thác và lấy đi gần như cạn kiệt thứ khoáng sản quý giá bậc nhất này, doanh nghiệp đã để lại cho chính quyền và người dân những hậu quả buồn. Năm 2016, doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ rồi rút lui. Rút lui theo đúng nghĩa đen. Doanh nghiệp chẳng hoàn thổ đất đai, chẳng đóng các cửa hầm. Hầm hố đường vào lò vẫn còn nguyên hiện trạng có thể sập bất cứ lúc nào.
Doanh nghiệp rút lui cũng là lúc hàng trăm người ồ ạt tìm về "đột nhập" vào thủ phủ vàng để "bòn mót". Họ mặc cho nguy hiểm rình rập. Từ người dân địa phương bòn mót vàng kiểu manh mún, dần dần, nhiều "đầu nậu" tổ chức đưa người vào lập lán trại, sắm công cụ để khai thác. Những dòng suối quanh Bồng Miêu vẫn đêm ngày âm ỉ màu vàng đục ngầu bởi vì đãi vàng, sái quặng.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, "thủ phủ vàng" rộng hàng trăm héc- ta, trải dài qua nhiều núi đồi, sông suối. Sau khi doanh nghiệp rút đi, họ rút luôn lực lượng bảo vệ tại các cửa hầm. Điều này gây khó khăn lớn cho địa phương. Cùng với đó, hơn 20 cửa mỏ lớn, nhỏ không hoàn thổ, hàng trăm héc- ta đất thiếu người bảo vệ, trơ cằn sỏi đá...
"Chưa nói nợ thuế, nợ doanh nghiệp, khi công ty này bỏ đi vẫn còn nợ hơn 4 tỷ đồng tiền bảo hiểm của 50 công nhân công ty là người địa phương khiến họ điêu đứng vì bao năm bán sức cho những ông chủ vàng này", ông Vinh nói. Việc "thủ phủ vàng" "vô chủ" không chỉ khiến vàng tặc nở rộ mà nhiều người dân bản địa cũng tranh thủ đột nhập, giành đất đai. Nhiều diện tích đất trong vùng khai thác vàng chưa hoàn thổ nhưng người dân đã tự ý vào lấn chiếm trồng rừng càng gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.
Chính quyền đau đầu vì người dân tự ý "xâm lấn" mỏ vàng, nhưng với bản thân người dân họ cũng chẳng cách nào khác. Theo chia sẻ của họ, hơn 20 năm trời họ gắn bó với thịnh suy của mỏ vàng. Giờ tan rã, họ chẳng biết đi đâu, làm gì. Rồi thêm phần, doanh nghiệp nợ nần lương bổng hàng năm trời.
"Chúng tôi không có rừng ở khu vực này nên tập trung tại bãi tập kết quặng trước để mót những gì còn sót lại kiếm ngày vài trăm nghìn để sống. Mang danh là vàng tặc chứ thực chất có là bao. Lợi dụng người dân, nhiều người có tiền của thuê người, mua sắm máy móc vào cả khu vực chính của mỏ vàng để khai thác. Rồi nữa, nhiều chủ rừng lân cận cũng tự ý đào bới, tìm vàng. Bát nháo cả một vùng", một người dân nói.