+Aa-
    Zalo

    Dòng sông lênh đênh phận người: Một đời xuôi ngược

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sông còn đó, nước vẫn mênh mông mà tuổi đời đã chồng chất ngăn cản bước chân ông. Làm sao ông không cảm hoài?

    (ĐSPL) - Tôi cùng ông đối ẩm. Nước triều dâng cao. Sông Đồng Nai trở nên hùng vĩ lạ thường. Những ngọn sóng nhấp nhô mỗi khi một chiếc thuyền ngang qua. Tâm hồn ông sóng sánh. Nốc cạn chung rượu, sau tiếng khè não ruột ông nói bâng quơ: “Mới đó mà đã hơn một năm rồi. Tôi nghiệp mẹ con nó…”.
    Dòng sông lênh đênh phận người
    Kiếp thương hồ lênh đênh sông nước.
    Nghiệp thương hồ
    Ông là ông Tám Hoánh, đang bước vào ngưỡng 80. Vốn một đời dọc ngang, ông gác mái chèo trở về dựng một căn nhà nhỏ ven sông Đồng Nai phía bờ Nhơn Trạch. Cuộc sống sông nước dường như đã ăn sâu vào tim óc nên mỗi buổi chiều ông thường ngồi nhâm nhi chung rượu, đôi mắt hướng về dòng sông đang lặng lờ trôi…
    “Tội nghiệp mẹ con nó…”, ông lặp đi lặp lại câu nói này mà không cần tôi hỏi han. Dường như cái đêm hôm ấy đã làm ông ray rứt, đã làm ông muộn phiền.
    “Mẹ con nó”… vốn là 2 nạn nhân trong một vụ lật thuyền trên sông Đồng Nai vào đêm 14/1/2013 tại chân cầu vượt sông của tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây.
    Người mẹ còn quá trẻ, chị Võ Thị Ngọc Diệu mới 22 tuổi. Con chị, cháu Trần Võ Thanh Tuyền 7 tháng tuổi được mẹ ôm ấp trong khoang thuyền lúc cả hai dần chìm vào giấc ngủ. Đêm đã vào khuya. Bên ngoài trời tối đen như mực.
    Nước đang lớn. Chiếc thuyền chao đảo một chặp rồi tuột dây neo lặng lờ trôi về hướng thượng lưu. Một cú va đập mạnh vào chân cầu, chiếc thuyền lật úp. Hai mẹ con chìm sâu dưới dòng sông.
    Dòng sông lênh đênh phận người
    Bàn vong và cờ tang vẫn còn ở chiếc thuyền đã bị lật úp trong đêm định mệnh.
    Ông Tám kể đến đây, chợt dưng đôi mắt ông đỏ hoe. Ông nói: “Cuộc đời tôi lang bạt kỳ hồ nhưng chưa bao giờ rơi nước mắt. Thế mà hôm đó tôi đã khóc. Chúng nó còn trẻ quá chưa có nhiều kinh nghiệm. Khi xảy ra sự cố, chồng nó Trần Thanh Bình (24 tuổi) còn đang mải mê đánh cá cách đó khá xa. Phải mất hơn 30 phút sau nó mới biết, chạy ghe về thì cả người cả thuyền đều chìm nghỉm dưới sông.
    Tôi biết gia đình nó – ông kể tiếp. Cả nhà nó quê ở Gò Công (Tiền Giang) nhiều đời sống trên sông. Cha mẹ nó là dân thương hồ chính hiệu. Thuyền là nhà. Nó sinh ra và lớn lên cũng từ chiếc thuyền gỗ. Nơi nào có sông có kênh có rạch là có thuyền của cha mẹ nó. Thuyền cũng là phương tiện mưu sinh. Trên thuyền đầy ắp hàng hóa. Một cửa hàng tạp hóa di động trên sông. . .
    Cuộc sống rày đây mai đó nó lớn lên lúc nào không biết. Không học hành bao nhiêu vì có bao giờ cha nó dừng ghe lâu ở một chỗ đâu. Rồi nó lấy vợ, sắm thuyền nối tiếp cuộc sống xuôi ngược đó đây. Nó về đến dòng sông này đã nhiều tháng nay. Hàng ngày thằng Bình đánh cá đem về cho vợ. Con vợ chạy ghe thẳng vào bến Trường Khánh (Q.9 TP.HCM) cân cho thương lái.
    Ông Tám Hoánh bùi ngùi: “Vợ chồng nó còn trẻ nhưng rất cần cù. Không rượu chè bê tha, không cờ bạc trai gái, thằng Bình chỉ biết bán mồ hôi đổi lấy bát cơm. Thế mà trời không thương chúng nó…
    Ông lão đã một đời với kiếp sống đó đây đang nhìn lại cuộc đời mình qua người bạn trẻ. May cho ông. Gia đình ông chưa gặp điều gì bất hạnh. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao đôi mắt ông đỏ hoe…
    Chiếc áo kỷ vật
    Uống đi anh. Ông Tám nâng cốc rượu đế mời tôi. Đĩa mồi, con khô lóc nướng xé nhỏ trộn với xoài bằm. Chua chua mặn mặn. . .
    Ông Tám kể tiếp: “Cái đêm hôm ấy, thằng Bình cho ghe chạy lên chạy xuống đoạn sông này cho đến sáng vẫn không tìm thấy xác vợ con nó.  Mặt nó đăm chiêu. Tóc tai bù xù. Nó cứ lặng yên ngồi ở mũi thuyền mắt dán xuống dòng nước. Khoảng độ 9 giờ sáng, từ hạ lưu một đoàn thuyền gần 10 chiếc đều là những ghe thương hồ xuất hiện. Thì ra, trong đêm nó gọi điện báo về với gia đình. Cả dòng họ nó đều sống trên sông, trên những con thuyền như thế quanh năm rong ruổi bán buôn.
    Cả chục chiếc thuyền quần nát con sông. Thằng Bình mượn thêm tiền mua tiếp 2 can dầu để tiếp tục tìm kiếm. Tôi có hỏi nó sao không gọi cho cảnh sát cứu nạn cứu hộ? Nó nói họ đến lấy tiền đâu mà trả.
    Cái thằng không biết gì hết. Cảnh sát cứu nạn cứu hộ họ tìm thi thể có lấy tiền ai bao giờ đâu. Thế mà nó không nhờ đến để cả ngày hôm sau xác trôi đi xa làm sao mà tìm…
    Tự dưng ông Tám như chợt nhớ đến một điều gì. Ông ngừng câu chuyện ra phía sau lấy một chiếc áo nhỏ dành cho trẻ nít đưa cho tôi xem. Sáng hôm ấy, tôi ra phía bờ sông thấy chiếc áo này vướng trên một nhánh cây. Chẳng biết có phải từ chiếc thuyền bị chìm trôi ra hay không nhưng dù sao tôi cũng giữ nó như một kỷ niệm.
    Dòng sông lênh đênh phận người
    Mẹ anh Bình giờ chỉ biết khóc than bên áo quần cháu nội còn lại.
    Cuối đời ông, ngay cả chiếc thuyền cũng chẳng còn. Vợ mất sớm. Mấy đứa con ông – theo như lời ông – may mắn chúng không theo nghiệp thương hồ nhưng tứ tán mỗi đứa một nơi. Không đứa nào qua được bậc tiểu học nên giờ đây chúng chỉ còn biết lao động để mưu sinh ở những nơi nào có thể sống được. Một mình ông về đây dựng một căn nhà nhỏ - có thể gọi là túp lều – chiều chiều ra bờ sông ngồi ngắm dòng nước nhớ lại một thuở ngang dọc tung hoành.
    Viết đến đây, tôi chợt nhớ đên một câu nói của nhà văn Sơn Nam : “không có thương hồ, không có Nam bộ”. Với 50.000km sông ngòi kênh rạch, hệ thống giao thông đường thủy ở miền nam còn hoàn thiện hơn cả đường bộ. Có những nơi, đường giao trắc trở, những chiếc ghe thương hồ ngày ngày len lỏi đem đến cho bà con những thứ cần thiết. Họ buôn bán có khi chẳng cần tiền mà trao đổi với nhau bằng sản vật. Những gia đình túng thiếu có thể mua chịu chờ đến lần sau trở lại lấy tiền. Cái quí ở đây là lời hứa miệng nhưng không một ai nuốt lời…   
    Tôi và ông rơi vào im lặng. Mỗi người một ý nghĩ. Nhìn ông, tôi vô cùng ái ngại. Sông còn đó, nước vẫn mênh mông mà tuổi đời đã chồng chất ngăn cản bước chân ông. Làm sao ông không cảm hoài ? Chỉ có những người lỡ mang cái nghiệp ngược xuôi mới hiểu được nỗi buồn của ông…
    Và cũng qua ông, tôi hiểu thêm kiếp thương hồ rủi nhiều hơn may. Chị Diệu và cháu Tuyền chìm sâu dưới dòng nước lạnh làm tan vỡ cả một mái ấm lênh đênh. Sau tai nạn thảm khốc đó, anh Bình sống trong nỗi cô đơn hiu quạnh. Bán thuyền, anh chấm dứt nghiệp đó đây nhưng rồi lại làm công cho một công ty tàu biển. Dường như đã là khách thương hồ khó ai có thể dứt được duyên nợ rày đây mai đó…
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dong-song-lenh-denh-phan-nguoi-mot-doi-xuoi-nguoc-a31367.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan