Với sự tò mò, yêu thích, chàng trai Nguyễn Huy Hoàng 28 tuổi, sống tại Hà Nội đã nuôi "ốc mượn hồn" hay còn có tên gọi khác là cua ẩn sĩ, tôm ở nhờ, tôm kí ngư suốt hơn 20 năm nay.
Sau khoảng thời gian dài kiên trì theo đuổi đam mê, hiện số lượng ốc mà Hoàng sở hữu đã lên tới gần 2000 con với nhiều chủng loại khác nhau được nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia...
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về tình yêu với loài động vật này, Hoàng cho biết: “Hồi bé mình hay mua ốc ở cổng trường tiểu học. Ngắm nhìn những hình thù độc đáo, nhiều màu sắc, mình rất đam mê vẻ đẹp của chúng và đã quyết định mày mò nghiên cứu, nuôi chúng từ ngày đó đến giờ cũng được hơn 20 năm nay”.
Nuôi “ốc mượn hồn” đã lâu và có độ am hiểu nhất định về loài động vật đặc biệt này, chính vì vậy Hoàng đã quyết định từ đam mê biến chúng trở thành mô hình kinh doanh nhỏ. Trung bình mỗi con ốc được Hoàng bán với giá từ vài chục nghìn cho tới hàng triệu đồng.
“Trong bể nuôi ốc luôn phải có hai bát nước, một bát nước muối và một bát nước ngọt. Để chúng dễ dàng tắm, lột xác và phát triển hơn! Đặc biệt loài động vật này ăn tạp, thường ăn các loại rau củ quả tự nhiên, không có gia vị. Giá của chúng giao động từ 10 nghìn cho đến vài triệu mộ một con, tùy vào chủng loại và kích thước khác nhau”, Hoàng cho hay.
Hoàng cũng cho biết, để có thể nuôi được loại "ốc mượn hồn" này, người chơi phải mất rất nhiều công sức tìm hiểu và chăm sóc. Trong đó, nhiệt độ lý tưởng nuôi ốc thường phải duy trì từ 22-28 độ C, độ ẩm trên 85%. Ngoài ra, phần nền được sử dụng lót chuồng ốc phải là cát hoặc rêu.
Vì nuôi “ốc mượn hồn” còn mới lạ với nhiều người đồng thời chi phí cho thức ăn, làm chuồng, chăm sóc...không mấy tốn kém. Nên việc nuôi ốc đã thu hút được nhiều bạn trẻ Hà Thành nuôi làm thú cưng. Các bạn trẻ cho rằng, đây là một trong những thú chơi mới giúp giải tỏa tâm trạng sau những giờ làm việc hay học tập căng thẳng, mệt mỏi.
“Trong một lần đi biển, mình có gặp những con ốc này và cầm lên chơi, mình rất thích thú và ấn tượng với tập tính sống của chúng. Sau một thời gian tìm hiểu và nuôi mình mới biết chúng có tên là “ốc mượn hồn” được chia ra làm hai loại, một loại trên cạn và một loại dưới biển. Mỗi khi ngắm chúng mọi mệt mỏi, căng thẳng trong học tập và làm việc đều tan biết hết”, bạn Nguyễn Quang Hiệp, đến từ quận Ba Đình, TP. Hà Nội chia sẻ.
Tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, nhiều khu vực bờ biển nơi “ốc mượn hồn” sinh sống đang dần bị bê tông hóa để phục vụ du lịch nên số lượng ốc ngoài tự nhiên không còn nhiều. Nếu biết tận dụng, việc nuôi ốc không chỉ đơn giản là thú vui mà còn có thể giúp các bạn trẻ phát triển kinh tế.
Thảo Ly