+Aa-
    Zalo

    Điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay tại Indonesia, không một ai sống sót

    (ĐS&PL) - Hiện trường cho thấy nửa trước của máy bay bị hư hỏng nghiêm trọng, và phần cánh đã tách rời khỏi thân.

    Theo truyền thông Indonesia, vào sáng 20/10 (giờ địa phương), một chiếc máy bay cỡ nhỏ thuộc hãng hàng không SAM Air đã gặp tai nạn tại tỉnh Gorontalo, trên đảo Sulawesi, khiến cả 4 người trên khoang thiệt mạng.

    Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh minh họa

    Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh minh họa

    Ông Heriyanto, đại diện cơ quan tìm kiếm và cứu hộ tại Gorontalo, cho biết: "Máy bay PK SMH đã rơi sau khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Chiếc máy bay xuất phát từ sân bay Djalaluddin Gorontalo vào lúc 7h30, dự kiến hạ cánh tại sân bay Bumi Panua Pohuwato. Tuy nhiên, máy bay đã mất liên lạc và được xác nhận rơi gần sân bay Bumi Panua Pohuwato". 

    Sau vài giờ tìm kiếm, chiếc máy bay sản xuất năm 1980, với sức chứa 19 hành khách, đã được phát hiện tại một khu vực nuôi tôm thuộc quận Randangan, cách đường băng sân bay Bumi Panua Pohuwato khoảng 500 mét.

    Hiện trường cho thấy nửa trước của máy bay bị hư hỏng nghiêm trọng, và phần cánh đã tách rời khỏi thân, phản ánh mức độ thảm khốc của vụ tai nạn.

    Bốn nạn nhân trong vụ tai nạn bao gồm cơ trưởng M Saefurubi A, cơ phó M Arthur Vico G, kỹ sư Budijanto và một hành khách tên Sri Meyke Male.

    Theo cơ quan khí tượng địa phương, thời điểm xảy ra tai nạn thời tiết có mây, có khả năng ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công, nhưng nguyên nhân chính thức vẫn đang được điều tra.

    Hồi giữa tháng 6/2023, một tai nạn khác liên quan đến hãng SAM Air từng khiến sáu người thiệt mạng.

    Trong một vụ việc khác cũng liên quan tới tai nạn máy bay, tại Mỹ, hai thành viên phi hành đoàn đã tử vong khi một máy bay chiến đấu EA-18G Growler gặp nạn ở bang Washington.

    Một chiếc EA-18G Growler. Ảnh: Ken Lambert/The Seattle Times

    Một chiếc EA-18G Growler. Ảnh: Ken Lambert/The Seattle Times

    Cụ thể, một chiếc máy bay thuộc Phi đội Tấn công Điện tử đã rơi về phía đông núi Rainier, theo thông tin từ Căn cứ Không quân Hải quân Whidbey Island. Các đội tìm kiếm, trong đó có trực thăng MH-60S, đã nhanh chóng được triển khai để tìm kiếm.

    Các binh sĩ Lực lượng Đặc nhiệm Lục quân đã được huy động để tiếp cận đống đổ nát, ở độ cao khoảng 6.000 feet (1.828 mét) trong một khu vực xa xôi, dốc và rừng rậm về phía đông của núi Rainier, theo các quan chức cho biết.

    Theo Hải quân Mỹ, tên của các phi công sẽ không được công bố cho đến khi gia đình của họ được thông báo, nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.

    Việc tìm kiếm các thành viên phi hành đoàn mất tích "nhanh chóng và an toàn nhất có thể" là ưu tiên hàng đầu, theo Đại tá David Ganci, chỉ huy Phi đội Tấn công Điện tử, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nói hôm thứ Năm.

    EA-18G Growler là một phiên bản tương tự với F/A-18F Super Hornet và được trang bị các thiết bị chiến tranh điện tử tiên tiến. Phần lớn các phi đội Growler được đặt tại Whidbey Island. Một phi đội khác được đặt tại Căn cứ Không quân Thủy quân Lục chiến Iwakuni, Nhật Bản.

    Hồi tháng 5, một máy bay chiến đấu F-35 đã gặp nạn trên đường đến Căn cứ Không quân Edwards. Năm ngoái, tám thành viên của Bộ Tư lệnh Hoạt động Đặc biệt Không quân Mỹ cũng đã thiệt mạng khi một chiếc CV-22B Osprey rơi ngoài khơi Nhật Bản.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ieu-tra-nguyen-nhan-vu-roi-may-bay-tai-indonesia-khong-mot-ai-song-sot-a474964.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan