Cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ thuộc diện nợ thuế quá 3 tháng.
Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Quyết định 1914 trong đó hướng dẫn sử dụng các phương án để xử lý nợ đọng thuế.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Một trong những biện pháp đầu tiên được đưa ra áp dụng với người nợ thuế dưới 30 ngày là việc cơ quan thuế sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật để yêu cầu nộp tiền thuế nợ.
Trong trường hợp nợ thuế từ 31 ngày trở lên, cơ quan thuế sẽ ban hành 100% thông báo tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp theo quy định. Thông báo này sẽ được gửi trực tiếp đến địa chỉ người nợ tiền thuế.
Tổng cục Thuế cũng cho biết đối với các trường hợp đã hết hạn không tính tiền chậm nộp, thời gian gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ theo quy định Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế sẽ ban hành thông báo ngay trong tháng kế tiếp. Trường hợp này, cơ quan quản lý cũng sẽ tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đúng thời hạn quy định.
Sắp tới, nợ thuế quá 3 tháng sẽ bị cưỡng chế. Ảnh minh họa |
Đối với doanh nghiệp nợ thuế quá 121 ngày, cơ quan thuế cũng sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Sau khi hết thời hạn của quyết định cưỡng chế hóa đơn (1 năm), nếu doanh nghiệp chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ, cơ quan thuế sẽ tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế. Đối với các doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ thuộc diện này. Đối với các khoản nợ trên 60 ngày, cơ quan thuế sẽ ban hành văn bản đôn đốc trong đó nêu cụ thể các biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu người nộp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Trước đó, trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam về công tác thu hồi nợ thuế, ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, tính đến 30/9, tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế đang quản lý là 82.961 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dự toán thu nội địa năm 2018. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (nợ có khả năng thu) là 31.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,8% tổng số tiền thuế nợ. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp (0,03%/ngày) là 16.620 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% tổng số tiền thuế nợ.
Tiền thuế nợ của người nộp thuế (NNT) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh (nợ không có khả năng thu hồi) là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 42% tổng số tiền thuế nợ, tăng 3.473 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017. Như vậy, so với thời điểm ngày 31/12/2017, thì nợ thuế vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Chia sẻ với về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế tăng, ông Toản cho biết, những năm qua, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp không ít khó khăn trong cạnh tranh thương mại. Bên cạnh đó, một bộ phận NNT, đặc biệt là các doanh nghiệp mới kinh doanh thua lỗ tự giải thể, phá sản, đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh không nộp tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN) dẫn đến nợ thuế.
Vũ Đậu (T/h)