Theo báo Tiền Phong, chị Lê Quỳnh Anh (32 tuổi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết, cứ đến rằm tháng 8 hằng năm, chị đã quá quen với cảnh hàng trăm người xếp hàng mua bánh trung thu trước một cửa hàng trên phố Cầu Đất (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng).
Năm nay, nhu cầu mua bánh dường như tăng cao hơn nên nhiều người đã phải ngồi đợi mua bánh từ đêm, chờ tới giờ cửa hàng mở bán.
Để đảm bảo sự công bằng cũng như tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, chủ cửa hàng đã phát số thứ tự cho khách vào mua bánh. Để có được những suất bánh trung thu đầu tiên, nhiều người đã có mặt từ 1-2h. Thậm chí, có người còn mang gối, trải chiếu, thảm trên vỉa hè để ngủ, ăn uống tại chỗ.
Chị Bùi Vân Nga (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) cho biết, hàng năm chị thường xếp hàng 1-2 tiếng để mua bánh đi biếu bạn bè, người thân ở Hà Nội.
Tuy nhiên, năm nay, số lượng người xếp hàng quá đông, có ngày chị phải đứng chờ một tiếng đồng hồ mà thấy trước mình đã có khoảng 300-400 người chờ đợi.
Năm nay, chị không đủ kiên nhẫn xếp hàng nên đã sang một vài cửa hàng gần đó mua bánh trung thu loại khác. Chị cũng nói với bạn bè, người thân thông cảm vì không mua được loại bánh như mọi năm.
Chị Nga cho biết, thương hiệu bánh này rất nổi tiếng ở Hải Phòng. Mấy năm gần đây, thương hiệu này được người dân các tỉnh thành khác biết tới nên nhiều người săn lùng làm quà biếu tặng.
Vì phải xếp hàng chờ đợi mua bánh nên không phải ai cũng có thời gian. Vì thế mà, một đội quân mua hộ đã xuất hiện, báo VnExpress đưa tin.
Chị Bùi Liên (45 tuổi, ở quận Ngô Quyền) là một người làm việc này nên thường xuyên phải ra xếp hàng từ nửa đêm. "Nếu ra muộn, loại bánh muốn mua đều hết. Cứ cách 5-10 phút lại thêm 30-40 người đến chờ. Đằng nào cũng mất công đợi nên cứ ra sớm cho chắc", chị nói.
Những người làm dịch vụ mua hộ như chị Liên thường lấy công khoảng 40.000 - 80.000 đồng mỗi hộp bánh. "Bao nhiêu bánh cũng hết, nhiều khi khách đặt thêm mà không dám nhận", chị Liên nói. Chị đã phải huy động thêm hai, ba người thân cùng xếp hàng và quay vòng liên tục may ra mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách.
Một cán bộ công an phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền cho biết từ đầu tháng 7 âm lịch đến trước rằm tháng 8, lượng người tìm đến phố Cầu Đất xếp hàng cả ngày lẫn đêm mua bánh trung thu tăng đột biến vì cửa hàng giới hạn số lượng bán ra. Vì thế mà tình trạng xếp hàng, đỗ xe tràn lan khiến giao thông ùn tắc, buộc đơn vị buộc phải cắt cử người ra điều phối, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.
"Ngày nắng nóng hay lúc mưa bão, cửa hàng này lúc nào cũng tập trung đông khách đến mua, có thời điểm lên đến hàng trăm người", vị cán bộ này cho biết.
Lý giải về việc đông người vẫn chọn mua bánh trung thu Đông Phương, anh Bạch Đức Tùng, đại diện cửa hàng cho rằng hầu hết khách hàng là những người mong muốn quay về giá trị cổ truyền, bánh Đông Phương giữ được hương vị đó cùng sự khác biệt dễ nhận ra nên giữ được niềm tin của mọi người.
Một phần nguyên nhân nữa là bánh của tiệm không sử dụng chất bảo quản, hạn sử dụng ngắn, khách hàng không thể mua trước quá lâu, nên gần đến Trung thu lượng người mua tăng đột biến dẫn đến việc phải xếp hàng dài.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM, cho rằng người dân xếp hàng chờ đợi để mua bánh giống như sự hoài niệm về Tết Trung thu truyền thống, thể hiện tâm ý, sự kỳ công để có được một chiếc bánh hợp khẩu vị hoặc gửi tặng những người thân yêu.
XEM THÊM: Nhân dịp Trung thu bật mí các mẹ cách trình bày mâm ngũ khiến con thích mê
"Sẽ có ý kiến cho rằng hành động xếp hàng chờ đợi là quá đà, phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng bản thân người mua có thể coi đó là niềm vui khi bỏ công sức và thu về những giá trị xứng đáng. Bên cạnh đó, Trung thu mỗi năm chỉ có một lần, có cung ắt có cầu, miễn sao phù hợp với hoàn cảnh của từng người", ông Đức nói.
Thục Hiền(T/h)