Doanh thu “khủng”, lợi nhuận “bấp bênh”
Công ty CP kỹ thuật Toàn Cầu (tên quốc tế GLOBAL TECHNOLOGY JOINT STOCK COMPANY, viết tắt GTC .,JSC, MST: 0101755014) có địa chỉ tại số nhà 7B, ngõ 275 phố Quan Nhân (Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội).
Người đại diện pháp luật của công ty CP kỹ thuật Toàn Cầu (cty Toàn Cầu) là ông Lê Đức Chiến. Được biết doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, điển hình như bán buôn thiết bị, linh kiện điện tử, viễn thông, máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác,…
Thống kê từ hệ thống đấu thầu quốc gia, cty Toàn Cầu đã tham gia 63 và trúng 34 gói thầu với tổng trị giá hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này tham gia với vai trò nhà thầu độc lập trong 46 gói thầu và trúng 20 gói. Ngoài ra, công ty Toàn Cầu cũng liên danh với 15 nhà thầu khác tham gia đấu thầu 15 gói và trúng 13 gói.
Việc liên tục trúng thầu với giá trị lớn cùng hoạt động đa dạng ngành nghề đã đem về cho cty Toàn Cầu doanh thu cả trăm tỷ mỗi năm, tuy nhiên, kết quả kinh doanh những năm gần đây của doanh nghiệp không mấy sáng sủa khi có lợi nhuận chiếm tỷ lệ thấp.
Theo tài liệu PV có được, trong giai đoạn 4 năm 2018 – 2021, doanh thu thường xoay quanh mức khoảng gần 100 tỷ đồng/năm. Tuy có doanh thu trăm tỷ nhưng biên lợi nhuận gộp của cty Toàn Cầu chỉ chiếm khoảng hơn 10%, trong khi lãi ròng chỉ tính bằng tiền triệu đồng.
Trong năm tài chính 2018, doanh thu thuần của doanh nghiệp ở mức 140,6 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức 18 tỷ đồng (chiếm khoảng 12%). Tuy nhiên, với việc giá vốn chiếm tới 87% (122,1 tỷ đồng), chi phí quản lý 11,4 tỷ đồng và các lợi nhuận khác xuống mức âm hơn 1 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ vẻn vẹn 113 triệu đồng (chiếm 0,08%).
Bước sang năm 2019, doanh thu thuần của cty Toàn Cầu bật tăng lên mức 160 tỷ đồng, đồng thời biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tăng khoảng 15% lên mức 21 tỷ đồng.
Đồng thời, lợi nhuận khác của của doanh nghiệp cũng giảm từ mức âm hơn 1 tỷ đồng chỉ còn âm khoảng 8 triệu đồng. Tuy vậy, lãi ròng của cty Toàn Cầu lại giảm khoảng 5% so với năm trước, chỉ đạt mức 108,2 triệu đồng. Nguyên nhân là do chi phí giá vốn và quản lý kinh doanh vẫn ở mức cao lần lượt là 138,9 và 16 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thuần của cty Toàn Cầu đột ngột giảm mạnh gần 50% xuống mức 85 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng đồng thời giảm xuống mức 13,7 tỷ đồng. Tuy doanh thu thuần giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng tới hơn 60% khi đạt 299,4 triệu đồng (đạt mức 0,3% doanh thu).
Đến năm 2021, tình hình tài chính của cty Toàn Cầu có cải thiện khi đạt doanh thu thuần ở mức 91,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng bật tăng hơn 50% khi đạt 669,4 triệu đồng, cao nhất trong giai đoạn 4 năm (2018 – 2022).
Đồng thời “điểm sáng” trong “bức tranh” tài chính của doanh nghiệp trong năm này là việc “thoát chuỗi” lợi nhuận khác bị âm khi chỉ số này ở mức dương 593 triệu đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm tài chính 2021 lại giảm mạnh so với năm 2020 từ hơn 90 triệu đồng xuống 35 triệu đồng.
Qua phân tích tình hình tài chính giai đoạn từ năm 2018 – 2021 cho thấy, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp không mang nhiều “gam màu” sáng. Điển hình ở việc cty Toàn Cầu có doanh thu lớn nhưng lợi nhuận “khiêm tốn”.
Qua đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng cũng “mỏng” theo. Cụ thể, số thuế TNDN cao nhất đơn vị này phải đóng là 332 triệu đồng vào năm 2019, chiếm 0,2 % doanh thu 160 tỷ đồng. Ngoài ra, vào các năm 2018, 2020, 2021 số thuế TNDN mà cty Toàn Cầu phải đóng lần lượt là 317, 146, 242 triệu đồng.
Tài sản ngắn hạn lớn, số nợ vượt vốn chủ sở hữu
Bên cạnh tình trạng doanh thu “khủng”, lợi nhuận “siêu mỏng”, cơ cấu tài sản của cty Toàn Cầu cũng cho thấy kết cấu thiếu bền vững. Cụ thể, đa phần tài sản của doanh nghiệp là tài sản ngắn hạn, tài trợ bởi nợ ngắn hạn.
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của cty Toàn Cầu là 166,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới hơn 90% ở mức 150,4 tỷ đồng, tài sản dài hạn khoảng 16 tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn các năm 2020 – 2021, cơ cấu tài sản của doanh nghiệp tăng lên lần lượt các mức 167 và 234 tỷ đồng. Tuy vậy, tài sản ngắn hạn vẫn chiếm tới hơn 90%.
Đáng chú ý, một điểm chung trong giai đoạn bốn năm (2018 – 2021), tổng số nợ phải trả của cty Toàn Cầu luôn ở mức cao, chiếm từ hơn 60% tới thời điểm cao nhất là gần 80%. Đồng thời, số nợ của đơn vị này đa phần là nợ ngắn hạn. Năm 2020 – 2021, nợ ngắn hạn chiếm 100%.
Cùng với đó, số nợ của doanh nghiệp cũng vượt vốn chủ sở hữu rất nhiều lần. Điển hình vào các năm 2019, 2020, 2021, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở các mức 35, 45, 91 tỷ đồng. Trong khi số nợ phải trả qua các năm nói trên là 131, 122 và 143 tỷ đồng.
Trên thực tế đối với các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau có đặc điểm nguồn vốn và tốc độ phát triển, tăng trưởng cũng khác nhau. Do đó, tỷ lệ nợ vượt vốn chủ sở hữu tương đối cao có thể tương đối phổ biến trong một số ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, tình trạng nợ vượt vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần thời gian nhiều năm có thể phản ánh một phần rủi ro về tài chính và những khó khăn trong tương lai. Việc doanh nghiệp vay số tiền vượt quá vốn chủ sở hữu có thể dẫn tới nhiều khó khăn khi phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt đối với doanh nghiệp có lượng vay ngắn hạn lớn như trường hợp cty Toàn Cầu.
Thanh Phong – Hoàng Giang