Trước đó, ngày 20/8, tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhiều vấn đề liên quan tới đổi mới GD căn bản, toàn diện đã được thảo luận.
Trong đó, việc xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân được bàn đến với 2 phương án:
Phương án 1, GD cơ bản thực hiện trong 10 năm ( 5 năm GD tiểu học và 5 năm GD THCS), GD định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm.
Phương án 2, GD cơ bản thực hiện trong 9 năm (5 năm GD tiểu học và 4 năm GD THCS), GD định hướng nghề nghiệp thực hiện trong 3 năm.
Phân tích về hai phương án này, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng phương án 1 có ưu điểm thêm 1 năm để học sinh có điều kiện trang bị tốt kiến thức phổ thông nền tảng.
Nhưng tại Hội thảo sáng nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục quốc dân, tức là sẽ giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản - gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS + 3 năm THPT).
Thứ trưởng cho biết thêm rằng trước đó mặc dù đã có nhiều ý kiến đề nghị thay đổi như đề xuất của Bộ GD-ĐT (tăng 1 năm học ở bậc THCS). Tuy nhiên, qua phiên họp của Ủy ban quốc gia về đổi mới GD-ĐT tại Chính phủ 2 ngày trước, Hội đồng phát triển giáo dục và nhân lực cũng như nhiều ý kiến khác, Bộ GD-ĐT quyết định giữ nguyên như hiện hành.
Trước thông tin trên, nhiều chuyên gia giáo dục tại Hội thảo cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với quyết định của Bộ Giáo dục.
Theo như những phát biểu trước đó của mình, GS Văn Như Cương cho rằng ở Việt Nam, học sinh THCS chưa được định hướng nghề nghiệp một cách cụ thể, rõ ràng. Hệ thống giáo dục THPT đang tồn tại chủ yếu 3 loại hình trường: THPT đại trà, THPT chuyên và giáo dục thường xuyên.
Giáo dục nghề nghiệp ở cấp học này chưa được đầu tư và chú trọng nên hầu như tất cả học sinh THPT đều chỉ hướng tới là thi vào ĐH, CĐ chứ không thích học hoặc theo một nghề nào đó phù hợp với bản thân.
Vì vậy, Tờ trình mà Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đề cập đến việc học sinh THCS cần học thêm 1 năm nữa để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng có thể định hướng nghề nghiệp tốt hơn; Độ tuổi 16 phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong phân luồng sau giáo dục cơ bản; Giáo dục THPT trong 2 năm học so với 3 năm học sẽ thuận tiện định hướng nghề nghiệp hơn là không có căn cứ và thiếu thuyết phục. Bởi vậy, trong bài phát biểu sáng nay, GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cũng đồng tình với quyết định giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay.
Cũng tương tự như ý kiến trên, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục nhận định, cả 3 lý do đưa ra của cơ quan soạn thảo đề án về việc thay đổi hệ giáo dục quốc dân đều không có tính thực tiễn và thuyết phục cao. Nhưng bởi Bộ GD-ĐT đã rút phương án này, ông Thuyết chỉ góp ý nhẹ nhàng không nên để việc này lặp lại, phải có chuẩn bị kĩ càng thì mới đưa ra đề xuất, để tránh gây tốn thời gian và hoang mang trong dư luận.