Rùng mình trước viễn cảnh bệnh nhân hóa nạn nhân, phản hồi từ đại diện bệnh viện Phụ sản Trung ương và sở Y tế Hà Nội về lai lịch các vị bác sĩ “cò” đồn lại khiến ai nấy đều cảm thấy khiếp đảm vì sức khỏe bỗng như trò đùa.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định không có bác sĩ nào từng công tác tại bệnh viện. |
Không có bác sĩ nào công tác tại bệnh viện
“Tất cả các bác sĩ Mai Thanh, Thu Hương, Lê Thị Hải đều không phải người của bệnh viện. Trước đây cũng chưa bao giờ công tác trong viện”, đây là câu trả lời từ đại diện bệnh viện Phụ sản Trung ương khi PV tạp chí ĐS&PL đến tìm hiểu về lai lịch của các vị bác sĩ như đã thông tin ở những bài trước, làm việc tại các phòng khám bao gồm: Phòng khám chuyên khoa Phụ sản (số 13, Thợ Nhuộm); phòng khám đa khoa Ánh Dương (số 34, Thợ Nhuộm); phòng khám chuyên khoa phụ sản Thu Hương (số 79, Giải Phóng).
Đồng nghĩa với việc “cò mồi” lừa lọc trắng trợn, bác sĩ mạo danh thì người bệnh đến thăm khám tại các địa chỉ phòng khám trên cũng hoàn toàn không được bảo vệ. Thăm khám trót lọt thì không sao nhưng chẳng may xảy ra các vấn đề về sức khỏe thì biết “đánh trống kêu oan” chỗ nào?
Những tưởng được thăm khám trong bệnh viện thì bị dẫn đến phòng khám tư nhân, động viên tinh thần dù sao cũng được các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành trong viện khám thì giờ đây lại vỡ lẽ khi biết sự thật không có “lương y” nào đang công tác, thậm chí đã từng làm việc tại bệnh viện. Sức khỏe người bệnh bỗng hóa trò đùa, trót tin lời “cò mồi” thì tiền đã mất, nguy cơ mang tật.
Chưa hết sốc khi biết những vị “bác sĩ” nêu trên dùng danh tiếng bệnh viện để hành nghề, đại diện truyền thông từ phía bệnh viện khẳng định thêm một lần nữa: “Chắc là họ mạo danh nói bên ngoài như thế, nhưng tất cả các bác sĩ này chưa từng công tác tại bệnh viện. Bệnh viện chúng tôi chỉ quản lý những bác sĩ đang làm tại bệnh viện, còn những người ở ngoài không phải ở trong viện cũng khó can thiệp”.
Bày tỏ lo lắng trước danh tiếng của bệnh viện cũng như người đến thăm khám đang bị lợi dụng, vị này đưa ra khuyến cáo: “Người dân hay người bệnh đi khám cần phải sáng suốt. Tất cả những người dân đi khám tại bệnh viện là phải đi thẳng vào cổng bệnh viện, gặp nhân viên y tế chứ không nên đứng ở ngoài cổng viện để hỏi. Bệnh viện chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, phát loa, biển báo, bảo vệ để người dân không tin theo người lạ”.
Bác sĩ phát sinh tại phòng khám phải báo cáo
Liên quan đến các bác sĩ đang làm việc tại các phòng khám chuyên khoa Phụ sản (số 13, Thợ Nhuộm); phòng khám đa khoa Ánh Dương (số 34, Thợ Nhuộm); phòng khám chuyên khoa phụ sản Thu Hương - 79 Giải Phóng, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân (sở Y tế Hà Nội).
Tại đây, ông Trung khẳng định tất cả các phòng khám nêu trên đều có đăng ký giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, tên của bác sĩ Thu Hương (phòng khám chuyên khoa phụ sản Thu Hương - 79 Giải Phóng), bác sĩ Lê Thị Hải (phòng khám đa khoa Ánh Dương (số 34, Thợ Nhuộm) lại không có trong danh sách nhân sự đã và đang đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám.
Về điều này, ông Trung cho hay: “Những bác sĩ phát sinh hành nghề tại phòng khám thì phải báo cáo sở Y tế. Còn nếu không báo cáo mà tại thời điểm kiểm tra phát hiện ra thì theo Nghị định 176 xử lý theo quy định, sai đến đâu xử lý đến đó. Cả 3 phòng khám nêu trên chúng tôi chưa đi kiểm tra”.
“Các bác sĩ hành nghề phải có đăng ký, nhưng cũng có bác sĩ hợp tác về chuyên môn thì phải có hợp đồng nhưng hoạt động ở từng thời điểm chứ không phải sang một hai năm. Quan điểm của chúng tôi là khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Trung nhấn mạnh.
Nói về công tác thanh kiểm tra, ông Trung cho hay trên địa bàn Hà Nội có gần 4.000 phòng khám, mỗi năm sở Y tế có đi thanh kiểm tra, đồng thời có sự phân cấp: “Các phòng khám này sẽ được phòng y tế của các quận huyện, trạm y tế các phường kiểm tra theo phân cấp, làm sao trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở một năm sẽ được kiểm tra 100%, chứ không phải sở Y tế không đi kiểm tra”.
Như vậy, đã rõ lai lịch của các vị bác sĩ “cò” đồn, tất cả đều chưa từng công tác tại bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng vẫn kiếm tiền trên danh nghĩa tự xưng một cách trắng trợn. Thông qua cò mồi, người bệnh như bị “thôi miên” về uy tín và chất lượng của các vị “bác sĩ”, nghĩa là nếu không có hội nhóm tiếp thị túc trực tại cổng bệnh viện này thì chẳng bệnh nhân nào biết và đến thăm khám tại các địa chỉ phòng khám tư nhân nêu trên. Sự móc nối uyển chuyển từ cò mồi, xe ôm chuyên chở bệnh nhân đến gặp bác sĩ khiến những ai nhẹ dạ khó mà phát hiện được. Vòng tròn này vẫn hàng ngày lặp lại.
Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh nhân hóa nạn nhân dường như đã không còn là chuyện lạ, khó hiểu ở chỗ mặc dù công tác thanh kiểm tra vẫn diễn ra thường xuyên nhưng hội nhóm “cò mồi” lại chưa bị “sờ gáy”, thậm chí ngày càng ngang tàng và lộng hành hơn trước. Để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh và bệnh viện, đề nghị các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc xử lý.
Bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện Phụ sản Trung ương nên đề cao cảnh giác trước các đối tượng “cò mồi”, không nghe theo sự dẫn dụ khám nhanh, khám dịch vụ ngoài cổng bệnh viện, tránh “tiền mất tật mang” mà chẳng thể kêu cứu.
Nhóm PV
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (127)