Siêu bão Nina năm 1975
Từ buổi bình minh của nền văn minh cho đến ngày nay, lũ lụt đã gây ra nhiều cái chết cho con người và gây tàn phá nhiều hơn bất kỳ yếu tố tự nhiên nào. Cũng chính những dòng sông mang lại sự sống và đầy hứa hẹn có thể quét sạch những người sống phụ thuộc vào chúng.
Sức mạnh hủy diệt vô song của siêu bão Nina năm 1975 không phải đến từ những cơn gió mà từ trận lũ lụt thảm khốc mà nó gây ra. Cơn bão đã dành phần lớn sức mạnh để vượt qua dãy núi trung tâm của Đài Loan (Trung Quốc) và đã suy yếu thành bão nhiệt đới vào thời điểm nó tấn công Trung Quốc đại lục.
Khi gặp đất liền, bão Nina tạo ra lượng mưa lớn tới 1.060 mm trong 24 giờ - lượng mưa tương đương một năm ở miền Trung Trung Quốc. Trận đại hồng thủy này đã làm sập đập Bản Kiều và phá hủy hơn 60 con đập khác.
Khi các con đập bị xô lệch, đợt sóng rộng 10km, cao 3-7 mét tràn qua các vùng đất thấp với tốc độ gần 50km/h, phá hủy một khu vực dài 55km và rộng 15km. Lũ cuốn trôi hàng chục nghìn người sống sót xuống hạ lưu và nhấn chìm hàng nghìn km vuông đất, khiến 26.000 người thiệt mạng.
Thêm 145.000 người sau đó chết vì bệnh tật và đói kém (một số ước tính đưa ra con số thiệt mạng gần 230.000 người). Tổng cộng, Nina đã làm sập gần 6 triệu tòa nhà và ảnh hưởng đến 11 triệu người, gây thiệt hại kinh tế 1,2 tỉ USD cho Trung Quốc.
Siêu bão Bhola năm 1970
Một năm trước khi Bangladesh trở thành một quốc gia độc lập khi ly khai khỏi Pakistan, nước này đã phải hứng chịu một cơn bão hoành hành gây ra hỗn loạn trên vùng đồng bằng ven biển trũng thấp.
Bão tấn công Bangladesh có xu hướng gây ra sự tàn phá lớn vì địa hình của đất nước khuếch đại tác động của chúng. Vì vậy, cơn bão năm 1970, có biệt danh là Cơn bão Bhola, đã được chứng minh là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi lại, mặc dù nó chỉ là cơn bão cấp 3. Ước tính số người tử vong dao động từ 300.000 đến 1 triệu người, một con số quá khủng khiếp.
Khu vực đồng bằng của Bangladesh là một trong những vùng đất trồng trọt màu mỡ nhất trên thế giới, với một số con sông đổ phù sa và chất dinh dưỡng bồi đắp cho đất đai tại đây. Do đó, khu vực này được xếp hạng trong số những nơi có mật độ dân cư đông đúc nhất trên thế giới, bất chấp những hiểm họa về địa hình vốn có khi sống ở đó.
Siêu bão Mitch năm 1998
Với hậu quả tàn khốc khiến gần 11.000 người thiệt mạng ở Trung Mỹ vào năm 1998, bão Mitch được đánh giá là cơn bão Đại Tây Dương nguy hiểm thứ hai từ trước tới nay và nguy hiểm nhất trong hơn 200 năm.
Cơn bão Đại Tây Dương nguy hiểm nhất trong vòng 200 năm đã tàn phá các quốc gia trên đường đi của bão. Khoảng 1,5 triệu người đã mất nhà cửa. Honduras là quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn một nửa số người thiệt mạng do bão Mitch thuộc quốc gia này.
Bão Mitch đã gây ra hơn 2 tỷ USD thiệt hại trực tiếp hơn và 1,8 tỷ USD thiệt hại gián tiếp. Mùa màng bị tàn phá dẫn đến giảm 9,4% kim ngạch xuất khẩu cây công nghiệp năm 1999. Đường cao tốc và cầu chiếm 70% cơ sở hạ tầng giao thông bị hư hỏng. Cơn bão đã gây ra tình trạng mất điện và thiếu nước trên diện rộng. Trận lở đất lớn đã tạo ra một con đập ở Tegucigalpa.
Cộng đồng quốc tế đã viện trợ lên tới 2,8 tỷ USD trong vòng vài năm nhằm hỗ trợ Honduras khắc phục hậu quả cơn bão. 2,7 triệu người đã trở thành người vô gia cư do siêu bão này.
Siêu bão Maria năm 2017
Vào tháng 9/2017, bão Maria đã tấn công Dominica, Saint Croix và Puerto Rico. Cơn bão mạnh cấp 5 này là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất những hòn đảo này từng chứng kiến. Bão Maria đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương tồi tệ nhất kể từ bão Mitch năm 1998, gây ảnh hưởng nặng nề nhất đối với Puerto Rico.
Bắt đầu hình thành từ Lesser Antilles, xoáy nhiệt đới này nhanh chóng mạnh lên thành bão cấp 5 trước khi đổ bộ vào Dominica ngày 18/9 năm 2017. Sức gió mạnh lên khi quét qua hòn đảo, đạt tốc độ 280km/h và đổ bộ vào Puerto Rico ngày 20/9.
Vào năm 2017, bão Maria gây sạt lở đất ở Puerto Rico. Nhà ở, cơ sở hạ tầng và thảm thực vật của Dominica đều bị bão Maria tàn phá. Martinique và Guadeloupe ngập trong nước lũ, nhiều mái nhà bị hư hại, cây bật rễ trôi theo dòng nước lũ.
Trong lịch sử châu Mỹ, đây là cơn bão gây mất điện kéo dài lâu nhất. Gần như toàn bộ Puerto Rico ngập trong lũ lụt, gây hậu quả ảnh hưởng tới nền kinh tế. Tổng thiệt hại mà bão Maria gây ra cho những quốc gia bị ảnh hưởng lên tới 91,61 tỷ USD. Đây là cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại lớn thứ 3 trên thế giới.
Siêu bão Great Hurricane năm 1780
Cơn bão Đại Tây Dương nguy hiểm nhất được ghi nhận là Great Hurricane năm 1780. Khi bão đổ bộ vào quần đảo Lesser Antilles từ ngày 10-16/10/1780, ước tính 22 nghìn người đã thiệt mạng do bão.
Do cơ sở dữ liệu chính thức về bão Đại Tây Dương chỉ có từ năm 1851 nên không có chi tiết cụ thể về đường đi và cường độ của bão Great Hurricane. Khi cơn bão quét qua Martinique, Saint Lucia và Sint Eustatius, bão rất có thể đạt cấp 5, sức gió ước tính 320km/h. Đây là sức gió mạnh nhất trong lịch sử Đại Tây Dương từng được ghi nhận.
Hàng nghìn người đã thiệt mạng trên những hòn đảo nơi bão đổ bộ. Cơn bão xảy ra cách đây 243 năm vào thời điểm diễn ra cách mạng Mỹ giành độc lập khỏi Anh quốc. Great Hurricane đã gây thiệt hại cho hạm đội Anh đang giành quyền kiểm soát và làm suy yếu đáng kể sức mạnh của quân đội Anh quốc trên biển Đại Tây Dương.
Sau đó, cơn bão đi qua gần Puerto Rico và qua phía đông Hispaniola, gây thiệt hại nghiêm trọng dọc bờ biển. Great Hurricane xảy ra vào tháng 10 cùng với hai cơn bão nguy hiểm khác năm 1780, thời điểm thường xảy mùa bão ở Đại Tây Dương.