(ĐS&PL) Trước thông tin cơ quan CSĐT Bộ Công an dựa trên căn cứ tố giác của ông Nguyễn Chấn và tài liệu điều tra thu thập được để tiến hành khởi tố vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nhiều luật sư khẳng định tranh chấp tài sản nhà bà Tư Hường là tranh chấp dân sự, hình sự hóa tranh chấp dân sự là không đúng quy định pháp luật.
Nội dung tranh chấp mang tính dân sự
Ông Nguyễn Chấn (SN 1923, ngụ P.6, Q.3, TP.HCM) đã tố cáo con trai mình là ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á - Nam Á Bank). cấu kết với nhiều người khác có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Nam Á Bank và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Tuy nhiên, các con gái của bà Tư Hường lại có đơn gửi cơ quan CSĐT cho rằng nếu có việc tranh chấp tài sản trong gia đình thì đó chỉ là quan hệ dân sự và các bên có thể khởi kiện ra tòa.
Cụ thể, theo các con gái bà Tư Hường, từ năm 2012 bà Tư Hường đã mong muốn ông Toàn tiếp tục quản lý tài sản, điều hành công việc kinh doanh của gia đình. Việc chuyển giao công khai giữa các con, được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình khi bà còn đang minh mẫn. Trước khi giao cho ông Toàn, những người con khác cũng đã được bà Tư Hường trao cho nhiều cơ hội quản lý, kinh doanh nhưng đều không thành công.
Ông Nguyễn Chấn, chồng bà Tư Hường (đã mất), tố cáo con trai tại Đại hội cổ đông Eximbank mới đây đang gây ra những xáo trộn với Nam Á Bank và Tập đoàn Hoàn Cầu |
Bản thân ông Chấn cũng cho biết, giữa năm 2016, bà Tư Hường bị bệnh nên giao cho con là ông Toàn quản lý Nam Á Bank và Tập đoàn Hoàn Cầu, tuy nhiên quyền sở hữu vẫn thuộc về vợ chồng ông. Do đó, các con gái là đã làm đơn đề nghị Bộ Công an đình chỉ hoạt động điều tra vụ án liên quan đến đơn tố cáo của ông Chấn.
Luật sư khẳng định tranh chấp dân sự, hình sự hóa là không đúng quy định pháp luật
Trước sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho rằng, diễn biến vụ việc này phức tạp khi tranh chấp tài sản giữa các thành viên gia đình, cha tố cáo con. Tuy nhiên, vụ việc này có tính chất dân sự nhiều hơn hình sự vì bản chất là tranh chấp thừa kế tài sản.
“Khi có lời tố cáo thì việc thụ lý giải quyết phải đúng trình tự rồi mới quyết định về khởi tố. Đây là dân sự, tranh chấp cổ phiếu có thể đưa ra tòa”, Luật sư Hậu chia sẻ.
Theo Luật sư Hậu, tranh chấp trong gia đình là chuyện bình thường. Khi đụng đến tiền bạc thì tình nghĩa không còn. Thực tế cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh như vậy. Do đó, cơ quan CSĐT cần điều tra khách quan, toàn diện.
Giải thích sâu hơn về cổ phần, cổ phiếu có được xem là tài sản và Bộ luật Dân sự quy định thế nào về việc thừa kế cổ phần, cổ phiếu, Luật sư Hồ Điệp - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, khoản 1 Điều 105, Bộ luật Dân sự quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong khi theo Điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty cổ phần là Doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Khoản 1, Điều 120, Luật Doanh nghiệp quy định cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Vì vậy cổ phần, cổ phiếu được coi là một loại tài sản.
“Sau khi bà Tư Hường chết mà để lại tài sản gồm cổ phần, cổ phiếu, vốn góp, bất động sản thì sẽ phát sinh quyền thừa kế của những người được hưởng. Nếu giữa các đồng thừa kế phát sinh tranh chấp về thừa kế thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết. Về quan hệ hình sự, công an đã khởi tố vụ án thì họ phải làm rõ và chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật cụ thể theo BLHS”, Luật sư Điệp nhấn mạnh.
Luật sư Thái Đức Long (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, tranh chấp tài sản này có hai quan hệ đó là quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và quan hệ cổ đông trong doanh nghiệp vẫn thuộc về quan hệ dân sự, vẫn chưa phải là quan hệ hình sự. Do đó, khởi tố vụ án là không đúng với quy định pháp luật.
“Nếu cần thì khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp, chứ không thể xử lý hình sự bằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Và bị can của vụ này là ai?”, Luật sư Long đặt vấn đề.
Theo các luật sư, từ các phân tích và nhận định nêu trên, việc hình sự hóa một tranh chấp dân sự là đi ngược lại chủ trương của Đảng và Quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
Như đã thông tin, ngày 20/6, cơ quan CSĐT Bộ Công an căn cứ tố giác của ông Nguyễn Chấn chồng đại gia Tư Hường (Trần Thị Hường) và tài liệu điều tra thu thập được đã khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS 2015 do có dấu hiệu tội phạm.
Trước đó, ngày 18/2, ông Chấn đã làm đơn tố cáo con trai là ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank). Nội dung tố cáo là ông Toàn đã cấu kết cùng một số cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Nam Á Bank và các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Hoàn Cầu.
Trong khi đó, phía ông Toàn và những người bị tố cáo đề nghị Bộ Công an đình chỉ hoạt động điều tra vụ án liên quan đến đơn tố cáo của ông Chấn. Đồng thời, họ cho rằng những người anh em còn lại trong gia đình lợi dụng tình trạng kém minh mẫn ở độ tuổi 96 của ông Chấn xúi giục ông tố cáo không có cơ sở, làm mất danh dự bà Tư Hường và những người bị tố cáo.
Đại diện Ngân hàng Nam Á khẳng định việc tranh chấp này đã diễn ra từ nhiều năm nay trong nội bộ gia đình của ông Chấn và ông Toàn, sau khi bà Tư Hường, cổ đông sáng lập Ngân hàng Nam Á mất. “Đây là những tranh chấp dân sự về cổ phiếu Nam A Bank, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động Nam A Bank, một doanh nghiệp đại chúng hoạt động công khai, minh bạch và tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật hiện hành”, văn bản của Ngân hàng Nam Á viết.
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đang quay trở lại? Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, thực tế cho thấy, chủ trương “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” đã xuất hiện trong Nghị quyết số 35/NQ-CP về "hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” được Chính phủ ban hành vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, chủ trương đó đang đi ngược và dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đang quay trở lại? Trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước vào 29/4/2016 được báo chí đăng tải, người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp "doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế". Suốt cuộc đối thoại kéo dài từ 8h đến gần 13h30 cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần lớn nhất là không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế. Và thông điệp "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đến 3 lần trong hơn 5 giờ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cả nước ngày 29/4. Ngay sau cuộc đối thoại trên, vào 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về "hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020", trong đó nổi bật là mục tiêu và nguyên tắc: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật". Dấu ấn của Nghị quyết 35/NQ-CP được thể hiện rất tích cực chỉ một năm sau đó. Tại "Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2", trong buổi gặp gỡ của Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG nhắc lại hội nghị "Diên Hồng" năm ngoái, Thủ tướng từng đề cập vấn đề này như một trong những tinh thần lớn nhất. Theo bà Nga, chủ trương không hình sự hóa đã giúp các doanh nghiệp cảm thấy được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chính đáng, dám nghĩ dám làm, khai thác những lĩnh vực tiên phong, rủi ro cao, giải phóng sức lao động để phát triển. Trước chủ trương đó đã từng xảy ra nhiều vụ việc truy tố quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi trên khắp cả nước. Đó là chủ quán cà phê Xin Chào Nguyễn Văn Tấn ở TP.HCM, là các doanh nhân Hoàng Minh Tiến (Hà Nội), Phùng Thị Thu (Thái Bình), Nguyễn Văn Lượng (Nam Định),... bị "khép" các tội danh trốn thuế, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản oan khuất, gây hoang mang, sợ hãi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc hình sự hóa chỉ lập tức ảnh hưởng tới một số người. Còn với việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế liên quan đến một doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đang diễn ra gần đây tại TP.HCM, hậu quả là không thể lường trước được. Quay trở lại với cuộc đối thoại kéo dài từ 8h đến gần 13h30 vào ngày 29/4/2016, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân. Tiếp lời của Bộ trưởng Tô Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, doanh nghiệp hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh". |
LÊ THÀNH/ Sức Khỏe 365