+Aa-
    Zalo

    Điều gì xảy ra nếu người đời cứ khó khăn là trưng biển xin giúp đỡ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Thời gian qua, xã hội liên tiếp xuất hiện những trường hợp các bạn trẻ gây thu hút sự chú ý của dư luận bằng cách... cầm bảng xin giúp đỡ.

    (ĐSPL)- Thời gian qua, xã hội liên tiếp xuất hiện những trường hợp các bạn trẻ gây thu hút sự chú ý của dư luận đối với một thông tin nào đó mà bản thân muốn truyền tải rộng rãi bằng cách... cầm bảng xin giúp đỡ.

    Còn là hiện tượng lạ?

    Chắc hẳn độc giả còn nhớ câu chuyện chàng cử nhân Phùng Đức Ninh (SN 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh) tốt nghiệp trường Đại học Điện lực) từng gây xôn xao dư luận bằng hành động cầm biển, đứng giữa đường phố Hà Nội, để xin việc hôm 17/8. Ninh cho biết anh đang thất nghiệp sau khi ra trường, và đây là nỗ lực duy nhất vào lúc này để cậu có thể kiếm được một công việc, kiếm tiền lo cho vợ con. "Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi...", Ninh viết trên tấm biển xin việc.

    Hình ảnh một nam sinh viên vừa ra trường cầm tấm biển xin việc.

    Người đồng cảm, kẻ cười chê hình ảnh ông bố cầm tấm biển xin việc theo cách rất "bản năng", đang nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía cộng đồng. Nhắc lại chuyện cũ, quan điểm người viết cho rằng, chàng cử nhân với hành động dũng cảm, dám đối diện với chính mình, thành thật với gia đình, cần được xã hội trân trọng.

    Nó khác hẳn với suy nghĩ, bệnh sĩ diện hão của hàng trăm nghìn cử nhân đang thất nghiệp vẫn "há miệng chờ sung", bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm cho bản thân một công việc phù hợp. Và ai đó mới thực sự "có vấn đề" khi không ngừng mỉa mai xỉa xói, không chút lòng trắc ẩn trước những nỗ lực hết mình của một ông bố trẻ, đang nuôi dưỡng hyvọng, tìm kiếm  cơ may trong cuộc sống...

    Đâu đó hình ảnh Phùng Đức Ninh một lần nữa được tái hiện qua câu chuyện của thanh niên Trần Văn Sâm (Bình Thuận) tay cầm tấm biển, đứng cạnh chợ Mũi Né, với nội dung: "Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường, xin hãy giúp em", hôm 31/8 vừa qua.

    Câu chuyện bắt đầu từ việc, thí sinh Trần Văn Sâm (SN 1991, trú tại phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) đã tốt nghiệp y sĩ trung cấp. Sâm hai năm nay gần như làm không lương tại Phòng khám Đa khoa Mũi Né. Mới đây, Sâm được sở Y tế Bình Thuận cử đi thi liên thông y đa khoa tại trường Đại học Y Dược Cần Thơ vào đợt thi ngày 15/7.

    Sâm đạt kết quả 26,5 điểm, thừa 2,5 điểm nếu em đăng ký là thí sinh tự do của Kỳ thi tuyển sinh liên thông năm nay. Tuy nhiên, do Sâm chưa được tuyển dụng chính thức tại đơn vị công tác nên kết quả thi bị loại bỏ.

    Sở Y tế Bình Thuận đã có văn bản gửi trường Đại học Y Dược Cần Thơ xin đính chính lại thông tin và xin chuyển em sang diện thí sinh tự do nhưng không được nhà trường chấp nhận.

    Bất lực, Trần Văn Sâm đã phải ôm trước ngực tấm biển với nội dung: "Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!" ra đường. Sự việc được giới truyền thông phản ánh, bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc xử lý...

    Cũng nhằm mục đích gây chú ý nhưng trường hợp "cầm bảng" của cô gái sau cũng chỉ dừng lại ở đúng duy nhất mục đích đó. Vào sáng ngày 26/6, một cô gái được cho là đang làm nghề DJ cũng đã cố tình "chơi trội" khi cầm lần lượt 2 tấm bảng với dòng chữ "Phụ nữ ôm 50k, hôn 100k.

    Đàn ông free từ A đến Z" và "Đàn ông làm gì tùy ý" đứng tại góc đường Lê Thánh Tôn – Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM). Chưa biết thực hư mục đích hành động của cô gái "cầm bảng cho vui" này là gì nhưng dường như chẳng ai hưởng ứng ý tưởng quái đản của cô. Chỉ sau vài tiếng gây xôn xao một góc đường trung tâm thành phố, cô gái này cũng đã lẳng lặng biến mất cùng tấm bảng mà không có bất kỳ "người khách" nào. Nếu vì mục đích để nổi tiếng thì rõ ràng cô gái này đã thất bại bởi đến hôm nay cũng chẳng mấy ai biết hay nhớ tên cô.

    Một tấm biển- Vỗ tay hay ném đá

    Trong vòng 2 tuần, có hai người cầm biển đứng giữa đường gây xôn xao. Tuần trước là một cậu cử nhân cầm biển xin việc để lấy tiền mua sữa cho con, tuần này đến cậu thí sinh cầm biển xin giúp đỡ vì đỗ điểm cao vẫn không được vào đại học.

    Cả hai đều còn trẻ, và đều cầm biển ra phố vì cực chẳng đã. Cậu cử nhân đã làm bố giãi bày: "Mình đang cảm thấy vô cùng bế tắc..., mình hoàn toàn không muốn phải đứng giữa đường để xin việc như này. Đây có lẽ là việc làm cuối cùng để mình có thể lo cho vợ con". Cậu sinh viên tương lai cũng vì "hết cách rồi em mới cầm tấm bảng van xin được giúp đỡ ra đường...".

    Hai tấm biển đều liên quan đến tương lai của họ. Nhưng phản ứng của dư luận với hai chàng trai khác nhau. Ông bố trẻ bị "ném đá" tơi tả, nặng nề, đến mức "không có lòng tự trọng", "lôi con cái ra để nhà tuyển dụng bố thí một công việc chăng"... Cậu thí sinh thì được vỗ tay, thông cảm, động viên, nhưng cũng có không ít "góp ý", kiểu sao không làm cứ khó khăn là đồng loạt trưng biển "xin giúp đỡ"?

    Đã đành, dù là ở bước đường cùng, họ vẫn có thể không cầm biển, mà làm theo cách như xưa nay vẫn làm. Ông bố trẻ có thể đâm đơn xin việc khắp nơi, có thể làm công nhân, bỏ phí bao năm đèn sách như chính anh nói, và rồi cuối cùng thế nào cũng có được một công việc để mua sữa cho con.

    Cậu thí sinh có thể làm đơn, gửi khắp nơi, từ trường, đến Sở, đến Bộ, và rồi sẽ được giải quyết. Nhưng họ đã chọn cách cầm biển đứng giữa đường, và cả hai đều nhận được những bàn tay chìa ra giúp đỡ, rất nhanh. Đã có không chỉ một doanh nghiệp sau khi đọc bài báo về ông bố trẻ đã liên hệ, để lại địa chỉ với lời hứa "sẽ nhận bạn này và giúp bạn nhanh có thu nhập để lo cho vợ con...".

    Cậu thí sinh thì đã được nhập học, nhờ sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ trưởng bộ GD&ĐT. Tương lai của hai chàng trai trẻ đã không bị đóng chặt lại, nhờ những tấm biển giăng ra giữa đường.

    Nhiều người mừng cho hai chàng trai trẻ đấy, nhưng với sự hoài nghi thường trực, vẫn lo rằng, rồi thì cầm biển xuống đường sẽ thành phong trào, người ta sẽ ào ào cầm biển lao ra giữa đường vì bất cứ lý do cỏn con nào.

    Thực tế, đã có không ít tấm biển được giăng ra giữa phố, tử tế, nhân nghĩa có; nhảm nhí, tào lao cũng có. Và những tấm biển ấy đều nhận được sự phản hồi, được vỗ tay hoặc bị "ném đá", tùy thuộc vào những gì viết trên đó.

     Như thế, có thành phong trào cầm biển cũng chẳng sao, vì những bàn tay chìa ra với những tấm biển rất sáng suốt, sẽ biết khi nào thì nên vỗ tay, giúp đỡ, và khi nào thì nên "ném đá".

    Trong bối cảnh xã hội đương thời, khi mà công nghệ số đang lên ngôi thì sự trở lại của một phương thức truyền thông đậm chất truyền thống như "cầm bảng" đã tạo nên một sự khác biệt và chính sự khác biệt đã lôi kéo được sự chú ý của dư luận đối với người truyền tải thông tin cũng như thông tin được truyền tải.

    Quả thực không ai có thể ngờ rằng vào thời đại này, một thông điệp được viết tay hoặc in trên bảng rồi được cầm ra đường lại có sức lan tỏa rộng rãi và mạnh mẽ hơn cả việc post một dòng trạng thái trên Facebook như vậy.

     Với sức mạnh truyền thông đã được minh chứng qua thực tế, "cầm bảng" hứa hẹn sẽ tiếp tục là một phương thức truyền thông được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi có nhu cầu gây chú ý.

    Hiện tượng "cầm bảng" dù xuất phát từ động cơ nào cũng không nằm ngoài mục đích trước tiên và trên hết là thu hút sự chú ý của dư luận. Nhưng thu hút sự chú ý của dư luận để rồi làm được gì mới là vấn đề quan trọng.

    Để vừa đạt được mục đích cá nhân vừa không gây phản cảm với những người xung quanh thì trước khi quyết định truyền đi một thông điệp nào đó, chúng ta cũng nên suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ từ nội dung thông điệp, hình thức thể hiện và cách thức truyền tải.

    H.N

     Xem thêm video:

    [mecloud]gEXcBuYYlg[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-gi-xay-ra-neu-nguoi-doi-cu-kho-khan-la-trung-bien-xin-giup-do-a110058.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.