Đó là đội bảo vệ mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình), thuộc Đồn Biên phòng Roòn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình do thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào làm Đội trưởng.
Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào, Đội trưởng Đội Bảo vệ làm nhiệm vụ đăng ký khách đến thăm viếng. |
Thượng úy Hào, sinh năm 1985 quê xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình kể: 33 Cán bộ chiến sĩ trong đội, dù quê Quảng Bình hay tỉnh khác, đều tâm niệm nhiệm vụ canh gác đặc biệt này là trách nhiệm thiêng liêng của con cháu đối với người Cha.
Trưởng thành từ thô sơ, thiếu thốn
Ngay sau khi mất, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện tâm nguyện của ông, chọn Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) - địa bàn Đồn Biên phòng Roòn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) phụ trách quản lý, làm nơi an nghỉ của Đại tướng.
Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình vinh dự được Bộ Quốc phòng, Cấp ủy - chính quyền địa phương và gia đình Đại tướng tin tưởng giao cho công tác phục vụ, bảo vệ lễ an táng Đại tướng. Với niềm kính phục, tri ân và bằng cả tấm lòng chân thành, vinh dự và trách nhiệm với Đại tướng và nhân dân cả nước, BĐBP đã cố gắng hết sức mình, không quản ngại ngày đêm, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa gió sau bão, địa tầng đất đá... (tất cả phải sử dụng công cụ cầm tay) đã cùng với các lực lượng và gia đình cùng chuẩn bị nơi an nghỉ chu đáo, phục vụ tận tình trong quá trình tang lễ và bảo vệ an toàn tuyệt đối lễ Quốc tang của Đại tướng.
Hướng dẫn khách vào viếng mộ. |
Sau lễ Quốc tang, BĐBP Quảng Bình được Bộ Quốc Phòng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP giao nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối, an toàn khu mộ, giữ yên giấc ngủ ngàn thu cho Đại tướng; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn chu đáo, tận tình cho nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến thăm viếng.
Thực hiện chỉ đạo, tháng 10/2013, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã có Quyết định lâm thời thành lập Đội Bảo vệ gồm 30 cán bộ chiến sĩ trực thuộc Đồn Biên phòng Roòn. “Nhận nhiệm vụ mới, vinh dự lớn, nhưng trọng trách nặng nề, mỗi cán bộ chiến sĩ trong đội phải vượt qua mọi khó khăn từ nhỏ nhất đến lớn để yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ” - thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào nghiêm trang nói vậy.
Thượng úy Hào kể "mấy chuyện khó khăn nho nhỏ” như: Đơn vị mới thành lập, nơi ăn ở sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ còn tam bợ, chưa có doanh trại phải ở tạm nhà của gia đình Đại tướng; chật chội, không đủ diện tích để kê giường, phải ngủ chung, một số chiến sĩ phải trải nệm dưới sàn nhà để ngủ; nhà ăn, nhà bếp chật hẹp, xa khu dân cư; điện nước không đảm bảo để phục vụ nấu ăn, sinh hoạt và chiếu sáng. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa lắm, nắng nhiều, gió lộng quanh năm, anh em sống chung với bụi bẩn ngay cả trong bữa ăn hằng ngày. Phương tiện, trang bị thô sơ, địa hình rộng, anh em hầu hết chưa có kinh nghiệm trong công tác...
Mỗi buổi sáng, cán bộ chiến sĩ trong Đội thực hiện nghi lễ thắp hương cho Đại tướng. |
Nhiệm vụ đặc biệt
Chỉ những người lính mang quân hàm xanh canh giấc ngủ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nắm rõ nhất số lượng khách đến thăm viếng mộ Đại tướng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt người đến viếng, đặc biệt ngày lễ tết, cao điểm có hơn 32.000 người, cả ban đêm, khách vẫn đến viếng.
Anh em bộ đội sau mỗi ca gác, lại kể cho nhau nghe những câu chuyện xúc động được chứng kiến: Cụ bà đã 94 tuổi ở Cần Thơ, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng vẫn dành dụm tiền, dọc đường phải ăn bánh mì qua bữa, chỉ mong được đến viếng Đại tướng một lần cho thỏa lòng; có cụ đang nằm trên giường bệnh Bệnh viện Quảng Trạch (cách mộ Đại tướng 30 km), biết mình khó qua khỏi đã yêu cầu con cháu cõng lên viếng Đại tướng để nếu có phải về với tổ tiên cũng mãn nguyện; có những thương binh ngồi trên xe lăn đã không cầm được nước mắt khi cắm nén hương lên phần mộ Đại tướng...
BĐBP đến viếng Đại tướng. |
Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào, cho biết với lượng khách đến viếng mộ Đại tướng đông như vậy, cán bộ chiến sĩ đội bảo vệ phải làm nhiệm vụ 24/24 giờ với rất nhiều công việc như: Tiếp đón, đăng ký, hướng dẫn các đoàn khách; giúp đỡ người già, em nhỏ, thương binh, cựu chiến binh tuổi cao, sức yếu từ mọi miền của Tổ quốc về viếng; tổ chức lực lượng canh gác, tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực và khuôn viên khu mộ; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn và chính quyền địa phương làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn; phối hợp với lực lượng Công an làm nhiệm vụ phân luồng, điều hành xe vào viếng mộ đảm bảo thông thoáng... Ngoài ra, Đội bảo vệ còn kiêm nhiệm vệ sinh môi trường trong khuôn viên khu mộ và thực hiện một số công việc khác giúp gia đình Đại tướng.
Vòng hoa của các đoàn khách trên khu vực mộ Đại tướng. |
Nhiệm vụ nặng nề, quân số ít, cường độ làm việc cao, điều kiện làm việc chủ yếu ở ngoài trời và đi lại nhiều, nhà làm việc vẫn chỉ nhà bạt, nên trong thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bộ đội... Ít ai biết, để có được hình ảnh những người lính Biên phòng nghiêm trang lễ tiết tác phong, anh em trong đội đã đúc rút từ thực tiễn, tự biên soạn tài liệu huấn luyện về nhiệm vụ của từng bộ phận, lễ tiết tác phong, phương pháp đón, hướng dẫn khách, cách xử trí các tình huống...
“Thời gian huấn luyện không có vì phải bám nhiệm vụ, nên phải tổ chức huấn luyện vào ban đêm, huấn luyện cuốn chiếu, tranh thủ những lúc rảnh khách để huấn luyện, huấn luyện ngay tại nơi làm nhiệm vụ”, thượng úy Hào cười nhẹ, không trả lời thẳng câu hỏi của tôi: “Có thấy nhiệm vụ mới lạ lẫm với những gì đã được dạy trong học viên Biên phòng không?”, chỉ kể: "Quê em ở xã Mai Thủy, ngay gần nhà Đại tướng. Nhà lại gần Nghĩa trang liệt sĩ, nên hồi học cấp Tiểu học - THCS đã 2,3 lần ra đón Đại tướng về quê, ra Nghĩa trang liệt sĩ thắp hương. Hình ảnh Đại tướng in sâu trong tim và em ước được làm chiến sĩ bảo vệ cho Người. Ước mơ ấy tưởng như không thể thực hiện được, vì em vào Học viện Biên phòng. Nhưng giờ đây, không chỉ em mà 32 anh em khác, đã được bảo vệ canh gác cho giấc ngủ Đại tướng. Quá vinh dự cho Đội, Biên phòng tỉnh Quảng Bình mà còn cho cả lực lượng quân hàm xanh..
Lâu nay nói đến BĐBP, người ta thường nghĩ đến “rừng xanh núi đỏ” hoặc canh giữ chủ quyền trên biển, nhưng đến Đảo Yên - Vũng Chùa gặp những chiến sĩ mang quân hàm xanh canh giấc ngủ Đại tướng, ấn tượng về "Bộ đội Cụ Hồ" - người chiến sĩ Biên phòng còn vượt lên tất cả, cô đọng trong điều răn mỗi người lính: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” và đó, mới là chất thép của Bộ đội Biên phòng...".