Theo báo An ninh Thủ đô, mới đây, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16/5/2023, yêu cầu các cục thuế tập trung vào việc rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử; rà soát, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của các đơn vị này.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp thuộc cơ quan thuế quản lý đã sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp trong số 524 doanh nghiệp nêu trên thì yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng, tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu.
Liên quan đến yêu cầu này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng đây là công văn làm khó doanh nghiệp. Vì trước khi hóa đơn điện tử được xuất ra thì doanh nghiệp bán hàng phải gửi hóa đơn lên hệ thống của Tổng cục Thuế để được cấp mã rồi mới xuất cho bên mua nên hóa đơn được xuất ra là hợp lệ, khó có thể bắt doanh nghiệp mua hàng phải giải trình rồi loại bỏ hóa đơn này ra khỏi chi phí được.
Thêm vào đó, những gì liên quan tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phải quy định trong luật, các vấn đề này không thể quy định trong các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, đặc biệt là công văn...
Báo Lao động dẫn lời chị Nguyễn Hiền (Hà Nội) làm kế toán dịch vụ của doanh nghiệp có hoá đơn từ doanh nghiệp trong “danh sách đen” không khỏi lo lắng. Theo chị Hiền, trước khi cơ quan thuế cung cấp danh sách doanh nghiệp rủi ro hoá đơn điện tử, chị không biết tra cứu để tìm hồ sơ. Trong khi, chị Hiền chỉ làm dịch vụ quyết toán hoá thuế thời vụ cho doanh nghiệp.
“Cơ quan thuế yêu cầu lập biên bản ghi nhận sự việc sử dụng hoá đơn điện tử của doanh nghiệp với các đơn vị trong "danh sách đen" khiến tôi rất lo lắng. Tôi chỉ nhận hồ sơ về làm nên không biết việc phát sinh hoá đơn như thế nào, không biết sau này có bị xử phạt hay không”, chị Hiền nói.
Phản hồi về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, cơ quan Thuế đã phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, phát hiện một số đối tượng sử dụng chứng minh thư/CCCD giả để thành lập mới hoặc mua lại doanh nghiệp ngừng hoạt động để bán hóa đơn không hợp pháp cho các doanh nghiệp làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước.
Theo đó, cơ quan Thuế đã phát hiện 524 doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống (là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Khoản 7 Điều 6 Luật Quản lý thuế). Trường hợp 524 doanh nghiệp bán hóa đơn này khác với trường hợp các doanh nghiệp bán hàng rồi bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế, vì các doanh nghiệp bán hóa đơn chủ yếu khai khống hóa đơn hàng hóa mua vào.
Do vậy, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1798 nêu trên để khuyến cáo các doanh nghiệp có hóa đơn đầu vào của 524 doanh nghiệp này chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp, không có hàng hóa kèm theo để điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Theo báo Lao động, trước đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế tập trung vào việc rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp nằm trong danh sách rà soát cụ thể: Tại TP.HCM như: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ san lấp và vận tải Hải Âu; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sắt thép Hào Mỹ; Công ty TNHH Thiết kế quảng cáo G5; Công ty TNHH Đầu tư thiết kế xây dựng địa ốc Đạt Hưng Thịnh; Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Nhựa Nam Á;...
Tại Hà Nội: Công ty CP Xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu Total Petro; Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Aermec; Công ty TNHH Kinh doanh suất ăn công nghiệp Hải Vân; Công ty TNHH Dịch vụ du lịch khách sạn nhà hàng Trống Đồng; Công ty TNHH Tổ chức sự kiện Phục Hưng; Công ty CP Thương mại Sản xuất và chế biến gỗ Hà Lâm…
Danh sách hơn 500 doanh nghiệp gian lận hoá đơn được Tổng cục Thuế gửi kèm Công văn 1789/TCT-TTKT năm 2023 về rà soát, xử lý hoá đơn bất hợp pháp. Người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu danh sách này tại Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và trên trang thông tin điện tử của cục thuế địa phương.
Vân Anh (T/h)