+Aa-
    Zalo

    Đóa hoa rừng mồ côi vượt qua hủ tục sinh-tử cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới 2 tuổi chị Lững đã mất mẹ, đến năm 7 tuổi thì mồ côi cha. Bắt đầu từ đó, chị lớn lên trong cô nhi viện.

    Mới 2 tuổi chị Lững đã mất mẹ, đến năm 7 tuổi thì mồ côi cha. Bắt đầu từ đó, chị lớn lên trong cô nhi viện. Đến tuổi trưởng thành, chị rời cô nhi viện vào đời với hai bàn tay trắng. Dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng trong căn nhà của cô gái mồ côi, đơn độc này luôn đầy ắp tiếng cười. Trong mái ấm của mình, chị trở thành "mẹ" của hơn 50 mảnh đời bất hạnh, cô gái mồ côi đã vẽ nên câu chuyện đầy cảm động giữa đời thường.

    Chuyện cổ tích giữa đời thường

    Người phụ nữ có tuổi thơ bất hạnh nhưng đầy nghị lực và giàu lòng nhân ái mà chúng tôi nhắc đến là chị Y Lững (37 tuổi), ngụ tại thôn Kon Tu Kơ Pơng, xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Chúng tôi đến thăm chị vào một ngày cuối tháng Bảy. Căn nhà của chị nằm sâu trong con hẻm nhỏ của thôn Kon Tu Kơ Pơng.

    Đón chúng tôi là chị Y Lững. Thoáng nhìn chị có vẻ lam lũ, nhưng gương mặt, đặc biệt là nụ cười toát lên sự đôn hậu, gần gũi. Trong căn nhà nhỏ ngổn ngang gạch, vữa, chị Lững ngượng ngùng nói: "Gia đình mình đang sửa lại nhà để có chỗ cho các cháu sinh hoạt, hơi bừa bộn nên các chú thông cảm".

    Rót chén nước mời khách, mở đầu câu chuyện, chị Lững kể cho chúng tôi nghe về biến cố của gia đình mình. Gương mặt phảng phất nỗi buồn, chị kể, tròn 2 tuổi đang chập chững đi, bi bô nói những tiếng đầu đời thì tai ương ập đến với chị. Mẹ chị mất, để bù lại sự thiệt thòi cho con, cha hết mực thương yêu chăm sóc chị. Chị lớn lên trong vòng tay bao dung của người cha.

    Nói đến đây, chị nghẹn ngào: "Cuộc sống thật khắc nghiệt, sau khi mẹ mất, chỗ dựa duy nhất của mình là cha và nó cũng thật ngắn ngủi. Khi bước sang tuổi thứ 7, cha cũng theo mẹ về với thế giới bên kia, để lại một mình mình cô độc. Sau ngày cha mất, mình được đưa đến trại trẻ mồi côi bắt đầu những chuỗi ngày sống tự lập. Một đứa trẻ mới 7 tuổi, cái tuổi được cha, mẹ yêu thương chiều chuộng nhưng mình không có phúc được hưởng. Những ngày đầu trong cô nhi viện mình cảm thấy tủi thân, thấy bất an, cảm giác hụt hẫng khó tả".

    Theo chị Lững, dù thiệt thòi, mất mát không có cha mẹ nhưng chị được các thầy cô ở nơi đây quan tâm, chăm sóc, được học hành đầy đủ. Từ ngày được theo học cái chữ chị thầm ao ước, lớn lên được làm cô giáo. Đến năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, dù rất muốn thực hiện ước mơ "gõ đầu trẻ" nhưng không có điều kiện nên chị Lững đành gác lại sự nghiệp đèn sách. Cũng trong năm đó, cuộc đời chị Lững bắt đầu rẽ sang một trang mới. Một năm sau đó, duyên số đưa đẩy chị gặp được nửa kia của đời mình. Họ kết hôn, cùng nhau tạo dựng sự nghiệp.

    Chị Lững kể: "Sau ngày kết hôn, vợ chồng mình bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Cả hai dựng tạm căn chòi ở góc vườn do bố mẹ để lại. Cũng bắt đầu từ đây, vợ chồng nhận nuôi, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Mình là đứa trẻ mồ côi, vào cô nhi viện từ năm 7 tuổi. Mình rất hiểu những đắng cay của phận đời bất hạnh, phải sống thiếu thốn tình cảm của người thân".

    Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng chị Lững luôn mở lòng đón nhận những mảnh đời bất hạnh.

    Nhận con về nuôi ngay trong đám tang của mẹ cháu bé

    Chị Lững chia sẻ với chúng tôi một kỷniệm, năm 2008, trong một lần đi thămrẫy, khi qua ngôi nhà đang tổ chức đám tang, chị ghé vào thắp nén nhang cho người đã khuất. Vừa đặt chân đến trước cửa, chị nghe thấy tiếng trẻ con gào khóc. Tò mò, chị hỏi những người có mặt tại đám ma thì được biết, người nằm trong quan tài là một sản phụ vừa tử vong sau cơn vượt cạn. Theo quan niệm của người địa phương, đứa trẻ phải chết theo mẹ. Có như vậy, linh hồn người chết mới được siêu thoát, cả làng sẽ thoát khỏi tai ương.

    Chị Lững nhớ lại: "Lúc đó, mình đến gần, mở tấm vải, thấy một đứa bé đỏ hỏn,đang gào khóc vì đói, tiếng khóc yếu ớt dần. Thế nhưng, vì luật tục những người họ hàng, những người làng có mặt tại đám ma đều dửng dưng. Nhìn đứa trẻ thấy nhói lòng, mình ngỏ ý xin đứa bé mang về chăm sóc. Thế nhưng, mình gặp phải sự phản đối quyết liệt từ các bô lão trong làng, bởi theo họ nếu đứa bé không chết cả làng sẽ gặp phải tai tương. Sức khỏe của đứa trẻ ngày một yếu, tiếng kêu mỗi lúc một nhỏ dần. Mình nghĩ, nếu không đưa cháu về sẽ không kịp cứu nên quỳ xuống xin làng cho đưa đứa bé về”.

    "Một vài người đàn bà thấy vậy mủi lòng cũng lên tiếng ủng hộ. Cuối cùng, cha của đứa bé bế con lên rồi trao vào tay mình. Sợ họ thay đổi ý định, ngay lập tức mình địu đứa trẻ tức tốc trở về nhà. Đến nay, cháu đã lớn, đã biết phụ cha mẹ nuôi việc nhà và chăm sóc các em", chị Lững kể.

    Ngồi cạnh vợ, anh Lương Văn Thin (chồng chị Y Lững) cho biết: “Chúng tôi dù không giàu có nhưng luôn chào đón những mảnh đời bất hạnh đến với mình”. Theo anh Thin, để duy trì mái ấm, hai vợ chồng anh làm đủ thứ nghề. Anh xin theo các công trình làm công nhân. Với 2ha rẫy, chị Lững trồng đủ các loại cây hoa màu.

    “Hai vợ chồng mình dù còn nghèo nhưng sẽ tiếp tục nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh khác. Dù sao thì cũng đã nghèo rồi, thêm 1, 2 miệng ăn cũng không chết được. Quan trọng là mình phải cố gắng vượt qua những khó khăn bằng sự lạc quan yêu đời. Mình luôn dạy mấy đứa con như thế”, chị Lững tâm sự.

    Nói rồi chị Lững quay ra ngoài sân, nơi đám trẻ con đang nô đùa, gọi Y Củi (14 tuổi). Nghe gọi tên mình, một cậu bé mồ hôi đầm đìa vội chạy vào ôm chặt lấy chị. Chị Lững cho biết, nhà Y Củi ở một xã hẻo lánh của huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ đưa cháu đến nhờ chị chăm sóc. Đứng lọt thỏm trong lòng chị Lững, Y Củi rụt rè kể: "Nhà cháu rất nghèo, gia đình lại đông anh em, cuộc sống rất khó khăn. Bố mẹ quanh năm đi làm thuê nhưng cũng chẳng đủ ăn. Nhiều tháng trời mưa bố mẹ không có ai thuê đi làm không có tiền mua gạo, cả gia đình phải ăn củ mì, rau rừng. Từ ngày về ở với mẹ Lững, cháu được ăn uống đầy đủ. Mẹ Lững rất thương cháu nhưng cháu cũng rất nhớ bố mẹ ở nhà. Mong bố mẹ cháu kiếm được nhiều tiền, cuộc sống đỡ vất vả, xuống đón cháu về thăm gia đình, các anh chị em".

    Niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng chị Lững là sự trưởng thành của các con. Từ mái ấm của chị, 3 đứa trẻ bất hạnh đã được bước chân vào cổng trường đại học. Hàng chục đứa trẻ khác lập gia đình và không quên hỗ trợ mẹ nuôi kinh phí chăm sóc các em. Sau hơn 15 năm làm việc thiện, đến nay mái ấm của vợ chồng chị Lững đã che chở cho hơn 50 cuộc đời bất hạnh vượt qua giông bão.

    "Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum cho biết: "Chị Lững là một công dân tốt, không những cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi mà còn giúp đỡ những em gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hiện tại, đơn vị đang hướng dẫn cho chị Lững hoàn thành các thủ tục pháp lý để được cơ quan chức năng hỗ trợ, bớt đi phần nào vất vả khi hàng ngày lo cho hàng chục trẻ em".

    Hồ Nam

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 129

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doa-hoa-rung-mo-coi-vuot-qua-hu-tuc-sinh-tu-cuu-mang-nhieu-manh-doi-bat-hanh-a335023.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan