+Aa-
    Zalo

    Diễn viên Thiện Tùng - “Kẻ tội đồ” trong Thương nhớ ở ai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thương nhớ ở ai là bộ phim đang “làm mưa, làm gió” trên sóng truyền hình và nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

    Thương nhớ ở ai là bộ phim đang “làm mưa, làm gió” trên sóng truyền hình và nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Bộ phim kể câu chuyện về thân phận người phụ nữ ở làng quê Bắc Bộ giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975. Từng con người, từng hình trong phim đã gây cảm xúc mạnh cho khán giả, trong đó nhân vật trưởng ban Văn hóa xã tên Ngô Quất do Thiện Tùng thể hiện cũng để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

    Đoàn phim đã đi qua 18 ngôi làng với 2.000 cảnh quay

    Chia sẻ với PV báo ĐS&PL về lý do được mời tham gia phim Thương nhớ ở ai, Thiện Tùng cho biết: “Trước đây, tôi đã làm việc với đạo diễn Lưu Trọng Ninh ở bộ phim Hoa cỏ may, anh em cũng đã có sự hiểu nhau. Trong thời gian chọn diễn viên cho Thương nhớ ở ai, anh Ninh đã điện thoại cho tôi và mời vào phim. Anh Ninh nói, vai Ngô Quất là vai anh mời đầu tiên trong phim, đây là một nhân vật rất hay, rất thú vị em hãy nghiên cứu cho anh. Khi đọc kịch bản, Thiện Tùng rất thích. Đây một nhân vật rất lạ và khác chất mà mình đã thể hiện. Thế nên, tôi đã nhận lời tham gia bộ phim”.

    Nam diễn viên Thiện Tùng.

    Thiện Tùng khá có duyên với phim đề tài lịch sử, nhưng đa số vai là vai chính diện, trong sáng và được khán giả yêu mến. Nhưng lần này, vai diễn của anh hoàn toàn khác. Đó là Ngô Quất - một cán bộ văn hóa xã kém hiểu biết, hống hách, nhờ thời cuộc mà ngoi lên làm khổ người dân làng Đông. Nhân vật rất điển hình cho thời kỳ cải cách ruộng đất. Nó như cái gai trong mắt của người dân lúc bấy giờ.

    “Áp lực của Tùng có lẽ là làm sao để xây dựng được một hình tượng nhân vật để khán giả xem và cảm thấy bức xúc, khó chịu mỗi khi Ngô Quất xuất hiện. Và quả thật, khi xem lại lúc mình đóng, Thiện Tùng đã nghĩ, đúng là vai Ngô Quất này rất đáng ghét, đáng trách”.

    Với Thiện Tùng, khi đã là một diễn viên chuyên nghiệp thì việc xây dựng hình tượng thành công cho từng vai diễn là điều hạnh phúc nhất. Anh trải qua nhiều nhân vật, nhiều số phận. Cái đẹp, cái đặc biệt của mỗi nhân vật chính là tính cách và thần thái. Vì vậy, anh chẳng ngại làm xấu mình trên màn ảnh, chẳng ngại trở thành kẻ xấu xa và bị khán giả ghét.

    Thiện Tùng cho biết: “Để có thể hoàn thành tốt nhất vai Ngô Quất, tôi đã nghiên cứu rất kỹ mọi yếu tố liên quan đến nhân vật này từ phục trang đến những chi tiết nhỏ khác để làm toát lên hình ảnh của một kẻ lộng hành. Anh ta chỉ là kẻ “quyền rơm” nhưng luôn ghê gớm, doạ nạt, mỉa mai người dân. Có lẽ, một chiếc “thùng rỗng kêu to” là chìa khoá của nhân vật Ngô Quất”.

    Diễn viên Thiện Tùng cho hay, cả đoàn làm phim Thương nhớ ở ai đều đã rất nỗ lực để có một bộ phim truyền hình khác biệt, với phiên bản điện ảnh cùng tên. Trong đó, đầu tư vào kỹ xảo được coi là một yếu tố quan trọng để phục dựng lại những bối cảnh nông thôn vốn đã không còn nguyên vẹn sau nhiều năm bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa.

    Để có được những hình ảnh đẹp và chân thực nhất như cây đa, bến nước, sân đình, kho bãi... những không gian đậm chất làng quê Bắc Bộ, đoàn làm phim đã phải lặn lội đi khảo sát và quay phim tại 18 ngôi làng khác nhau cùng 2.000 cảnh phim được làm kỹ xảo hết sức công phu.

    Xong cảnh quay, thắp hương xin Thành hoàng làng tạ lỗi...

    Kể về những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia phim Thương nhớ ở ai, Thiện Tùng tâm sự: “Phân cảnh tôi nhớ nhất là cảnh Ngô Quất đọc lệnh phá đình, quay tại đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội. Đó là một ngôi đình cổ tuyệt đẹp, mang đậm văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Cảnh quay đó được thực hiện công phu với sự tham gia của 100 diễn viên quần chúng và Tùng phải thực hiện cảnh dùng xà beng phá đình, phá ban thờ.

    Tôi rất sợ khi phải diễn cảnh này, vì lúc đó có hàng trăm ánh mắt bà con nhìn mình - nhìn kẻ tội đồ của làng. Họ không diễn mà đang căm ghét hành động ngu dốt của Ngô Quất. Thật sự quá khó để tôi thực hiện cảnh này. Vì, tôi đồng cảm với trái tim của bao người con đất Việt, nhưng vẫn phải làm để lột tả sự điên rồ của nhân vật. Cuối cùng, cảnh quay cũng hoàn thành xuất sắc. Nói thật, tôi đã rơm rớm nước mắt khi xem lại những hình ảnh ấy”.

    Sau khi hoàn thành cảnh quay, mọi người ra về nhưng Thiện Tùng đã ở lại và xin các vị Thành hoàng làng tha lỗi cho sự bất kính của mình. Đó chỉ là cảnh quay, nhưng nó khiến anh dựng tóc gáy.

    “Rất nhiều công trình kiến trúc cũ bị tiêu hủy chỉ vì sự ấu trĩ thiếu hiểu biết của một số người. Ngô Quất là một người trong số đó. Hy vọng, sự cố gắng của tôi sẽ làm khán giả hài lòng”.

    Một cảnh trong phim "Thương nhớ ở ai".

    Khi hỏi Thiện Tùng về việc thời gian gần đây có nhiều ý kiến trái chiều khi đoàn phim Thương nhớ ở ai để diễn viên nữ mặc áo yếm mà không có áo ngực, quan điểm của anh thế nào? Thiện Tùng chia sẻ: “Phục trang trong Thương nhớ ở ai tuân thủ theo thời kỳ lịch sử những năm 1954 – 1975 ở miền Bắc. Áo yếm rõ ràng là lớp áo trong cùng của người xưa và anh Lưu Trọng Ninh muốn lột tả bức tranh sinh động về làng quê Bắc Bộ thời đó. Làng quê chỉ còn người già và trẻ em rất ít thanh niên đang độ tuổi yêu. Nếu ta hiểu câu chuyện một cách sâu sắc sẽ đồng cảm với ý đồ của đạo diễn trong phim”.

    “Lưu Trọng Ninh là đạo diễn quyết đoán. Khi chưa làm việc tôi cũng nghe nhiều người nói về tính quyết đoán của anh Ninh nên luôn có ý thức cao về công việc của mình. Bản thân tôi cũng đã xem nhiều tác phẩm của anh. Anh Ninh đặc biệt tôn trọng sự sáng tạo, độc lập của diễn viên. Anh cho diễn viên thỏa sức sáng tạo và lựa theo sức sáng tạo của diễn viên để cùng tìm đến nhân vật một cách ngọt nhất, chân thực nhất.

    Khi làm việc, anh Ninh tập trung lắm, nhiều khi tôi thấy anh ấy làm bằng 200% sức lực của mình. Trên phim trường, anh ấy hay quát, nhưng đó là sự “ầm ĩ” với các trợ lý của anh chứ không phải là diễn viên. Thiện Tùng đã có 2 phim làm chung với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, nhưng chưa bao giờ thấy anh Ninh nói to với tôi hay diễn viên trong đoàn”, Thiện Tùng cho biết.

    Lạc Thành

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 145

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-vien-thien-tung---ke-toi-do-trong-thuong-nho-o-ai-a211872.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan